TPHCM vẫn còn nhiều giải pháp để chống ngập

Thứ hai, 19/03/2012, 12:45
Phát biểu tại hội thảo về quy hoạch TPHCM với vấn đề biến đổi khí hậu vừa được tổ chức mới đây, ông Lưu Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và quy hoạch môi trường đô thị - nông thôn cho rằng, để giải quyết tình trạng ngập úng ở TPHCM cần phải điều tiết lũ ở các hồ chứa thượng nguồn.

Mặt khác, thành phố cần đổi mới chiến lược thoát nước tổng thể, việc quy hoạch tổng thể cần có cơ chế điều phối cấp vùng; áp dụng các giải pháp về xây dựng các công trình kỹ thuật sinh thái trong thiết kế cảnh quan đô thị nhằm giải quyết vấn đề điều tiết nước và thích ứng với BĐKH.
 



Thủy triều lên cao khiến nhiều tuyến đường tại TPHCM bị ngập

 

Ông Cường cũng chỉ ra năm nguyên nhân gây ngập lụt tại TPHCM. Đó là: do địa hình và điều kiện khí tượng, thủy hải văn; do đô thị hóa thiếu kiểm soát; do công tác quản lý đô thị chưa tốt; do ý thức của người dân chưa cao và cuối cùng là yếu tố BĐKH và nước biển dâng.

Theo ông Cường, để chống ngập,TPHCM cần phải giải quyết từ nguyên nhân chính là quy hoạch. Việc chống ngập và thích ứng với BĐKH thông qua quy hoạch đô thị phải được nghiên cứu từ bài toán tổng thể cho đến thiết kế chi tiết từng khu đô thị, từng công trình theo hướng tiếp cận mềm dẻo, tôn trọng tự nhiên.

Nhiều chuyên gia cũng khẳng định: Nguyên nhân hiện tượng ngập úng ở TPHCM không chỉ do địa hình thấp hay do BĐKH và nước biển dâng, mà còn do tác động của quá trình đô thị hóa thiếu hợp lý. TPHCM cần mạnh dạn nhìn nhận và khắc phục, bởi nếu không quản lý được vấn đề này, BĐKH với nước biển dâng thực sự sẽ trở thành vấn đề cực kỳ nghiêm trọng.

Hội thảo cũng đã đặt ra nhiều vấn đề lớn liên quan đến tiến trình phát triển bền vững của TPHCM như: 75% điểm ngập đều có cao độ trên 2,5 m, điều này có nghĩa phần lớn các khu vực không bị ngập bởi địa hình thấp hay sự lên xuống của triều cường. Vấn đề đô thị hóa cũng đã “xóa sổ” 47 con kênh làm mất đi 24 ha diện tích mặt nước cũng làm giảm khả năng điều tiết nước gần 10 lần. Mặt khác, diện tích bê tông hóa tăng nhanh, vì thế khả năng thấm tự nhiên của đất từ 50% giảm xuống còn 15%.
 

Theo CATP

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn