Tuyên bố được Soumya Swaminathan, trưởng nhóm khoa học của WHO, đưa ra hôm 18/6. WHO cũng đang hoạch định cách thức phân phối, quyết định khu vực và cá nhân nào được ưu tiên cung cấp vaccine sau khi phê duyệt.
Theo đó, vaccine nên dành cho các nhân viên y tế tuyến đầu, những người dễ bị tổn thương vì virus do tuổi tác hoặc các bệnh lý tiềm ẩn, người làm việc trong các cơ sở có rủi ro phơi nhiễm cao như nhà tù hoặc trại dưỡng lão.
Chính phủ Mỹ cho biết vaccine hoàn thiện sẽ được tiêm miễn phí cho người không có năng lực chi trả.
Bà Soumya Swaminathan, trưởng nhóm khoa học của WHO, ngày 18/6. (Ảnh: SPH) |
"Tôi đang rất lạc quan và kỳ vọng. Nhưng phát triển vaccine là một quá trình phức tạp và không chắc chắn. Điều tích cực là có rất nhiều "ứng viên" đang được thử nghiệm. Trong trường hợp một loại thất bại, chúng ta sẽ không mất niềm tin và không bỏ cuộc", bà nói.
Khoảng 10 loại vaccine đang trong quá trình thử nghiệm trên người, dự kiến được ra mắt trong tháng tới. Các quốc gia trên thế giới đã bắt đầu ký kết thỏa thuận với công ty dược phẩm, đặt hàng hàng triệu liều tiêm, ngay cả khi chưa loại vaccine nào được chứng minh là an toàn và hiệu quả.
Swaminathan nhận định mục tiêu hàng trăm triệu liều vaccine trong năm nay là lạc quan, và tham vọng đạt 2 triệu liều trong năm tới, với ba loại khác nhau, là "có khả năng lớn".
Mới đây, công ty công nghệ sinh học CureVac của Đức đã được Viện nghiên cứu Paul-Ehrlich (PEI) phê duyệt thử nghiệm lâm sàng một loại vaccine Covid-19. Đây là "ứng viên" thứ 11 trên thế giới tiến vào giai đoạn này. Trước đó, hãng dược Biotec của Trung Quốc công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn hai trên 1.120 người, cho thấy vaccine thử nghiệm ngừa Covid-19 đã kích hoạt hệ miễn dịch sản sinh kháng thể.
Theo VNE