Ông Hà Trí Cao, điều phối viên Khu bảo tồn đồng cỏ bàng Phú Mỹ, huyện Giang Thành (Kiên Giang) cho biết, sếu đầu đỏ, loài chim quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới tiếp tục di trú về Khu bảo tồn.
Sếu đầu đỏ. (Nguồn: Internet)
Nếu như trong 2 tháng đầu năm, số lượng sếu về còn ít với khoảng 20 con thì từ đầu tháng 3 đến nay, mỗi ngày có khoảng 100 - 150 con sếu di trú về đây.
Khác với những năm trước, sếu đầu đỏ không về tập trung thành đàn lớn mà phân từng đàn nhỏ 5 - 10 con trên đồng cỏ để tìm thức ăn, chủ yếu là củ năn.
Theo ông Hà Trí Cao, trong thời gian tới đàn sếu sẽ về đông hơn do môi trường đồng cỏ bàng ở đây không ngừng được cải thiện ngày một tốt hơn, nguồn thức ăn dồi dào thích hợp với đời sống của loài chim quý hiếm này.
Khu bảo tồn đồng cỏ bàng Phú Mỹ phân công cán bộ theo dõi, bảo vệ đàn sếu đầu đỏ, nhất là tránh những tác động tiêu cực của con người tới đàn sếu làm chúng hoảng sợ bỏ đi.
Đồng cỏ bàng Phú Mỹ còn lại duy nhất của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, hiện bảo vệ được 1.200 ha đồng cỏ và rừng tràm tự nhiên, phục hồi 60 ha đồng thời trồng mới 20 ha cỏ bàng, khôi phục hệ sinh thái bền vững, môi trường thân thiện thu hút đàn chim sếu đầu đỏ tựu về.