Trên thế giới có rất nhiều những tập tục lạ lùng và kỳ quái nhưng với tục lệ mẹ con chung chồng thì thực sự khó ai có thể tin được nhưng trên thực tế tục lệ này vẫn đang diễn ra.
Trong khi đó, mẹ của Orola là bà Mittamoni, giờ đã 50 tuổi, nói với Orola rằng cô phải chấp nhận điều này. Bởi theo phong tục của người Mandi, những góa phụ một khi muốn tái hôn đều phải chọn một người đàn ông trong cùng dòng họ với người chồng trước của mình. Những người đàn ông còn độc thân như vậy lại thường còn rất trẻ. Vì vậy, người góa phụ sẽ phải để con gái mình trở thành cô dâu thứ 2 trong đám cưới để “tiếp quản” nghĩa vụ đối với ông chồng - bao gồm cả việc quan hệ tình dục khi cô bé trưởng thành.
Mẹ của Orola cũng vậy, khi chồng qua đời bà đã muốn tìm cho mình một người đàn ông để làm chỗ dựa. Theo phong tục thì bà phải tìm một người đàn ông trong dòng tộc của chồng. “Mẹ tôi mới chỉ 25 tuổi khi cha tôi qua đời, một người phụ nữ yếu đuối cùng đứa con 3 tuổi trên tay khiến bà cảm thấy cuộc sống hụt hẫng và đi vào bế tắc. Bà chưa sẵn sàng để sống một cuộc sống cô quạnh nên bà đã cố gắng tìm cho mình một bờ vai của một người đàn ông khác” – Orola kể tiếp. Bộ tộc đã đề nghị Noten, một thanh niên có cùng dòng họ với cha của Orola, khi đó mới 17 tuổi, trở thành chồng mới của Mittamoni, và tất nhiên theo phong tục thì phải kèm với điều kiện anh ta sẽ kết hôn với cả cô con gái 3 tuổi của bà.
Sau khi biết sự thật rằng mình phải chia sẻ người chồng với mẹ ruột, Orola đã vô cùng suy sụp nhưng tập tục của bộ lạc cho dù có kỳ quái đến đâu thì cũng không thể chống lại. Chấp nhận thực tế, Orola đã bớt đi sự suy sụp để đối diện với cuộc sống hiện tại, nhưng sự bất công càng tăng lên gấp đôi trong con mắt của Orola vì bộ tộc Mandi của cô theo chế độ mẫu hệ - nghĩa là người phụ nữ giữ vai trò trụ cột gia đình và dĩ nhiên là người được quyền chủ động trong việc chọn lựa người đàn ông của mình. “Tôi đã rất háo hức với việc tìm kiếm người đàn ông của mình trong tương lai, chính vì vậy tôi càng khó chấp nhận sự thật” – Orola nói.
Tan tình mẫu tử vì chung chồng
Việc chia sẻ người đàn ông của mình cho người khác là chuyện không dễ dàng đối với tất cả những người phụ nữ cho dù người đó là ai đi chăng nữa. Đối với gia đình của Orola cũng vậy, cho dù tất cả mọi người phải chấp nhận những phong tục trong bộ tộc của mình nhưng tiềm ẩn trong đó vẫn là sự căng thẳng. Cuộc hôn nhân tay ba trong gia đình cô trở nên bi đát khi Noten bắt đầu ngủ với Orola khi cô 15 tuổi. “Mẹ tôi biết rằng việc quan hệ tình dục là không thể tránh khỏi. Nhưng Noten lại thích tôi hơn, thường xuyên ngủ và quan hệ với tôi nên bà bắt đầu ghét tôi”.
Bằng giọng điệu thì thầm vì người mẹ Mittamoni đang ở gần đó, Orola kể rằng, mẹ cô đã không từ bỏ những thủ đoạn đối với chính con gái của mình để bà được gần gũi chồng. Orola nhớ lại, mẹ cô đã nhiều lần lén bỏ một số loại thảo mộc vào thức ăn khiến cô bị nôn ói để Noten ghê sợ cô, để bà có cơ hội được ngủ với chồng nhiều hơn. “Tôi thấy mẹ tôi thực sự yêu chồng và luôn muốn được sở hữu người đàn ông của mình. Thực tế thì ai cũng vậy thôi, chia sẻ người đàn ông của mình thì thật là khó. Bà thực sự yêu Noten nên bà lại càng ích kỷ và ghen tuông mỗi khi Noten ngủ với tôi và yêu chiều tôi hơn” – Orola nói.
Chính sự cạnh tranh để được độc chiếm người đàn ông đã hủy hoại tình cảm mẹ con của 2 người phụ nữ tội nghiệp. “Những thủ đoạn của bà đã khiến tôi suy sụp và thất vọng. Bà không còn là mẹ tôi nữa bởi một người mẹ không ai lại làm hại con gái của mình. Tôi cảm thấy như bị phản bội và bỏ rơi – Orola nói. Và để thể hiện sự chống đối của mình đối với mẹ, Orola đã bỏ nhà lên thị trấn gần đó để mua sắm và xem phim. Cô gái trẻ thậm chí còn định tự tử khi phát hiện mình bị cô lập, không thể chuyện trò với đám bạn gái của cô. Nhưng đứa con đang lớn dần trong bụng đã giữ không cho cô thực hiện ý định dại dột của mình.
Cho đến nay, trong khi người mẹ sinh thêm 2 đứa con thì Orola cũng đã có 3 đứa con với Noten. Đại gia đình chui rúc trong một ngôi nhà xiêu vẹo, không điện nước, sống dựa vào nghề trồng chuối, dứa trên mảnh đất mà Orola và mẹ đồng sở hữu. Người mẹ Mittamoni câm lặng ngồi cạnh không nói gì như thể bà đang hối lỗi với Orola. “Đó là quyết định của gia tộc chứ không phải của tôi” – bà Mittamoni giải thích. Bà cũng thú nhận việc chia sẻ một người chồng thật sự rất khó khăn: “Tôi đã rất đau lòng khi phải bước sang một bên khi tình cảm của Noten với Orola ngày một lớn”. Còn người chồng Noten xua tay vào không khí như thể muốn nói: “Đừng bắt tôi trở thành người ở giữa, phải giải quyết những xích mích trong gia đình là việc mà tôi không muốn làm”.
Hủ tục vẫn còn tồn tại
Theo quan niệm của người Mandi thì việc hai mẹ con lấy chung một chồng sẽ có rất nhiều thuận lợi. Bởi người mẹ goá bụa là người nhiều tuổi và có người không còn khả năng sinh đẻ, nên cô con gái phải đảm nhiệm vai trò duy trì nòi giống cho người đàn ông lấy bà goá làm vợ. Bên cạnh đó thì việc hai mẹ con chung chồng để có thể gánh vác và chia sẻ được mọi công việc trong nhà. Mẹ sẽ là người nắm quyền lực, điều hành mọi công việc lớn nhỏ trong gia đình, còn cô con gái sẽ thay mẹ bảo vệ tài sản và thay mẹ nắm quyền hành khi mẹ qua đời.
Những người Mandi chỉ nhận thấy những cái lợi trước mắt mà họ không hề nhận ra sự kỳ quái trong tục lệ này. Việc cả mẹ và con gái đều quan hệ với một người đàn ông đã là một chuyện khó có thể chấp nhận được, rồi con cái của họ được sinh ra với cùng một người đàn ông thì vai vế, hay cách xưng hô sẽ như thế nào. Đấy chính là một câu hỏi mà rất nhiều người đặt ra nhưng câu trả lời thì vẫn không thực sự thuyết phục. Những người dân Mandi cho rằng, con cái là của cải mà trời ban cho họ nên cho dù nó là con của ai không quan trọng, sống trong một gia đình thì tất nhiên chúng sẽ yêu thương nhau.
Nhiều người phụ nữ Mandi đã chấp nhận và tuân theo những phong tục mà bộ tộc của mình đề ra nhưng cũng không ít phụ nữ cho rằng, phong tục này thực sự không công bằng đối với những cô gái trẻ. Nhiều trường hợp giống như Orola, bị gả chồng từ năm lên 3 tuổi thì không thể chấp nhận được. Các cô gái trẻ không có quyền lựa chọn người đàn ông cho mình, hạnh phúc của mình bị người khác định đoạt và nhất là chuyện mẹ con chung chồng đã phá vỡ đi tình mẫu tử thiêng liêng giữa mẹ và con gái.
Sự ghen tuông, ích kỷ trong tình cảm vợ chồng luôn hiển hiện trong cuộc sống hôn nhân của mỗi cặp vợ chồng. Tận mắt chứng kiến cảnh chung đụng người đàn ông của mình, rồi sự đối xử không công bằng của người chồng đã dẫn đến những mâu thuẫn đáng tiếc liên tục xảy ra trong cuộc sống hàng ngày của họ. Liệu những người đàn ông sống như vậy có cảm thấy hạnh phúc và thanh thản hay họ luôn là người ở giữa, phải chịu trách nhiệm và đứng ra giải quyết những xung đột xung quanh hai người phụ nữ của mình. Càng trớ trêu hơn khi hai người phụ nữ đó là hai mẹ con.
Ý chí liệu có thoát khỏi những hủ tục
Cuộc sống có nhiều thay đổi, suy nghĩ của mỗi con người cũng dần thoát khỏi được những hủ tục hà khắc và kỳ quái nơi mình sinh sống. Nhiều người phụ nữ đã nhận ra rằng, tục lệ lấy chung chồng với mẹ là chuyện không thể chấp nhận được và đáng lên án. Nhiều người đã lập thành một nhóm người để phản đối và nỗ lực từng ngày để thoát khỏi cuộc sống này. Nhiều người phụ nữ sau khi chồng chết, muốn tái hôn nhưng khi nghĩ đến cảnh con gái của mình sẽ phải chung chồng với mình thì đã nhất quyết ở vậy, không chịu đi bước nữa để không phải đẩy con gái vào cảnh trớ trêu. Nhiều cô gái trẻ thì luôn cố gắng để làm chủ được cuộc sống của mình, họ muốn làm mọi thứ để có thể được định đoạt hạnh phúc, được quyền tự do chọn lựa người đàn ông của mình chứ không phải đi theo những tục lệ hà khắc mà chị, hay mẹ mình phải sống trước đây.
Trong những năm gần đây, nhiều nhà quan sát cho rằng tục lệ mẹ và con gái cùng kết hôn với một người đàn ông đã không còn tồn tại. Các nhà truyền đạo thuộc phái Công giáo đã cải đạo cho 90% dân số của bộ lạc Mandi gồm 25.000 người Bangladesh này, và nhiều hủ tục của người Mandi nay chỉ còn là quá khứ, trong đó phải kể đến một tục lệ đặc biệt, không nơi nào có như "bắt cóc chú rể". Tuy nhiên, trong khi chưa có số liệu thống kê chính thức, một trong những nhà lãnh đạo địa phương khẳng định rằng có nhiều gia đình vẫn đang tiếp tục thực hiện phong tục kết hôn chung giữa mẹ và con gái. "Nhiều người vẫn tỏ thái độ im lặng trước hiện tượng này bởi trên thực tế, việc cùng lúc kết hôn và chung sống với nhiều vợ là điều không được nhà thờ tán thành" - bà Shulekha Mrong - một phụ nữ lớn tuổi người Mandi đại diện cho nhóm những người tiến bộ phát biểu.
Tuy nhiên, mục đích của kiểu hôn nhân chung đụng này không đơn giản chỉ để thỏa mãn nhu cầu tình dục của người chồng. Hầu hết các phong tục kết hôn đa thê hay đa phu trên thế giới đều liên quan đến quyền lực và kinh tế nhiều hơn so với vấn đề quan hệ tình dục, và bộ tộc Mandi cũng không là ngoại lệ. Kể từ khi người dân Mandi duy trì chế độ mẫu hệ, ý tưởng về việc một người đàn ông nên kết hôn đồng thời với một góa phụ và con gái của bà đã ra đời với mục đích bảo vệ nguồn tài sản mà phái nữ của cả hai bên gia đình sở hữu.
Đám cưới đối với người Mandi là biểu tượng cho sự củng cố tài sản giữa hai dòng tộc. Là một góa phụ, Mittamoni buộc phải tái hôn với người thuộc gia tộc của người chồng quá cố của mình nhằm duy trì mối quan hệ giữa hai gia đình. Bên cạnh đó, việc để con gái kết hôn với chính người đàn ông đó là nhằm hai mục đích: thứ nhất, trong gia đình sẽ có một người phụ nữ trẻ khỏe, có khả năng lao động và sinh con đẻ cái, tạo ra thêm của cải cho cả nhà; và thứ hai, quyền lực của nữ giới trong gia đình sẽ được bảo toàn, sau khi người mẹ mất đi, cô con gái sẽ được thừa kế tài sản để lại, cũng như tiếp tục duy trì vị trí nữ quyền của mình.
Bà Shulekha Mrong hiểu rõ tập tục này của bộ tộc mình và bà phản đối kiểu hôn nhân chung đụng giữa mẹ và con gái với cùng một người đàn ông. “Tập tục này là một sự bất công lớn đối với những cô gái trẻ” - bà nói - “Điều đó khiến họ bị tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần khi phải lấy chung một người chồng với mẹ đẻ của mình”. Bà nêu lên một số trường hợp mới đây trong đó các cô gái trẻ vốn bị ép buộc vào mối quan hệ hôn nhân phức tạp này đã chạy trốn đến thành phố Dhaka để tìm một việc làm có khả năng giúp họ tự lập. Họ có thể làm người giúp việc trong các gia đình hoặc nhân viên của những cửa hàng thẩm mĩ. "Các cô gái Mandi ngày nay luôn mong muốn có được một tình yêu thực sự chân thành" – bà Shulekha nói.
Mong chờ một tương lai tiến bộ
Parvin Rema, 35 tuổi, đồng ý với quan điểm đó. Con người sống không thể thiếu được tình yêu. Tình yêu chân thành không thể là sự ép buộc mà phải là sự tự do. Hai trái tim đồng cảm sẽ tự tìm đến nhau chứ không thể cứ đặt gần nhau là có tình cảm. Khi Parvin Rema 13 tuổi, cô và bà mẹ góa bụa của mình đã cùng kết hôn với một người thanh niên 18 tuổi.
"Tôi đã nghĩ cuộc đời của mình vậy là đã chấm dứt sau đám cưới đó. Mẹ tôi khi ấy 36 tuổi. Tôi không hiểu tại sao bà lại muốn lấy một người chồng trẻ đến vậy. Lúc đó tôi nghĩ mẹ mình thật ích kỷ, bà đã không nghĩ đến hạnh phúc của con gái mình mà chỉ nghĩ đến bản thân của bà. Tôi biết bà đã rất cô đơn khi cha tôi qua đời nhưng không vì thế mà bà để con gái bà phải rơi vào tình cảnh trớ trêu" – Parvin nói.
“Trong ba năm đầu, mẹ tôi ngủ chung với chồng của chúng tôi. Nhưng ngay khi tôi đủ lớn, chồng tôi đã không còn để ý đến bà. Tôi đã rất căm hận mẹ của mình nên đây là cơ hội tôi trả lại mẹ tôi những gì mà bà đã gây ra cho tôi. Tôi biết bà rất yêu chồng, bà sẽ rất đau khổ nếu như người đàn ông của chúng tôi luôn chiều chuộng và thương yêu tôi. Chính vì vậy mà tôi đã tìm mọi cách để lấy lòng người chồng chung của tôi và mẹ. Tôi thường nấu cho chồng những món ăn ngon và không bao giờ từ chối việc quan hệ với anh ấy. Tôi lại trẻ hơn nên việc anh quan tâm và chiều chuộng tôi hơn là điều dễ hiểu. Mẹ tôi đã rất tức giận và đau khổ nhưng bà cũng chẳng có cách nào khác là phải chấp nhận thực tế”.
Sau một vài năm, Parvin Rema đã sinh được một bé gái và đặt tên là Nita. Năm nay, Nita đã 13 tuổi. Tình cảm giữa hai mẹ con họ thật đặc biệt. "Khi nhìn Nita, tôi không thể tin rằng mẹ tôi đã kéo tôi vào cuộc hôn nhân đó" - Parvin nói. "Tôi cảm thấy tức giận và rất buồn. Tại sao bà ấy có thể làm điều đó với con gái của mình? Nhưng tôi đã rất hạnh phúc bởi tôi có Nita". Parvin đảm bảo rằng Nita sẽ có nhiều lựa chọn trong cuộc sống. Con gái cô nhất định sẽ được tự do chọn lựa người đàn ông của mình. Cho dù cô có trở thành người đàn bà goá bụa thì nhất định vì con gái cô sẽ không bao giờ để con mình rơi vào cảnh giống cô trước đây. "Nita luôn tràn đầy mơ ước và hy vọng. Tôi muốn con bé sẽ được đi học đại học và được tự quyết định sẽ kết hôn với ai và vào thời điểm nào".
Nita hiện đang học tập rất chăm chỉ tại trường, cô bé phải đang cố gắng vượt qua những lời miệt thị, trêu chọc của bạn bè cùng trường vì mối quan hệ bất thường trong gia đình cô. Đây cũng là một lý do khác khiến Parvin thực sự muốn hủ tục của bộ tộc Mandi sẽ được bãi bỏ. Những đứa trẻ như Nita sẽ không còn bị xa lánh hay bị trêu trọc mà sẽ được sống một cuộc sống tự do và hạnh phúc. Nhưng không vì thế mà cô dạy con gái những điều không hay để phản đối lại những phong tục của bộ tộc mà ngược lại, Parvin Rema luôn muốn con gái mình tự hào về truyền thống của người Mandi. "Phụ nữ Mandi đã điều hành bộ tộc này trong suốt nhiều thế kỷ qua" - Parvin nói. "Và bây giờ là lúc thế hệ trẻ của Nita cần chứng minh rằng tương lai bộ tộc trong thời đại mới sẽ tiến bộ và tốt đẹp hơn hiện giờ.
Hiện tại thì hủ tục chung chồng trong bộ tộc người Mandi vẫn còn tồn tại nhưng ý thức của mỗi con người trong bộ tộc ngày càng tiến bộ, nên họ tự ý thức để thay đổi cuộc sống của mình và mong muốn con cái mình có một cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc và tự do chứ không gò bó theo những hủ tục truyền thồng kỳ quái của bộ tộc.
Theo docbao.com.vn