>>“Chặt chém” từ nước uống đến phòng nghỉ
>>Biến bà lão 60 thành thiếu phụ 40
>>Hôm nay, lương tối thiểu tăng 220.000 đồng/tháng
Trên địa bàn quận Tân Phú, ngày mưa cũng như nắng, cứ khoảng 7h sáng đến 20h đêm mỗi ngày, mọi người lại nhìn thấy hình ảnh người phụ nữ gầy gò, cầm xấp vé số rảo quanh các con đường ngõ hẻm.
Chị cho biết tên Thanh, quê ở Bình Định, vốn là người mẹ đơn thân. Vì cuộc sống gia đình khó khăn nên từ khi con gái đậu vào trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP HCM, chị đã theo vào thành phố bán vé số lo trang trải việc học cho con.
"Suốt 4 năm qua, tôi chưa dám nghỉ ngày nào, dù là mưa hay nắng, kể cả ngày lễ cũng vậy", chị tâm sự.
Bác Ba hơn 20 năm chạy xe ôm nhưng chưa một lần dám nghỉ trong ngày 1/5.
Bởi theo chị Thanh, ngày thường cố gắng lắm cũng chỉ bán được khoảng 100.000-150.000 đồng tiền lời, trong khi đó những ngày lễ chị có thể kiếm được gấp đôi số tiền này. Hơn nữa, số tiền ít ỏi kiếm được chỉ đủ để lo chi phí hàng ngày và tiền đóng học cho con. nếu chị nghỉ ngày nào sẽ thiếu hụt tiền ngày đó.
Mắt chị ngân ngấn nước khi nghĩ tới cảnh mọi người sum họp gia đình ăn uống tiệc tùng vui vẻ tại các quán ăn khá sang, còn bản thân vẫn cứ lang thang đến từng bàn mời mọc mua vé số.
"Nhiều khi tôi thấy tủi thân lắm nhưng nghĩ đến tương lai của con sau này sẽ được đổi đời bằng nguồn tri thức do sự nhọc nhằn của mình vun vén, tôi cảm thấy ấm lòng hơn", chị bộc bạch.
Trường hợp bác Ba chạy xe ôm tại tuyến đường Điện Biên Phủ, quận 10, hơn 20 năm qua, bác chưa từng biết đến ngày nghỉ lễ Quốc tế lao động. Bác cho biết mức thu nhập của nghề xe ôm rất bếp bênh. Ngày cao nhất kiếm được khoảng 150.000-200.000 đồng, nhưng có hôm chỉ được vài chục nghìn.
Trong ngày lễ 1/5, lượng khách giảm hẳn so với bình thường do học sinh và công nhân viên nghỉ làm. "Nhiều lúc, tôi cũng muốn cùng bà xã và các con về quê thăm họ hàng. Nhưng vì chạy xe ôm là "cần câu" nuôi sống cả nhà nên ngày lễ vẫn phải làm để vớt vác được đồng nào hay đồng đó", bác Ba chia sẻ.
Làm công nhân vệ sinh 13 năm nay, số lần chị Hạnh, quận Bình Thạnh, được nghỉ ngày 1/5 chỉ đếm trên đầu ngón tay. "Tôi vẫn có thể xin nghỉ trong ngày Quốc tế lao động, nhưng nếu ai cũng như tôi thì làm sao đường phố sạch đẹp trong dịp lễ", chị chia sẻ.
Chị Hạnh cho biết, quét dọn trong ngày 1/5 hay 30/4 vất vả hơn ngày thường nhiều lần, vì công ty công ích yêu cầu nhân viên phải đảm bảo tuyến đường mình phụ trách quét dọn phải luôn trong trạng thái sạch sẽ. Do đó, tuy thời gian làm việc vẫn bắt đầu từ 6h sáng tới chiều tối nhưng cường độ làm việc cao hơn hẳn bình thường.
"Tôi đã quen với chuyện trực lễ, kể cả phải làm việc trong ngày mà lao động toàn thế giới được quyền nghỉ ngơi. Nhưng nhìn cảnh người người đổ về quê sum họp gia đình hay sửa soạn đi chơi, có lúc tôi cũng nao lòng. Những lúc như vậy, đồng nghiệp san sẻ, động viên nhau để cố gắng hoàn thành nhiệm vụ", chị Hạnh kể.
Trong khi đó, Vi, nhân viên phục vụ cửa hàng bánh ngọt có thương hiệu tại TP HCM cũng chưa bao giờ được nghỉ ngày 1/5, trong suốt 4 năm làm việc tại đây. Vi nói, ngày lễ, lượng khách tăng gấp nhiều lần nên nhân viên phục vụ còn hỗ trợ bếp làm bánh, trang trí bánh, chứ không đơn thuần chỉ phục vụ khách như ngày thường.
Cửa hàng còn tăng thêm nhân viên chứ không có chuyện cho nghỉ lễ. "Ngày này năm ngoái, hơn 24h đêm tôi mới được về vì càng về đêm, khách càng đông nên cửa hàng không thể đóng cửa vào 22h30 như thường lệ. Nhân viên thậm chí chưa kịp ăn cơm tối mà luôn trong trạng thái tất tả phục vụ nước, bánh cho khách".
Theo Vi, làm việc ngày 1/5 có thêm phụ cấp lễ và hưởng thêm một ngày nghỉ, nhưng công việc rất vất vả. "Doanh số cửa hàng những ngày này tăng gấp 2-3 lần bình thường, thậm chí không còn bàn trống và nhân viên phải thuyết phục khách mua về dùng", Vi chia sẻ.
Theo VnExpress