Việc làm rất quan trọng đối với người có H, giúp họ quên đi bệnh tật, giải tỏa áp lực về kinh tế, tránh được sự tự kỳ thị, tự tin hòa nhập và chú ý sử dụng các biện pháp phòng tránh lây nhiễm HIV ra cộng đồng...
Cán bộ truyền thông tư vấn, giới thiệu việc làm cho người có H (Ảnh: Tin tức)
Trên thực tế, không ít người có H đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình tìm việc làm để có thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống. Hiện tại, chỉ có một số ít người có H được hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm từ một số dự án thí điểm do tổ chức quốc tế tài trợ.
Hoàn cảnh của chị Nguyễn Thị Phường ở Trường Thọ, An Lão, Hải Phòng là một ví dụ. Hai vợ chồng đều phát hiện nhiễm HIV và chỉ 3 tháng sau, chồng chị qua đời. Bản thân chị bụng mang dạ chửa lại mang trong mình căn bệnh thế kỷ. Tuy nhiên, được sự giúp đỡ và giới thiệu của nhóm Tự lực Trường Sơn Xanh, chị Phường đã được vay 5 triệu đồng từ trung tâm COHED để mua máy khâu và học một lớp may mặc. Bằng quyết tâm và nghị lực của bản thân chị Phường đã có thể tự nuôi bản thân và con nhỏ 4 tuổi.
Còn với 7 chị em ở nhóm Sóng biển Đồ Sơn, sức khoẻ yếu lại thêm sự kỳ thị của những người xung quanh khi biết các chị có H khiến cuộc sống của họ hoàn toàn dựa vào gia đình và người thân. Cuối năm 2010, các chị được vay vốn của COHED - dù số tiền không nhiều, nhưng vô cùng qúy giá giúp các chị tìm được cho mình một nghề để kiếm sống.
Hiện nay, những người có H không có chính sách tiếp cận nguồn vốn đặc thù, trong khi vốn ưu đãi từ các ngân hàng chính sách thường áp dụng với hộ nghèo. Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vẫn rất ái ngại khi tiếp nhận những người nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS vào làm việc. Vì vậy, không ít người có H đang gặp khó khăn về việc làm, đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong quá trình tìm việc làm để có thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống.
Tạo việc làm cho những người có H sẽ giúp họ quên đi bệnh tật, giải tỏa áp lực về kinh tế, tránh được sự kỳ thị của xã hội và tự tin hòa nhập.