Nguy cơ thủng 'tuyến đầu' châu Âu do làn sóng Covid-19

Thứ tư, 11/11/2020, 17:31
Các dòng xe cấp cứu đậu bên ngoài bệnh viện Italy để chờ giường trống. Ứng dụng theo dõi Covid-19 của chính phủ Pháp hiển thị các cơ sở chăm sóc sức khỏe đầy 92,5%.

Trong các phòng hồi sức tích cực ở Barcelona (Tây Ban Nha), y bác sĩ làm việc không ngừng nghỉ.

Đây là cảnh tượng quen thuộc tại các nước châu Âu trong hai tháng vừa qua. Các bệnh viện tại Pháp, Đức, Anh, Bỉ và nhiều nước châu Âu đang chịu cảnh khan hiếm nhân lực, thiếu giường bệnh khi số ca nhiễm nCoV tăng nhanh chóng.

Cơn ác mộng hồi tháng 4 lặp lại, chưa thấy dấu hiệu chấm dứt. Khu hồi sức tích cực là tuyến phòng thủ cuối cùng cho các bệnh nhân Covid-19 nặng. Toàn châu Âu đang cạn kiệt giường bệnh và cả nhân lực y tế.

Ở nhiều nước, gánh nặng đạt gần bằng, thậm chí vượt qua đỉnh dịch hồi mùa xuân. Giới chức y tế ủng hộ tái thiết lập giãn cách xã hội, cảnh báo cần hạn chế kê thêm giường bệnh vì tình trạng thiếu hụt nhân lực.

Tại Pháp, khoảng 7.000 nhân viên y tế được đào tạo để làm việc trong khu hồi sức tích cực từ đầu năm. Tất cả đều sẵn sàng tham gia điều trị trên tuyến đầu. Dù vậy, sức lực của họ có giới hạn. Theo Bộ trưởng Y tế Olivier Veran, các phòng cấp cứu đã đạt đến 85% công suất. Khác với đợt bùng phát đầu tiên, virus đến nay đã len lỏi khắp ngóc ngách nước Pháp, khiến việc chuyển bệnh nhân từ vùng này sang vùng khác trở nên khó khăn. Một bệnh viện tại thành phố Marseille gần đây đã phải thuê thêm các xe tải lạnh, bởi số ca tử vong tăng cao chóng mặt.

Nhân viên y tế làm việc tại khu hồi sức tích cực Bệnh viện Ramon y Cajal ở Madrid, Tây Ban Nha. Ảnh: AP

Nhân viên y tế làm việc tại khu hồi sức tích cực Bệnh viện Ramon y Cajal ở Madrid, Tây Ban Nha. Ảnh: AP

Ở Italy, Hiệp hội Bác sĩ Quốc gia cho biết với tốc độ lây nhiễm hiện nay, nước này sẽ không còn đủ bác sĩ để phân bổ công tác. Gần đây, các y tá tại Naples bắt đầu xét nghiệm cho bệnh nhân ngay trên ôtô bên ngoài phòng cấp cứu bởi tình trạng quá tải. Italy có tổng cộng 11.000 giường hồi sức tích cực, song chỉ đủ bác sĩ gây mê cho 5.000 bệnh nhân. Tính đến ngày 10/11, các bệnh nhân đã nằm kín 2.849 giường, tăng 100 người so với chỉ một ngày trước đó.

Người mắc Covid-19 triệu chứng nghiêm trọng thường nhập viện sau khoảng 7 đến 10 ngày kể từ khi có biểu hiện đầu tiên. Họ nằm viện trong nhiều tuần, ngay cả khi có thêm bệnh nhân mới. Xu hướng này sẽ duy trì nếu tỷ lệ lây nhiễm tiếp tục tăng.

Các bệnh nhân từ Pháp, Bỉ và Hà Lan được sơ tán đến phòng hồi sức tích cực tại Đức. Song bác sĩ Đức thông báo giường bệnh ở đây cũng dần kín chỗ. Tiến sĩ Uwe Janssens, Chủ tịch Hiệp hội Liên ngành về Hồi sức Tích cực và Cấp cứu, cho biết tình hình tại một số đô thị đang vô cùng bấp bênh. "Nếu thành phố hàng triệu người chỉ còn lại 80, 90 giường bệnh, vấn đề trở nên nghiêm trọng. Bạn không chỉ tiếp nhận bệnh nhân Covid-19, còn có cả người bị tai nạn giao thông, đau tim, thuyên tắc phổi...", ông nói.

Trong hai tuần đầu tháng 11, số người nhiễm nCoV được điều trị tại phòng hồi sức tích cực ở Đức đã tăng gần gấp ba lần, từ 943 lên 2.546 người. Song tiến sĩ Janssens nhìn nhận tình hình ở nước này vẫn sáng sủa hơn Pháp, Bỉ, Hà Lan và Anh. Đức có khoảng 34,5 giường hồi sức tích cực trên 100.000 đầu người, chưa tính đến số lượng dự trữ khẩn cấp. Trong khi đó, Italy chỉ có 10 giường trên 100.000 dân. Con số ở Pháp là 16 giường.

"Nhưng một chiếc giường, một máy thở và màn hình điều khiển không đủ để chăm sóc bệnh nhân. Số lượng y tá và bác sĩ chuyên khoa của Đức còn kém xa so với các nước. Chúng tôi có nhiều giường, nhưng không đủ nhân lực", ông nói.

"Một mặt, nhân viên y tế mệt mỏi. Mặt khác, số người làm việc trên tuyến đầu có hạn", tiến sĩ Robert Guerri, Trưởng khoa Truyền nhiễm, điều phối viên Covid-19 tại Bệnh viện del Mar ở Barcelona, cho biết.

Nhân viên y tế khử trùng sau khi làm việc tại khu hồi sức tích cực, Bệnh viện Ramon y Cajal ở Madrid, Tây Ban Nha. Ảnh: AP

Nhân viên y tế khử trùng sau khi làm việc tại khu hồi sức tích cực, Bệnh viện Ramon y Cajal ở Madrid, Tây Ban Nha. Ảnh: AP

Khu điều trị Covid-19 tại đây bị quá tải vào tháng 10. Các phòng hồi sức tích cực cũng dần đông đúc. Ngay cả khi tỷ lệ lây nhiễm giảm nhẹ, ông chưa biết khi nào có giường trống.

Phần lớn các nước Đông Âu, từng không bị ảnh vào đợt bùng phát thứ nhất, giờ đang vật lộn chiến đấu với làn sóng Covid-19 thứ hai. Hungary cảnh báo, trong tình huống xấu nhất, các khu hồi sức tích cực sẽ đạt cực hạn vào tháng 12. Số người nhập viện tại Ba Lan có thể tăng gấp ba lần so với mức đỉnh trong tháng 4. Cuối tháng trước, Vệ binh Quốc gia Mỹ được đào tạo về y tế đã đến Cộng hoà Czech để làm việc cùng với các bác sĩ. Thị trưởng thành phố Praha, Zdeněk Hřib, vốn là bác sĩ, đã thay phiên nhân viên y tế trực theo ca tại bệnh viện.

Bỉ, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất châu Âu, ghi nhận một vài tín hiệu tích cực sau khi tiến hành phong tỏa một phần. Số người nhập viện đạt mức cao nhất là 879 vào ngày 3/11, đã giảm xuống còn 400, ngày 9/11.

Đại dịch Covid-19 khởi phát tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối tháng 12/2020 và nhanh chóng lan ra toàn cầu. Tính đến 11/11, toàn thế giới ghi nhận hơn 51 triệu ca nhiễm và hơn 1,2 triệu trường hợp tử vong.

Theo VNE

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích