“Độc nhất vô nhị”
Gian hàng bán báo của chị Kim Cúc luôn đông khách bởi lẽ cách bán báo có một không hai của mình. Không như các sạp bán báo bình thường, chị Cúc đã chọn cho mình cách làm hơi khác người- đó là treo các tờ báo lên các cành cây bàng và cặp báo vào dây thun rồi treo lên tường. Nhiều người qua đường, vì tò mò, kỳ lạ nên dừng xe lại xem, có người thì xin chụp ảnh làm kỷ niệm. Ý tưởng "độc và lạ" này có từ khi chị Cúc bắt tay vào công việc bán báo.
Chia sẻ về ý tưởng của mình, chị Cúc cho biết: "Năm 1998, tôi bắt đầu mở sạp báo. Tính đến thời điểm hiện tại tôi đã làm công việc này hơn 14 năm. Thời điểm đó, cả TP Huế mới chỉ có 9 điểm bán báo. Ngày đầu khi mới mở, cửa hàng vắng ngơ vắng ngắt vì nó nằm xa trung tâm thành phố, vả lại thói quen đọc báo của người dân lúc đó chưa cao. Ai đi ngang qua tôi đều mời mua báo nhưng họ đều lắc đầu và nói đã lỡ mua nơi khác rồi. Lúc đó, tôi mới nảy sinh ra ý tưởng treo các tờ báo theo một cách khác độc đáo hơn để thu hút người qua đường. Ngày hôm sau, tôi bắt tay làm ngay. Khi mới treo báo nhiều người qua đường thấy lạ nên dừng lại xem, mua ủng hộ. Dần thành thói quen và trở thành khách quen với sạp báo của tôi"- chị Cúc hồ hởi chia sẻ.
"Mỗi ngày đi làm qua đây tôi đều không quên dừng lại "sạp báo cây bàng" của chị Cúc để mua vài tờ báo"- anh Nguyễn Văn Quân, một công nhân nhà máy Bia Huda Huế dí dỏm.
Ngày mới bán cũng có nhiều người đi qua cười khẩy bảo là chị Cúc có "vấn đề" khi làm như vậy. Bỏ ngoài tai những lời dị nghị, bà chủ vẫn giữ ý tưởng độc của mình. Dù trời nắng hay trời mưa thì sạp báo của chị Cúc vẫn luôn có đầy đủ các loại báo, tạp chí. Nếu trời đẹp, không mưa thì các tờ báo được treo lủng lẳng trên các cành cây; Nếu trời mưa, những tờ báo đó được chuyển vào phía trong có tấm bạt che treo trên các dây thun đặt trên vách tường và cố định bằng các kẹp giấy. Cả một "rừng" báo đủ màu sắc được chị Cúc sắp xếp cẩn thận và bắt mắt.
"Trung bình mỗi ngày bán tôi được hơn 100 tờ báo các loại. So với lúc trước đã giảm khá nhiều do hiện nay Internet phổ biến nhiều quá" chị Cúc cho biết. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người luôn trung thành với tờ báo giấy, đặc biệt là những người trung tuổi. Số tiền mà chị thu được từ bán báo tuy không nhiều nhưng đó là nguồn thu nhập chính của gia đình và là nguồn duy nhất để chị chu cấp cho hai đứa con học đại học, cao đẳng.
Nuôi con thành đạt nhờ bán báo
Năm 1982, chị Cúc lập gia đình với anh Lê Văn Khánh, lúc đó chồng chị là một sĩ quan làm việc tại Đà Lạt. Từ khi có gia đình chị đã bỏ hẳn công việc được xem là khá ổn định vào thời điểm lúc đó là làm kế toán tại Tổng công ty xăng dầu để lo việc gia đình và chăm sóc bố mẹ chồng.
Vốn là người con gái Huế, chị rất tháo vát việc nhà. Các công việc như buôn bán, chằm nón lá, hay làm bánh ram, bánh ít... chị đều thành thạo. Cuộc sống gia đình mặc dầu vất vả nhưng yên ấm, hạnh phúc. Năm 1998, trong một trận ốm, anh Khánh- chồng chị đã mãi ra đi để lại cho chị hai đứa con nhỏ đang tuổi ăn, tuổi lớn. Mọi gánh vác đều đổ lên đôi vai người phụ nữ nhỏ bé này.
Nhiều người tưởng chừng như chị đã gục ngã, song chị và các con vượt qua tất cả. Chị bắt đầu tìm công việc mới để kiếm tiền nuôi các con. Nghề bán báo đến với chị thật tình cờ. Chị chọn nó đơn giản vì trong thời điểm đó có ít người làm. Nhưng lý do hơn hết, vì chị là một người mê đọc sách báo. Những đồng tiền đầu tiên kiếm được từ bán báo chị nâng niu, cất giữ cẩn thận để lấy đó làm vốn kinh doanh lâu dài. Dần dần sạp báo của chị ngày càng khá hơn và có đầy đủ các loại báo.
Với nghị lực, sự lạc quan, chị đã vượt qua những sóng gió của cuộc đời. Nhờ bán báo mà chị đã nuôi hai đứa con học hành thành đạt. Con gái đầu của chị là Lê Thị Thiện Tâm, mới lập gia đình, hiện đang là giáo viên dạy nhạc của Trường tiểu học Phú Lương 1, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế. Người con gái thừa hưởng được ở mẹ nhiều điều đó là xinh đẹp, hát hay, đảm đang. Thiện Tâm là một trong ít người ở Huế được đào tạo bài bản về hát Nhã nhạc cung đình Huế. Người con trai là Lê Tường Nguyên hiện đang theo học lớp Tin học tại TP Huế…
Đã ở cái tuổi lục tuần, chị chỉ có một ước nguyện là mình có sức khoẻ dẻo dai để tiếp tục công việc bán báo trên cái "sạp báo" độc đáo của mình. Vì đối với chị đó là niềm vui, là động lực để chị sống và làm việc. "Tôi sẽ làm cho tới khi nào không làm được nữa mới thôi". Chị còn tếu táo: "Nếu kiếp sau được chọn lựa tôi vẫn chọn nghề bán báo để kiếm sống hằng ngày".
Theo Gia đình và Xã hội