Kể từ khi đại dịch Covid-19 tấn công thủ đô Seoul (Hàn Quốc), nghệ sĩ kịch câm Kim Chan-su phải bắt đầu cuộc sống của mình với hai công việc đan xen. Anh vừa làm nghệ sĩ xiếc, vừa phải đảm nhận thêm công việc chuyển phát nhanh bán thời gian để trang trải thu nhập.
Khi không có lịch diễn, anh Kim giao thức ăn và đồ uống bằng chiếc SUV Hyundai Tucson của mình, bắt đầu từ trưa và kéo dài đến quá nửa đêm.
“Tôi không lấy làm vui sướng gì. Để kiếm sống, tôi không còn lựa chọn nào khác", anh Kim, 43 tuổi, nói với Bloomberg. Mỗi ngày, anh Kim phải dành hàng giờ ngồi sau vô lăng ôtô để chờ chiếc máy tính bảng báo đơn về, rồi lại tất tả để kịp giao hàng cho khách.
Những người như anh Kim Chan-su đang có xu hướng ngày càng tăng. Dù phần lớn nhóm lao động này bị mất thu nhập, họ lại không được tính vào tỷ lệ thất nghiệp 4,2% của Hàn Quốc. Nhóm lao động này làm việc ít giờ hơn hoặc chuyển từ công việc toàn thời gian sang bán thời gian. Nhiều người sẵn sàng nhận việc làm thêm để tăng thu nhập.
Theo Bloomberg, trong năm nay, số lượng lao động có việc làm nhưng thu nhập không đủ trang trải cuộc sống, buộc họ phải tìm thêm công việc thứ hai gia tăng đột biến. Bắt đầu tư Mỹ, làn sóng của nền kinh tế tạm bợ (Gig economy) lan rộng đến Hàn Quốc với số lượng người không ký hợp đồng lao động chính thức với các chủ thuê mà lựa chọn làm đối tác hay nhân viên bán thời gian ngày càng nhiều.
Theo dữ liệu thống kê Hàn Quốc, trong quý II năm nay con số này đã tăng lên mức kỷ lục 1,2 triệu người, tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng lao động tìm thêm công việc thứ hai cũng tăng hơn gấp đôi so với năm 2015, trước khi giảm nhẹ xuống 1,1 triệu người trong quý thứ III năm nay.
Tỷ lệ người lao động muốn có thêm một công việc phụ khác tăng cao trong những năm gần đây. Ảnh: Bloomberg. |
Yi Junga, nhà nghiên cứu tại Dịch vụ Thông tin Việc làm Hàn Quốc, cho biết: “Xu hướng trên cho thấy nhiều người lao động cảm thấy thu nhập của mình không đủ cho cuộc sống". "Có vẻ như có khá nhiều người đã chuyển từ công việc toàn thời gian sang đồng thời làm nhiều công việc bán thời gian", Yi Junga cho biết thêm.
Dù số lượng người Hàn Quốc có việc làm thứ hai không nhiều như người Mỹ hoặc người Canada, các cuộc thăm dò ý kiến riêng cho thấy mối quan tâm của người Hàn Quốc đối với những hợp đồng "tạm bợ" - làm việc tự do hoặc đảm nhận thêm công việc khác bên cạnh công việc toàn thời gian - ngày càng được quan tâm.
Theo một cuộc thăm dò ý kiến 642 người lao động của cổng thông tin việc làm JobKorea vào tháng trước, có 84% cho biết họ quan tâm đến việc có thêm công việc thứ hai. Một cuộc thăm dò ý kiến khác của cổng thông tin việc làm Incruit với 1.599 người tham gia cho thấy 13,5% người được hỏi đã từng làm thêm công việc phụ, trong khi 35,7% khác cho biết họ đang cân nhắc thêm một việc làm thứ hai. Giới trẻ Hàn Quốc bắt đầu sử dụng thuật ngữ “N-job” để ám chỉ những người có nhiều hơn một việc làm trong xã hội hiện nay.
Tuy nhiên, dù xu hướng quan tâm đến nền kinh tế tạm bợ tăng, số lượng người tìm được công việc thứ hai vẫn thấp, đặc biệt trong thời buổi đại dịch lan rộng. Số lượng lao động có việc làm phụ đạt đỉnh vào năm 2019 với 470.000 người. Con số giảm xuống còn 430.000 trong 9 tháng đầu năm 2020. Theo dữ liệu thống kê, con số này chỉ chiếm 1,6% lượng lao động ở Hàn Quốc.
"Điều này có nghĩa ngay cả với những công việc tạm bợ, dư địa cũng không còn nhiều", ông Choo Kyung-ho, nhà lập pháp và cựu Thứ trưởng Tài chính cho biết.
Lee Heeju là một họa sĩ minh họa đã bị công ty cho thôi việc bởi sự ảnh hưởng của đại dịch. Mỗi ngày sau khi cho con gái ngủ, bà mẹ 30 tuổi này dành ra một hoặc hai giờ để làm sách điện tử về mẹo mua nhà cho các cặp vợ chồng trẻ. Cô Lee bán các tệp PDF như vậy với giá 12.000 won/tập.
Lĩnh vực bán kinh nghiệm và kiến thức này khá phổ biến đối với những người muốn kiếm thêm thu nhập ở Hàn Quốc. Lee đã sản xuất hai quyển và đang thực hiện quyển thứ ba. "Không kiếm được nhiều tiền nhưng cũng đủ để mua đồ ăn nhẹ cho con tôi", cô nói.
Cô Lee cũng cho biết lĩnh vực sản xuất mẹo vặt điện tử có tính cạnh tranh khá cao. Cô nói: “Có người kiếm được rất nhiều tiền bằng cách quảng cáo sách điện tử mà họ bán. Tôi từng tham gia các lớp học để tìm kiếm công việc thứ hai và được xem cách mọi người quảng bá nó. Có nhiều người tham gia hơn tôi nghĩ và rất khó để được chú ý”.
Anh Kim Chan-su nhận thức ăn từ quán để giao cho khách. Ảnh: Bloomberg. |
Hay với anh Kim Chan-su, ngay cả khi bươn chải với hai công việc cùng lúc, người nghệ sĩ với 24 năm trong nghề vẫn có thu nhập ít hơn rất nhiều so với trước đại dịch, lúc anh chỉ làm một công việc. Trong những tháng cao điểm, Kim kiếm được khoảng 4,5 triệu won (4.100 USD) từ việc giao hàng.
Tuy nhiên, thu nhập này của anh đã giảm một nửa trong tháng 10 trong bối cảnh các rạp xiếc chưa hoạt động trở lại và sự cạnh tranh trong ngành giao thực phẩm ngày càng tăng.
Mặt khác, việc đa nhiệm việc làm lại trở thành công việc chính của nhiều người trẻ Hàn Quốc. Kim Ji-hyun là một nhân viên bị sa thải vào tháng 4 vì công ty sụt giảm doanh thu trong bối cảnh đại dịch. Sau khi bị cho thôi việc, Kim quyết định chuyển đổi nghề nghiệp.
Cô tự giới thiệu mình là “N-Jobler”, tức người chuyên làm nhiều công việc khác nhau. Kim thường thức dậy lúc 5 giờ sáng để tìm nguồn hàng, đăng bán sản phẩm trên Amazon và Naver và trả lời câu hỏi của khách hàng từ 10 giờ sáng đến 7 giờ tối. “Nhiều người nghĩ làm việc toàn thời gian tại một công ty là ổn định, nhưng tôi lại nghĩ điều hoàn toàn ngược lại”, cô gái 24 tuổi nói.
Theo Zing