TP.HCM: Thêm đường một chiều, khó buôn bán

Thứ hai, 02/04/2012, 09:29
Từ tháng 4, TP.HCM sẽ tổ chức thêm nhiều tuyến đường một chiều. Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, đây là một trong những giải pháp để kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Trong khi đó, vẫn còn băn khoăn từ người dân.


Tin liên quan

>>TPHCM: Cấm xe hơi trên đường Trường Sơn từ 3/4
>>TP HCM: Công trường đào đường, nhìn mà ớn!
>>Mưa trái mùa, ngập nhiều tuyến đường ở TP.HCM

 

Đường Lê Văn Sỹ dự kiến tổ chức lưu thông một chiều (ảnh chụp chiều 31-3 tại giao lộ Huỳnh Văn Bánh - Lê Văn Sỹ) - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

TS NGUYỄN HỮU NGUYÊN (Trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam):

Cần xét tới tác động kinh tế

Việc TP.HCM dự kiến tổ chức một chiều nhiều tuyến đường trong năm 2012 cộng với hệ thống đường một chiều hiện có sẽ tạo thành “mạng lưới” đường một chiều trải khắp TP. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới sự đi lại của người dân mà còn tác động rất lớn tới sự phát triển kinh tế, xã hội của TP.

Kinh tế của TP.HCM có đặc điểm là kinh doanh ở tất cả các mặt tiền, kể cả trên vỉa hè. Tổ chức đường một chiều nghĩa là mọi cửa hàng, cơ sở kinh doanh trên tuyến đường đó sẽ bị ảnh hưởng. Nhiều cửa hàng khu vực đường Nguyễn Kiệm - Hồ Văn Huê (Q.Phú Nhuận) việc làm ăn sút kém khi các tuyến đường này được tổ chức một chiều và đương nhiên số thuế cho Nhà nước cũng giảm theo. Vì vậy các cơ quan chức năng cần phải tính toán được ngoài việc tác động đến giao thông, các tuyến đường đã và sẽ tổ chức một chiều ảnh hưởng tới các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên tuyến đường đó như thế nào.

Để đường một chiều không “lợi bất cập hại”, cơ quan chức năng cần có khảo sát kỹ, chạy mô hình và tính toán trong tổng thể giao thông của TP. Không nên chủ quan hoặc điều chỉnh cục bộ vì tổ chức đường một chiều có thể làm giảm kẹt xe tại khu vực này nhưng lại làm gia tăng ùn tắc tại khu vực khác.

Với các trục đường chính, có thể nghiên cứu biện pháp “phân luồng linh hoạt”. Cơ sở của ý tưởng này là có một số tuyến đường như Trường Chinh, Nam Kỳ Khởi Nghĩa... buổi sáng hướng lưu thông vào trung tâm TP rất đông, hướng ngược lại rất vắng, trong khi tới chiều quy luật đó lại đổi ngược.

Căn nguyên của tình trạng kẹt xe ở TP.HCM là tỉ lệ đất dành cho giao thông trên tổng số phương tiện quá thấp. Theo tiêu chuẩn chung của thế giới, tỉ lệ đất dành cho giao thông phải đạt từ 20-25% nhưng con số này của TP.HCM hiện chưa tới 7%. Vì vậy, theo tôi, giải pháp triệt để nhằm giảm ùn tắc giao thông là phải tăng tỉ lệ đất dành cho giao thông, dãn mật độ phương tiện trên các tuyến đường. Còn tổ chức đường một chiều chỉ là giải pháp tình thế và không nên lạm dụng.

Đi lại, làm ăn khó khăn hơn

Anh Bình (ngụ ở chung cư Bàu Cát, Q.Tân Bình) cho biết: “Tôi nghĩ phải xem xét kỹ trước khi quyết định sẽ thực hiện tổ chức một chiều các tuyến đường vì việc đi lại của người dân đã trở nên bất tiện và tốn kém xăng xe. Tổ chức một chiều đường Hồng Lạc, Ni Sư Huỳnh Liên ra Lạc Long Quân (Q.Tân Bình) là không cần thiết do đây là khu vực đường nhỏ trong khu dân cư. Nếu cứ tổ chức đường một chiều chắc tôi phải chạy lòng vòng gấp đôi đoạn đường cũ mới về tới nhà”.

Anh T., chủ quán cơm trên đường Nguyễn Văn Nghi, Q.Gò Vấp, lo lắng: “Đường này mà một chiều chắc tôi khó buôn bán quá, vì khách quen ăn ở đây nhưng phải chạy vòng qua đường khác chắc có thể bỏ không ăn quán mình nữa. Tôi nghĩ phải xem xét kỹ mới nên áp dụng kẻo ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân”.

Chủ một cửa hàng áo quần trên đường Phan Anh, gần ngã tư Bốn Xã (Q.Tân Phú) bức xúc: “Đường hai chiều thì khách hàng thuận tiện ghé lại coi hàng, mua sắm hơn, còn nếu một chiều đường này chắc khách sẽ ít ghé”.

Theo TTO

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn