Tờ South China Morning Post đưa tin Trung Quốc ngày 6-3 đã công bố kế hoạch toàn diện về nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh toàn cầu, với mục tiêu thành siêu cường sản xuất vào năm 2025.
Để đạt được mục tiêu trên, kế hoạch toàn diện, được đưa ra tại kỳ họp Ðại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc khóa 13, sẽ tập trung vào tám lĩnh vực ưu tiên.
Kế hoạch trên được đưa ra trong bối cảnh tranh chấp giữa Trung Quốc với Mỹ trong lĩnh vực thương mại và công nghệ tiếp tục gia tăng.
Trung Quốc tập trung vào tám lĩnh vực ưu tiên để giúp nâng cao năng lực sản xuất. Ảnh: REUTERS
Tám lĩnh vực ưu tiên bao gồm đất hiếm và các vật liệu đặc biệt; robot; động cơ máy bay; phương tiện năng lượng mới và ôtô thông minh; thiết bị y tế cao cấp và sáng tạo y học như vaccine; máy móc nông nghiệp; thiết bị chính sử dụng trong đóng tàu, hàng không và đường sắt cao tốc; các ứng dụng công nghiệp của hệ thống vệ tinh định vị Bắc Đẩu.
Trong dự thảo Đề cương Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 14 (2021 - 2025) và tầm nhìn đến năm 2035, Chính phủ Trung Quốc nhấn mạnh: “Chúng ta phải giữ tỉ trọng sản xuất ổn định trong nền kinh tế nói chung và nâng cao lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc trong lĩnh vực này”.
Bắc Kinh nhấn mạnh sản xuất tiên tiến là một phần không thể thiếu trong kế hoạch 5 năm lần thứ 14, trong đó đưa ra các mục tiêu kinh tế và phát triển của đất nước từ năm 2021 đến năm 2025.
Việc Trung Quốc nhấn mạnh sự tập trung vào sản xuất tiên tiến phản ánh quyết tâm của chính phủ nước này trong việc theo đuổi sự chuyển đổi công nghệ cao trong lĩnh vực này.
Theo các chuyên gia, sản xuất tiên tiến bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau, từ nghiên cứu khoa học đến sản xuất. Sản xuất tiên tiến giúp bù đắp chi phí sản xuất gia tăng, củng cố vị thế của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu, giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài và nâng cao khả năng cạnh tranh của Bắc Kinh với Washington.
Theo dự thảo kế hoạch 5 năm mới, Trung Quốc sẽ khắc phục các liên kết yếu kém của mình trong các thành phần chính, phần mềm, vật liệu và hệ thống cơ bản trong vòng năm năm tới.
Theo đó, Bắc Kinh sẽ phát triển một chuỗi giá trị công nghiệp “sáng tạo hơn, an toàn hơn và có giá trị gia tăng cao hơn”, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực “đường sắt tốc độ cao, thiết bị điện, năng lượng mới và đóng tàu”.
Dự thảo kế hoạch cũng nhấn mạnh rằng "các bộ phận quan trọng của chuỗi giá trị" phải nằm trong Trung Quốc.
Theo số liệu chính thức, ngành sản xuất - chiếm 33% tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc trong nửa đầu năm 2020 - được coi là xương sống của nền kinh tế công nghiệp nước này. Trung Quốc là nhà sản xuất lớn nhất thế giới về sản lượng và được biết đến là “công xưởng của thế giới” từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới hồi năm 2001.
Dự thảo kế hoạch cũng nêu bật kỳ vọng “các ngành công nghiệp non trẻ” sẽ mang lại giá trị kinh tế đáng kể cho Trung Quốc và chiếm 17% GDP của nước này trong giai đoạn 2021-2025.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của đổi mới công nghệ giúp mang lại lợi ích cho nhiều ngành công nghiệp, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đề cập đến từ khóa “công nghệ” 23 lần trong báo cáo công việc của chính phủ năm 2021, tăng so với chín lần của năm ngoái.
Chiến lược sản xuất mới nhất của Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh Lãnh đạo phe đa số Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer hồi tháng 2 đã chỉ đạo các nhà lập pháp soạn thảo một dự luật mới để thúc đẩy khả năng cạnh tranh của các công ty Mỹ trước các đối thủ đến từ Trung Quốc.
Thượng viện Mỹ cũng đang xem xét đưa vào dự luật mới một khoản tài trợ trị giá 30 tỉ USD cho các biện pháp đã được phê duyệt trước đó, nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh cho ngành công nghiệp sản xuất chip của nước này trước Trung Quốc.