Bà mẹ đơn thân Mỹ trở thành gián điệp cho Trung Quốc như thế nào?

Thứ năm, 18/06/2020, 15:07
Câu chuyện về Candace Claiborne cho thấy các cơ quan tình báo Trung Quốc sẵn sàng bỏ công sức, đi sâu như thế nào để khai thác những điểm yếu trong hệ thống an ninh quốc gia Mỹ.

Khi Candace Claiborne đến Bắc Kinh vào năm 2009 để làm việc cho Bộ Ngoại giao Mỹ, cơ quan này đã bắt đầu gia tăng cảnh giác trước mối đe doạ của tình báo Trung Quốc.

Đại sứ quán Mỹ vừa mới chuyển từ toà nhà ở giữa khu ngoại giao Bắc Kinh, tới một tổ hợp mới rộng 4 héc-ta cách xa trung tâm thành phố - một pháo đài trị giá 434 triệu USD - được thiết kế để chống lại sự xâm nhập và cả trong trường hợp bị tấn công. Toà nhà được trang bị kính chống vỡ, nhiều trạm kiểm soát an ninh và cả một hào nước bao quanh.

Toà nhà Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ).

Nhân viên ít được chú ý

Để đề phòng khả năng bị nghe trộm, toàn bộ các phần cấu thành toà nhà được nhập khẩu nguyên chiếc từ Mỹ, chiến thuật này bắt đầu được sử dụng vào thập niên 1980 sau khi một số tầng của Đại sứ quán Mỹ ở Moscow phải phá huỷ vì phát hiện thiết bị nghe trộm.

Bất chấp điều đó, cuối cùng 2 công nhân xây dựng người Mỹ vẫn bị phát hiện đã cung cấp thông tin chi tiết về toà nhà cho tình báo Trung Quốc.

Tin này gây náo loạn cả Washington, vì Mỹ khi đó bắt đầu lo lắng khi chứng kiến sự tăng trưởng kinh tế và ảnh hưởng chính trị ngày càng nhanh của Bắc Kinh. Môi trường làm việc của Claiborne trong 3 năm tiếp theo khá căng thẳng, bao gồm các cuộc họp và cảnh báo anh ninh thường xuyên về những chiến thuật cũng như sự xảo quyệt của cơ quan tình báo Trung Quốc.

"Tôi luôn nhắc nhở các nhân viên là nam giới rằng, 'Nhìn vào gương đi, chẳng có người phụ nữ quyến rũ, hấp dẫn nào lại tới làm quen với một gã đàn ông 50 tuổi cả'", một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ chia sẻ.

Mặc dù các nhân viên an ninh của đại sứ quán có nhiều điều phải lo lắng, Claiborne lại không phải là mẫu người khiến họ nghi ngại. Người phụ nữ 53 tuổi là mẹ của 4 đứa con đã trưởng thành, và bà sở hữu sự đĩnh đạc và phong thái của một người từng làm việc dựa trên kỷ luật.

Khi còn trẻ, Claiborne mơ ước trở thành vũ công ballet, và đã tập luyện chăm chỉ tới mức được nhận vào trường múa ballet danh tiếng của Washington.

Xuất thân từ gia đình có truyền thống làm việc cho chính phủ - một anh trai của bà tham gia không quân và người còn lại làm cho FBI - nhưng Claiborne quyết định theo đuổi ước mơ và chuyển tới New York. Đạt được một số thành công nhất định, nhưng thế giới ballet là quá khắc nghiệt và sau một cuộc hôn nhân đổ vỡ, Claiborne cuối cùng đi theo truyền thống gia đình.

Bà trở thành một trong hàng trăm quản trị viên ít được biết tới nhưng có vai trò quan trọng, được Bộ Ngoại giao Mỹ đào tạo để sắp xếp lịch hẹn, chuẩn bị chương trình nghị sự cho các cuộc họp và ghi chép. Công việc của Claiborne ở đại sứ quán liên quan đến những thông tin tuyệt mật, và bà đã được duyệt lý lịch để đảm bảo không có rủi ro tuồn tin tức ra ngoài.

Bà Candace Claiborne bị kết án 40 tháng tù vì lừa dối chính phủ vào năm ngoái. (Ảnh: AFP).

Claiborne làm việc tại Bắc Kinh một thời gian và sau đó chuyển sang Thượng Hải. Thông thường, Bộ Ngoại giao giới hạn mỗi nhân viên chỉ được làm 2 nhiệm vụ tại 1 quốc gia, và nếu hơn thì cần có yêu cầu miễn trừ đặc biệt. Cách tiếp cận này dựa trên lo ngại rằng nếu một nhân viên ở đâu đó quá lâu, người này sẽ không còn cảnh giác với các mối đe dọa tiềm tàng.

Tuy nhiên, có một vấn đề là rất ít nhân viên Bộ Ngoại giao muốn tới Bắc Kinh, và bà Claiborne thì khi đó vẫn có hồ sơ hoàn toàn trong sạch, và dễ dàng vượt qua các bài đánh giá an ninh để tiếp tục ở lại Trung Quốc. Mặc dù vậy, Claiborne có một điểm yếu mà Bộ Ngoại giao đã không đánh giá đúng mức.

Người đàn ông Trung Quốc bí ẩn

Khi chuẩn bị quay lại Bắc Kinh, Claiborne đã lo lắng về Jamal - bí danh được các nhà điều tra đặt cho một người đàn ông có quan hệ thân thiết với Claiborne. Dữ liệu từ liên lạc giữa 2 người cho thấy Jamal đôi lúc sống cùng và thường phụ thuộc vào Claiborne về tài chính. Mối quan hệ của họ gợi ý rằng một bên là người nóng nảy và trẻ con, còn bên kia nuông chiều và lo lắng.

Có thông tin cho rằng Jamal là con trai của Claiborne, nhưng các nhà điều tra không xác nhận điều này. Jamal vừa tốt nghiệp đại học và đang sống ở Washington, làm một loạt những công việc dành cho người mới ra trường. Mặc dù có khả năng vẽ và mong muốn trở thành nhà thiết kế thời trang, nhưng Jamal vẫn còn nợ tiền học và không có khả năng tài chính để học tiếp. Claiborne cũng túng thiếu nhưng bà nhìn thấy một giải pháp.

Jamal đã đi cùng Claiborne trong chuyến đi đầu tiên của bà tới Bắc Kinh, và theo học một trường quốc tế. Jamal cảm thấy thích cuộc sống ở Trung Quốc, và đã kết bạn với một số người địa phương. Nhân viên Bộ Ngoại giao được yêu cầu báo cáo tất cả quan hệ với người nước ngoài, và chỉ một số ít có thể giữ mối quan hệ lâu dài với dân địa phương.

Trong thời gian này, không rõ họ gặp nhau như thế nào, nhưng Claiborne đã quen biết một người đàn ông địa phương tên Wu. Ông Wu sở hữu công ty xuất nhập khẩu và spa tại Thượng Hải. Không có dấu hiệu nào cho thấy 2 người có quan hệ tình cảm, nhưng họ đủ thân thiết để Claiborne viết thư gửi cho ông Wu trước chuyến đi thứ 3 đến Trung Quốc, hỏi về việc liệu Jamal có thể tiếp tục việc học ở Trung Quốc hay không.

"(Jamal) cần một nơi ở và có thể là cả vé máy bay... có gợi ý gì không?", Claiborne viết trong bức thư.

Không rõ Claiborne yêu cầu chính xác điều gì từ Wu, có thể là một lời giới thiệu việc làm hoặc để nhập học, thay vì tiền mặt. Nhưng dù sao thì ông Wu cũng nói rằng sẽ giúp đỡ.

Ông Wu hữu ích tới nỗi, dần dần, Claiborne ngày càng phụ thuộc vào người đàn ông này nhiều hơn. Cuối cùng, mục đích của ông Wu đã bị các nhà điều tra Mỹ phát hiện: ông ta thực chất là một điệp viên của chính phủ Trung Quốc.

Trên truyền thông, người ta thấy Mỹ ngày càng lo ngại hơn về khả năng những phần mềm tiên tiến của Trung Quốc có thể giúp Bắc Kinh thâm nhập vào mạng viễn thông ở nước ngoài. Nhưng trường hợp của Claiborne cho thấy mối đe dọa đôi khi đến từ những điều đơn giản hơn nhiều.

Trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ ở thủ đô Washington D.C. (Ảnh: AP).

Khi vụ án của Claiborne được đưa ra toà vào năm 2017, nó trở thành tin nóng trong vài ngày và nhanh chóng bị lãng quên. Cuối cùng thì nhân viên ngoại giao này bị kết tội lừa đối chính phủ - hành vi phạm tội tương đối nhỏ so với một số vụ gián điệp khác có yếu tố Trung Quốc. Nhưng các chuyên gia tình báo của Mỹ cho rằng trường hợp của Claiborne là đáng báo động.

"Vụ án cho thấy cơ quan tình báo Trung Quốc sẵn sàng dành nhiều năm và nhiều nguồn lực để tiếp cận ngay cả một nhân viên ở cấp văn phòng", ông Ryan Gaynor, một đặc vụ giám sát của FBI, người điều tra vụ án, nhận định.

Dấu vết từ những liên lạc với ông Wu và câu chuyện của Claiborne cho thấy những chi tiết khác thường về sự kiên nhẫn và mưu mẹo của tình báo Trung Quốc, thách thức những niềm tin trước đây. Câu hỏi quan trọng nhất xung quanh vụ án là: làm thế nào để một người phụ nữ bình thường, kỷ luật, làm việc cho chính phủ, lại bị thao túng bởi tình báo nước ngoài?

Theo Zing

Các tin cũ hơn