Còn nhiều "lỗ hổng" trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Việt Nam được đánh giá là nước đầu tiên và duy nhất ở Đông Nam Á thành công về nỗ lực chuyển từ tình trạng có tỷ lệ mất rừng cao sang trồng và tái sinh rừng.
Song các số liệu về diễn biến rừng cùng các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, chuyển dịch rừng ở Việt Nam không còn là “bức tranh đẹp” như ban đầu khi xu hướng chuyển dịch đang dần trở thành các giao dịch kinh tế.
Thực tế độ che phủ cây (không phải là rừng) không thể che đậy được tình trạng biến mất rừng tự nhiên và cũng không thể bù đắp được các chức năng phòng hộ sinh thái, hạn chế thiên tai mà rừng tự nhiên có thể đem lại.
Những trận bão liên tiếp và lũ lụt nghiêm trọng ở miền Trung thời gian qua không chỉ gây thiệt hại lớn về người và của mà còn phát lộ những mảng “rách” lớn trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Lũ vượt đỉnh lịch sử năm 1999 tại Quảng Trị.
Kể từ năm 2005 đến nay, độ che phủ rừng ở Việt Nam nhìn bên ngoài vẫn tăng hàng năm và thường được báo cáo là kết quả thành công của chính sách cùng chương trình phát triển rừng. Nhưng thực tế chương trình phát triển rừng ở Việt Nam đang chạy theo thành tích “lấy số lượng bù chất lượng”.
Mục tiêu “tăng tỷ lệ che phủ rừng” trở thành nhiệm vụ chính trị của từng địa phương và hậu quả là những cây ngoại lai phát triển nhanh, như: keo, bạch đàn... Thậm chí, cây đa mục đích như cao su được phát triển tràn lan để đáp ứng thành tích “nâng cao độ che phủ rừng” này.
Nhờ vậy mà diện tích rừng trồng cứ tăng liên tục, từ 2,3 triệu ha năm 2005 lên 4,1 triệu ha vào năm 2016 và 4,3 triệu ha vào năm 2019. Song diện tích rừng tăng thêm trong các báo cáo này không có tác dụng ngăn chặn thiên tai, lũ lụt, sạt lở vì chất lượng được đánh giá ở mức thấp.
Hậu quả của việc chạy theo thành tích phần trăm độ che phủ rừng mà quên chất lượng như hiện nay dẫn đến tình trạng rừng không đáp ứng được yêu cầu mà còn tạo ra cơ hội để chuyển đổi rừng vô tội vạ, xà xẻo rừng, biến rừng giàu thành rừng nghèo...
Thêm vào đó, định nghĩa về rừng của Việt Nam hiện nay rất “dễ dãi” khi quy định cả tre nứa, lau lách, các loại cây trồng độc canh, đơn vụ (như cao su, mắc ca…) cũng được coi là “rừng” khiến cho độ che phủ rừng được cộng “ăn gian” rất nhiều. Những diện tích này không thể gọi là rừng.
Điều này trở nên đặc biệt nguy hiểm khi rừng trồng đã và đang phát triển rất mạnh ở miền Trung - nơi có địa hình dốc, chia cắt và lượng mưa trung bình hàng năm lớn - nhưng thực tế rừng không thể ngăn được lũ lụt như xưa.
Hiện Bộ NN-PTNT đang chủ trì xây dựng Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, Chính phủ và Bộ NN-PTNT cần chú trọng vào nhiều giải pháp.
Thứ nhất, mặc dù lâm nghiệp được xác định có vai trò trụ cột trong chiến lược tăng trưởng xanh, gắn liền với xây dựng nền kinh tế carbon thấp, đảm bảo an ninh môi trường nhưng không thể tự động trở thành trụ cột trong nền kinh tế nếu thiếu kết nối với các ngành kinh tế khác.
Việc theo đuổi các mục tiêu kinh tế khác sẽ tiếp tục làm suy yếu khả năng đạt được các mục tiêu lâm nghiệp, nhất là mục tiêu “phục hồi và ổn định lâm phần” quốc gia trên thực tế.
Thứ hai, cần tách bạch các chức năng, mục tiêu của 3 loại hình rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng kinh tế. Trong giai đoạn mới, rừng vừa là tài nguyên, vừa là tư liệu sản xuất nhưng cũng là áo giáp bảo vệ an ninh môi trường.
Do đó, rừng cần được cụ thể hóa thành 2 mục tiêu chính là bảo tồn, phòng hộ và phát triển kinh tế lâm nghiệp. Đặc biệt, riêng với rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, cần ưu tiên cao nhất cho đầu tư nhằm giữ vững được diện tích, đảm bảo khả năng cung ứng các dịch vụ môi trường rừng.
Những thay đổi toàn diện trong thời gian tới là cần thiết và cấp bách để việc che phủ rừng không là cái “cớ” nhằm phá rừng, đảm bảo việc tái sinh rừng một cách bài bản, căn cơ, giúp rừng trở lại với vai trò lá chắn mỗi khi xảy ra bão lũ.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp