Báo cáo dài 623 trang, gần như một bản giám định pháp y về ngành báo chí được đặt lên bàn làm việc của Thủ tướng Australia vào mùa hè năm ngoái.
Hầu hết người thường xuyên theo dõi tin tức không để ý tới báo cáo, nhưng trong đó chứa đầy biểu đồ thể hiện sự đi xuống của báo chí trong thập kỷ vừa qua.
Báo cáo này, được thực hiện bởi các cơ quan quản lý của Australia, cho thấy rõ nguyên nhân khiến báo chí đi xuống: sự độc quyền gần như hoàn toàn của Google và Facebook.
Kể từ khi báo cáo được công bố, đã có nhiều động thái ở nhiều nước, có thể thay đổi cán cân quyền lực giữa các tập đoàn công nghệ lớn (còn gọi là “big tech”) và báo chí.
Trận chiến kéo dài suốt thập kỷ
“Các tập đoàn công nghệ không đứng ngoài luật pháp, nhất là trước một vấn đề có tầm quan trọng đến vậy”, Rod Sims, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Australia, cũng là tác giả của báo cáo trên, nói với New York Times.
Ông Sims và một nhà quản lý có đồng quan điểm khác ở Pháp, bà Isabelle de Silva, đang muốn thách thức một điều từng là hiển nhiên trên Internet: Google, Facebook có thể chia sẻ nội dung tin bài do báo chí sản xuất, mà không cần trả tiền.
Đó là cơ hội muộn màng để báo chí bớt chút gánh nặng, sau một thập kỷ khủng hoảng và liên tục cắt giảm việc làm, mà nguyên nhân chính là các tập đoàn công nghệ “big tech”.
Đợt cắt giảm việc làm lớn gần đây nhất có thể có nguyên nhân trực tiếp là dịch Covid-19. Tháng 5, Vice Media, từng nổi tiếng tăng trưởng nhanh, phải sa thải 155 nhân viên. Quartz sa thải 80 nhân viên. Condé Nast, nhà xuất bản tạp chí Vogue, cắt 100 nhân viên. BuzzFeed tuyên bố dừng hoạt động ở Australia và Anh, nhưng vẫn sẽ sản xuất tin bài cho “độc giả toàn cầu”.
Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008, khoảng 1.000 tờ báo ở Mỹ đã phải đóng cửa.
Đại dịch đang tạo ra nghịch lý cho báo chí. Công chúng đang tiêu thụ tin tức ở mức chưa từng có, muốn cập nhật mọi diễn biến về Covid-19, nhưng lượng truy cập tăng vọt lại diễn ra đồng thời với sụt giảm tiền quảng cáo và cắt giảm phóng viên.
Một thống kê của New York Times cho thấy ở Mỹ, tính đến đầu tháng 5, khoảng 36.000 nhân viên tại các cơ quan báo chí đã bị sa thải, tạm nghỉ không lương hoặc bị giảm lương.
|
Những ai theo dõi cuộc khủng hoảng của báo chí trong thời đại số, đây là những diễn biến đáng “giật mình”, vì ngay cả những tên tuổi sáng tạo và thích ứng tốt nhất với Internet cũng đang chật vật, theo Washington Post. Thị trường báo chí hiện tại quá khắc nghiệt đối với ngay cả những công ty linh hoạt nhất.
Trên thực tế, đợt sa thải phóng viên này “chỉ là xu hướng có sẵn một thập kỷ qua bỗng nhiên diễn ra nhanh hơn”, bà Emily Bell, Giám đốc trung tâm nghiên cứu báo chí tại Đại học Columbia, New York, nói với Washington Post. “Dù chúng ta biết nó đang diễn ra… bây giờ chúng ta thấy được nó”.
Lý giải với Washington Post về đợt sa thải này, Gabriel Kahn, giáo sư trường báo chí thuộc Đại học Nam California, chỉ ra doanh thu quảng cáo “bị thâu tóm quá nhiều bởi hai công ty: Facebook và Google”.
Dù con số cắt giảm phóng viên đợt Covid-19 là đáng kinh ngạc, đã có nhiều đợt sa thải trước đây trong ngành báo chí thế giới, từ lâu trước Covid-19.
Chẳng hạn tháng 1/2019, mùa đông làm người dân thành phố New York lạnh thấu xương cũng là khoảng thời gian đặc biệt tàn nhẫn đối với một số báo chí có trụ sở tại đây.
Chỉ trong hai tuần, khoảng 2.100 việc làm báo chí bị mất. Đa phần không phải ở báo in - vốn đã có nhiều đợt sa thải - mà là ở các cơ quan thuần túy trên Internet. BuzzFeed sa thải 220 nhân viên, tức 15% nhân sự, bao gồm ở tòa soạn New York đầy uy tín. Vice tuyên bố sa thải 10% số nhân viên, trong khi Verizon, công ty điện thoại sở hữu các trang báo Huffington Post và Yahoo, cắt giảm 800 nhân viên báo chí.
Sự đi xuống của báo in trong thập kỷ qua là khá “tàn khốc” và đã được ghi nhận từ lâu, do các nhà quảng cáo và độc giả ngày càng chuyển sang Internet, theo Guardian.
Giai đoạn 2008-2017, số việc làm ở các tờ báo Mỹ giảm 45%, xuống 39.000. Tính toàn bộ việc làm báo chí ở Mỹ, bao gồm cả truyền hình và phát thanh, con số đó giảm 23%.
Không chỉ ở Mỹ, mà ở Australia, từ năm 2014-2018, số phóng viên báo in đã giảm 20%.
Nhưng sự vật lộn của báo chí trên mạng là điều đáng báo động, và “nhiều người đang kết luận rằng các nền tảng Internet thương mại đang khiến báo chí ngày càng khó khăn, thậm chí không thể có lãi”, bà Emily Bell, từ trường báo chí Đại học Columbia, bình luận trong một bài viết trên Guardian đầu năm 2019.
Trong bài viết, bà Bell chỉ ra sự phụ thuộc của báo chí vào Google và Facebook, cũng như sự thống trị thị trường quảng cáo của hai đại gia này. Trong cùng tuần mà BuzzFeed tuyên bố cắt giảm vào năm 2019, Facebook báo cáo doanh thu kỷ lục 17 tỷ USDquý 4 năm 2018, dù có một năm tai tiếng vì tin giả và bê bối thu thập dữ liệu người dùng.
Lượng dữ liệu khổng lồ mà các nền tảng số thu thập cho phép họ cung cấp quảng cáo hiệu quả hơn bất cứ báo đài nào.
Dữ liệu ngày nay trở thành “đầu vào” cho quảng cáo, làm báo chí yếu thế trên Internet. Nếu biết ai đang xem một quảng cáo nhất định, chỗ đặt quảng cáo đó có giá hơn nhiều. Facebook và Google, với hệ thống theo dõi của mình, biết rõ ai đang xem từng quảng cáo một, Matt Stoller, tác giả cuốn Goliath: The Hundred Year War Between Monopoly Power and Democracy (tạm dịch: cuộc chiến trăm năm giữa độc quyền và dân chủ), viết trong một bài bình luận trên New York Times.
“Doanh thu quảng cáo từng được chi vào báo chí chất lượng giờ đây vào tay của trung gian ‘big tech’, và một phần tiền đó còn được chi vào các nội dung giả mạo, sai sự thật, chất lượng thấp”, ông Stoller bình luận.
Đây là hệ quả của xu hướng độc quyền không gian mạng một cách tự do, đã diễn ra từ buổi đầu của Internet, theo ông Stoller. Từ năm 2004-2014, Google chi ít nhất 23 tỷ USDmua lại 145 công ty, bao gồm gã khổng lồ quảng cáo DoubleClick. Kể từ 2004, Facebook cũng chi ra khoản tiền tương tự mua 66 công ty, bao gồm các thương vụ then chốt giúp Facebook áp đảo thị trường mạng xã hội. Tất cả thương vụ trên đều không bị nhà quản lý ở Mỹ ngăn chặn chống độc quyền.
Can thiệp từ các chính quyền
Dù thâu tóm doanh thu từng dành cho báo chí, Facebook và Google chưa hề trả tiền cho báo chí khi dùng lại nội dung tin bài mà nhờ đó họ có doanh thu quảng cáo. Đây chính là vấn đề được nhắc tới ở trên, và là mục tiêu giải quyết của cơ quan quản lý ở Australia và Pháp.
Vào tháng 5, khi đại dịch Covid-19 làm hàng trăm cơ quan báo chí phải dừng hoạt động trên khắp thế giới, chính phủ Australia chỉ đạo cho ông Sims yêu cầu các nền tảng số đàm phán việc trả tiền cho báo chí, trở thành nước đầu tiên làm điều này.
“Các nền tảng số nói chung vẫn cần báo chí, nhưng không cần một báo đài cụ thể nào, vì vậy có sự bất cân xứng về quyền lực, nghiêng về phía nền tảng số”, theo ông Sims, 69 tuổi, người đã dành cả sự nghiệp chiến đấu với tình trạng độc quyền trong các ngành như đường sắt, cảng và điện thoại.
“Điều này khiến thị trường thiếu lành mạnh một cách đáng kể, gây hại cho báo chí, và cũng làm xã hội chịu thiệt”.
Ở Pháp, các nhà quản lý đang buộc Google đạt thỏa thuận với các cơ quan báo chí.
Các bên liên quan đều cho rằng quyết định của Australia và Pháp sẽ tạo tiền lệ cho toàn cầu. Các lãnh đạo từ Ireland đến Malaysia đều nói họ đang theo dõi sát. Ở Mỹ, nơi mà luật chống độc quyền yếu hơn, và các nhà quản lý kiểm soát lỏng hơn, các cơ quan báo chí cũng đang ngóng đợi thời cơ.
Cuộc chiến giữa nền tảng số và báo chí vừa là tranh luận về nguyên tắc kinh tế, vừa là cuộc đấu chính trị giữa các ngành đầy quyền lực. Trong một thập kỷ, sức mạnh mang tính cách mạng của “big tech”, cũng như khả năng chi tiền khổng lồ vào vận động hành lang, đã dẫn đến tình trạng nền tảng số có thể đăng tải và hưởng lợi từ tin bài do báo chí sản xuất ra, mà không phải trả tiền.
Trong bài xã luận đăng trên New York Times, David Chavern, Chủ tịch của News Media Alliance, tổ chức đại diện cho báo chí Mỹ, bình luận rằng “miễn phí” không phải là mô hình kinh doanh tốt cho báo chí chất lượng cao.
“Facebook và Google thẳng thừng từ chối trả tiền cho tin bài mặc dù họ… có các thỏa thuận trả tiền cho nhà sản xuất nhạc khi các bài hát có bản quyền được nghe trên nền tảng của họ. Các công ty này cũng cạnh tranh quyết liệt để phát trực tiếp các sự kiện thể thao hay giải trí trên Facebook Watch hay YouTube (thuộc Google)”, ông Chavern lập luận.
“Không có lý do gì những người sản xuất tin bài lại không thể được bảo vệ tài sản trí tuệ như nhà soạn nhạc hay làm phim”, ông viết thêm.
Nhưng quyền lực của báo chí khiến ngành này trở thành một thế lực chính trị đáng gờm. Ông trùm truyền thông Rupert Murdoch của tập đoàn News Corp (sở hữu những tên tuổi như Wall Street Journal hay Fox News)từ lâu đã vận động đòi tiền từ “big tech”, và trên các trang báo mà ông sở hữu như The Times of London hay trên sóng Fox News, sự chống đối Google được thể hiện rõ.
Dù các nền tảng số có đội quân vận động hành lang hùng hậu, nhưng các chính khách vẫn muốn lấy lòng báo chí, là ngành đưa tin về họ.
“Mọi chính phủ đều muốn đáp ứng báo chí theo cách này hay cách khác, vì ở mọi nước, truyền thông chính là cái lăng kính mà qua đó (chính phủ) được nhìn nhận”, ông Sims nói.
Facebook và Google đã tiếp cận khác nhau trước sức ép từ các nhà quản lý. Facebook, bị lên án dữ dội vì đóng vai trò khuếch đại tin giả và chia sẻ dữ liệu người dùng sau cuộc bầu cử 2016, thì bây giờ quyết định cho các cơ quan báo chí điều họ muốn: tiền.
Công ty này đã chi một số tiền cho các công ty báo chí, đổi lại thỏa thuận ba năm cho phép sử dụng nội dung tin bài.
Trong khi đó, Google đang chơi ván bài theo cách khác, nhưng không thực sự hiệu quả, theo New York Times.
Google đã có cách tiếp cận khá “cao ngạo” trước các yêu cầu trả tiền cho báo chí, dẫn đầu là lãnh đạo phụ trách mảng tin tức, Richard Gingras. Ông vẫn chỉ nói lại các luận điểm cũ về giá trị của Internet, như thể đây vẫn là năm 2003, dù các cơ quan báo chí ngày càng phản ứng quyết liệt, New York Times bình luận. Trong khi Facebook đang trả tiền trực tiếp cho báo chí, Google vẫn chỉ chi tiền cho các dự án đổi mới, thử nghiệm báo chí, xoay quanh công nghệ của Google.
CEO của tập đoàn News Corp, Robert Thompson, trong một cuộc gọi với cổ đông vào tháng 5, cáo buộc Google tạo ra “một hệ thống hỗ trợ báo chí chỉ mang tính vụn vặt, thông qua các khoản chi từ thiện giả tạo”.
Google lập luận rằng họ đang làm lợi cho báo chí bằng việc chuyển nhiều người dùng hơn tới trang web của các báo.
Trước mắt, bà de Silva nói Google có đến tháng 8 để “đàm phán một cách thiện chí” việc trả tiền sử dụng nội dung báo chí. Đức dự kiến sẽ có động thái tương tự với Google vào cuối năm. Câu chuyện ở Australia dường như đang tiến triển nhanh hơn, và ông Sims dự kiến sẽ đưa ra bản thảo bộ quy tắc, bao gồm một hệ thống định giá các tin bài, vào tháng 7 tới.
Chỉ riêng ông Sims và bà de Silva, những nhà quản lý, không thể cứu ngành báo chí vốn đang gặp khó trong việc tiếp cận độc giả trên mạng Internet. Một số cơ quan vẫn dựa vào báo in, số khác có cách kể chuyện và tư duy về tin tức như của báo in. Các khoản tiền từ Facebook hay Google sẽ chỉ giúp được phần nhỏ cho các báo đài đang chật vật.
Nhưng trong thời khắc nguy cấp hiện nay, ít ra báo chí cũng đang có chút thắng lợi trong một cuộc đấu chính trị. Các nền tảng nhận ra rằng dù tin tức, thời sự không “hot” bằng hình trẻ em hay người nổi tiếng, đó vẫn là ngành mà các chính khách quan tâm nhất.
Các diễn biến nói trên trong trận chiến giữa báo chí và “big tech” diễn ra trong bối cảnh báo chí thiệt hại nặng nề do dịch Covid-19.
Ngành báo chí Mỹ vốn đã bấp bênh từ trước dịch Covid-19. Khi xảy ra dịch Covid-19, độc giả tìm đến báo chí nhiều hơn, nhưng vì nhiều doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc đóng cửa, và không mua quảng cáo nữa, báo chí rơi vào tình trạng khó khăn.
Jed Kolko, kinh tế gia trưởng ở trang việc làm Indeed.com, nói các bài đăng tuyển dụng ngành truyền thông đã giảm 35% trong 60 ngày tính đến 3/4, so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giảm các ngành khác nhỏ hơn, ở mức 24%, cho thấy đại dịch có tác động lên báo chí lớn hơn các ngành khác, ông Kolko nói với New York Times.
Ở Australia, một số báo khu vực đã phải đóng cửa. Nhiều báo đã dừng bản in vì mất nguồn thu quảng cáo. BuzzFeed tuyên bố dừng hoạt động ở Australia và Anh, nhưng vẫn sẽ sản xuất tin bài cho “độc giả toàn cầu”, theo trang The Conversation.
Trong bối cảnh đó, một số báo hàng đầu trên thế giới vẫn “đứng vững qua cơn bão”, theo Financial Times.
Điển hình, New York Times và Wall Street Journal, với mô hình người đọc phải trả tiền gần một thập kỷ qua, đã không phải cho nhân viên nghỉ hàng loạt hay giảm lương - điều mà đa số các báo đài khác buộc phải làm. Thậm chí, hai tờ báo này còn đang tuyển thêm người.
Số người đọc đăng ký các tờ báo kỳ cựu có tuổi đời cả thế kỷ như New York Times, Wall Street Journal, Washington Post và Financial Times đã tăng mạnh trong đại dịch.
New York Times cán một cột mốc ấn tượng vào tháng 5, khi đạt 6 triệu người đăng ký trả tiền trên toàn cầu. Dịch Covid-19 “là lúc để báo chí tìm kiếm độc giả và chứng tỏ giá trị của thông tin đáng tin cậy”, Mark Thompson, Chủ tịch và CEO của New York Times, cho biết khi công bố thành tích nêu trên.
Nhưng vẫn chưa rõ liệu số người đọc trả tiền như vậy có đủ để các báo vượt qua khủng hoảng mà không hề hấn gì hay không. Và cũng chưa rõ liệu suy thoái kinh tế sẽ ảnh hưởng rộng lớn hơn ra sao tới báo chí, sau khi đã trải qua một thập kỷ đi xuống.
|
Doanh thu từ người đọc trả tiền ngày càng đóng vai trò lớn với nhiều tờ báo, nhưng ít cơ quan nào có đủ lực để chịu được cú sốc như Covid-19. Chẳng hạn, Financial Times, bắt đầu tạo chế độ trả tiền từ năm 2002,có 1,1 triệu người đọc trả tiền, vẫn phải cắt một số chi phí để chống đỡ sự sụt giảm nguồn thu quảng cáo. Tạp chí Atlantic cũng phải cắt 1/5 nhân sự, dù thu hút được 90.000 người đăng ký từ tháng 5.
Tại Việt Nam, bài toán nguồn thu cũng trở nên cấp bách với báo chí, và là chủ đề của một diễn đàn ngày 11/6, theo trang Dân Việt.
“Đại dịch Covid-19 như siêu bão khủng khiếp quét qua… Phần lớn các tòa soạn bị sụt giảm tới 50% doanh thu và có thể còn tiếp tục nhiều hơn thế nữa”, ông Lê Trần Nguyên Huy, Tổng biên tập báo Nhà báo & Công luận phát biểu tại diễn đàn.
Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết trong năm 2019, doanh thu của hơn 900 cơ quan cả báo chí, phát thanh, truyền hình chỉ đạt gần 16.000 tỷ đồng, tương đương với doanh thu quảng cáo trực tuyến của các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google ở thị trường Việt Nam.
“Chỉ trong 10 năm, khoảng 50% thị phần quảng cáo rơi vào tay các nền tảng số xuyên biên giới", ông Phúc nói.
Theo Zing