TP.HCM: Bệnh viện đầu tiên có sân bay cấp cứu trực thăng chính thức hoạt động
Thứ bảy, 19/12/2020, 14:21
Sân bay cấp cứu trực thăng tại Bệnh viện quân y 175 (Q.Gò Vấp, TP.HCM) hướng đến hình thành Trung tâm cấp cứu đa năng đường bộ - đường thủy - đường không cho khu vực phía Nam.
Sáng 19.12, chuyến cấp cứu trực thăng mô phỏng từ Trường Sa về Bệnh viện quân y 175 được thực hiện thành công. ẢNH: DUY TÍNH
Sáng 19.12, Bệnh viện quân y 175 chính thức ra mắt sân bay cấp cứu trực thăng trên nóc tòa nhà Viện chấn thương chỉnh hình của bệnh viện này.
Theo lãnh đạo Bệnh viện quân y 175, sân bay trực thăng này đã được nghiệm thu, bay thử, đủ điều kiện, tiêu chuẩn đưa vào khai thác sử dụng.
Khi đi vào vận hành, ngoài phục vụ vận chuyển cấp cứu cho chiến sĩ và người dân gặp tai nạn ở Trường Sa, sân bay cấp cứu trực thăng của Bệnh viện quân y 175 sẽ là điểm phát triển cấp cứu nhanh, hướng đến là Trung tâm cấp cứu đa năng đường bộ - đường thủy - đường không, giải quyết tất cả tình huống, sự cố thảm họa, thiên tai… đảm bảo phục vụ tốt sức khỏe cán bộ, nhân dân TP.HCM, các tỉnh lân cận và khu vực.
Theo lãnh đạo Bệnh viện quân y 175, trước đây, các ca bệnh nặng, khó, phức tạp cấp cứu bằng đường không, được đưa về sân bay Tân Sơn Nhất, sau đó chuyển về bệnh viện đã mất một khoảng thời gian nhất định.
Được sự quan tâm đầu tư của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Chính phủ, Bệnh viện quân y 175 triển khai xây dựng dự án Viện Chấn thương chỉnh hình quy mô 500 giường, theo mô hình Viện trong bệnh viện và có sân bay, đỗ trực thăng để bảo đảm kịp thời cho công tác cấp cứu, điều trị đối với các ca bệnh nặng, khó, phức tạp từ vùng biển đảo phía Nam của Tổ quốc về bệnh viện điều trị.
Bệnh viện quân y 175 thường xuyên duy trì huấn luyện tổ cấp cứu đường không - cấp cứu trực thăng; chủ động phối hợp kịp thời cùng Sư đoàn 370, Quân chủng Phòng không - không quân, Binh đoàn 18 sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ cấp cứu biển đảo khi có lệnh, đặc biệt có những chuyến bay đêm trong tình hình thời tiết phức tạp, có chuyến đón 2 bệnh nhân ở 2 đảo khác nhau. Trung bình mỗi năm, bệnh viện phối hợp cấp cứu vận chuyển bệnh nhân bằng đường không từ 7 - 10 ca/năm.