Hai nhà lãnh đạo tôn giáo có ảnh hưởng nhất trên thế giới đã vượt qua sự chia rẽ giữa các tôn giáo để thúc đẩy hòa bình và thống nhất trong một cuộc gặp lịch sử.
Họ gặp nhau trong chuyến thăm đầu tiên của Giáo hoàng Francis tới Iraq. Đây là chuyến đi đầu tiên của giáo hoàng ra nước ngoài kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, theo Guardian.
Đại giáo chủ Hồi giáo dòng Shia Ayatollah Ali al-Sistani "khẳng định mối quan ngại của mình rằng các công dân Cơ đốc giáo phải được sống trong hòa bình và an ninh như tất cả người dân Iraq, với đầy đủ các quyền hiến định của họ", theo một tuyên bố.
Giáo hoàng cảm ơn ông Sistani đã “lên tiếng bênh vực những người yếu thế nhất và bị bức hại nhiều nhất” tại một trong những thời điểm bạo lực nhất trong lịch sử hiện đại của Iraq, Vatican cho biết.
Giáo hoàng Francis (phải) và Đại giáo chủ Hồi giáo dòng Shia Ayatollah Ali al-Sistani trong cuộc gặp lịch sử ngày 6/3. Ảnh: Văn phòng giáo sĩ Ali al-Sistani. |
Cả hai nhà lãnh đạo đều không đeo khẩu trang trong cuộc gặp gỡ thân mật tại ngôi nhà thuê của ông Sistani ở thành phố thánh địa Najaf trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 ở Iraq gia tăng trong thời gian gần đây.
Giáo hoàng Francis đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19.
Giáo hoàng đã tháo giày trước khi bước vào phòng của ông Sistani. Vị giáo sĩ Hồi giáo, người thường vẫn ngồi khi khách viếng thăm, đã đứng khi chào đón giáo hoàng ở cửa phòng.
Cuộc gặp diễn ra vào ngày thứ hai trong chuyến đi kéo dài ba ngày của giáo hoàng. Đây là thời điểm mang tính bước ngoặt trong lịch sử tôn giáo hiện đại và là một cột mốc trong nỗ lực đối thoại với các tôn giáo khác của Giáo hoàng Francis.
Giáo hoàng Francis là người mạnh mẽ ủng hộ đối thoại giữa các tôn giáo. Ông đã gặp các giáo sĩ Sunni hàng đầu ở một số quốc gia đa số theo đạo Hồi, bao gồm Bangladesh, Morocco, Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất.
Sau khi gặp ông Sistani, Giáo hoàng Francis đi đến thành phố cổ Ur, được cho là nơi chào đời của Abraham - vị tổ phụ trong Kinh thánh được Kitô giáo, Hồi giáo và Do Thái giáo tôn kính.
Sau đó, Giáo hoàng Francis chủ trì một thánh lễ tại Nhà thờ St Joseph ở Baghdad.
Số tín đồ Cơ đốc giáo của Iraq đã giảm từ khoảng 1,4 triệu người trước khi Mỹ đưa quân vào Iraq năm 2003 xuống còn khoảng 250.000 ngày nay. Những người theo Cơ đốc giáo là đối tượng bị Nhà nước Hồi giáo (IS) nhắm đến giai đoạn 2014-2017. Cộng đồng này cho biết mình vẫn bị phân biệt đối xử và ngược đãi.
Theo Zing