>>Đà Nẵng: Chỗ ngồi xem pháo hoa đắt giá theo chiều cao
>>Đà Nẵng: tái diễn “chặt chém” mùa pháo hoa
Du khách đông nghịt trong hang Sửng Sốt (vịnh Hạ Long)
Tuy tỉnh Quảng Ninh và TP Hạ Long đã công bố số điện thoại đường dây nóng để thông báo các hiện tượng “chặt chém”, đồng thời bố trí đội quản lý thị trường kiểm tra nhưng tại các khách sạn ở đây, giá tiền phòng cao ngất ngưởng vẫn được các khách sạn thông báo công khai.
Hạ Long: giá phòng cao gấp 5-6 lần
Theo thống kê của cảng tàu khách du lịch Bãi Cháy, riêng trong ngày 30/4 lượng khách du lịch trên vịnh Hạ Long đạt 21.400 khách. Ông Phạm Quốc Bình - trưởng cảng tàu khách du lịch Bãi Cháy - cho biết: “Đây là ngày đông khách nhất trong năm và trong cả bốn năm trở lại đây. Giờ cao điểm chúng tôi không thể đáp ứng nổi, lượng khách tồn trên sân phải đến 500-700 người”.
Các tàu du lịch cũng đã cố gắng tăng từ 35 chuyến/ngày lên 65 chuyến/ngày nhưng vẫn không đủ phục vụ du khách.
“Chúng tôi đã phát hiện một vài vụ bán giá vé sai và giao cho ban quản lý thị trường xử lý” - ông Bình cho biết thêm. Việc miễn phí vé tham quan vịnh Hạ Long trong bốn ngày (từ 28-4 đến 2-5) thu hút một lượng khách đông chưa từng có. Từ 6g sáng khách đã ùn ùn kéo đến, trong khi nhân viên cảng chưa đi làm, phòng làm lệnh xuất cảng chưa mở.
Các khách sạn lớn dọc bờ biển Bãi Cháy đã hết phòng, khách chủ yếu theo tour hoặc đặt trước từ nửa tháng. Với các khách sạn vừa và nhỏ cách bãi biển 300-500m, dù vẫn còn phòng nhưng phải tuân theo “giá chung”. Hỏi giá một phòng hai giường đơn, nhân viên một khách sạn hai sao “hét” tới 1,5 triệu đồng, nếu ba giường là 1,8 triệu đồng.
Nhân viên này lý giải: giá chung ngày lễ hội đâu cũng thế cả, ngày thường phòng kiểu này cũng chỉ 300.000-400.000 đồng, nhưng chờ đến tối hay sang ngày 1-5, người đi xem carnaval Hạ Long thì phòng còn khan hiếm nữa. Chị Ngọc Mai (Hà Nội) bức xúc: “Đẩy giá lên gấp đôi đã là không hay rồi, đằng này đẩy lên cao gấp 5-6 lần thì đúng là khủng khiếp”.
Huế: 30.000 đồng/chai nước ngọt
Mặc dù ngành du lịch Thừa Thiên - Huế đã có nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn nạn “chặt chém” trong dịp nghỉ lễ, song trong ba ngày qua, nhiều du khách đến Huế đã không được hài lòng vì những dịch vụ này.
Theo ghi nhận, lượng khách đổ về tham quan di tích Huế rất đông, ước đạt khoảng 50.000 du khách. Nhân cơ hội này, nhiều quán bán nước giải khát gần các điểm di tích như lăng Tự Đức, Minh Mạng, Khải Định, chùa Thiên Mụ... đồng loạt tăng giá; nước mía, nước dứa bán giá 20.000 đồng/ly, trong khi ngày thường chỉ 5.000-7.000 đồng, các bãi giữ xe cũng tăng gấp đôi giá với 10.000 đồng/xe máy.
Chiều 30/4, Đại nội Huế đông nghẹt khách tham quan, nhân cơ hội này quán giải khát ở phía tây điện Thái Hòa đã tăng giá các loại nước giải khát để “móc túi” du khách. Ngày thường, quán giải khát trong Đại nội Huế đã bán cao gấp 2-3 lần so với giá bên ngoài, nay tiếp tục tăng cao nhiều lần khiến du khách vào uống nước tỏ ra khó chịu.
Anh Lê Thanh Quang, một hướng dẫn viên du lịch đến từ Đà Nẵng, bức xúc: “Chiều 30/4, tôi dẫn đoàn du khách Úc đi tham quan Đại nội Huế, ghé vào quán giải khát trong di tích uống nước thì bị “chém” với giá cắt cổ, giá nước dừa là 30.000 đồng/ly, một cây kem có giá 30.000 đồng, các loại trà Lipton, trà xanh 0o đều bán với giá 30.000 đồng/chai.
Khi du khách phản ứng vì giá bán quá cao thì nhận lại những lời khó nghe của chủ quán”. Ông Phan Thanh Hải, giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, nói trung tâm luôn có lực lượng đi kiểm tra các quán giải khát bán trong di tích, tuy nhiên dịp lễ lượng khách quá đông nên không phát hiện chủ quán ép giá. “Chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra, nếu phát hiện chủ quán nước giải khát bán giá cao hơn giá niêm yết sẽ bị xử lý và chấn chỉnh kịp thời” - ông Hải nói.
Vũng Tàu: khách sạn tăng giá
Theo thống kê của ban quản lý các khu du lịch TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), trong ngày 30/4 có khoảng 70.000 lượt du khách đến Vũng Tàu. Tính chung cả ba ngày lễ con số này là hơn 110.000, và không cao bằng dịp lễ năm ngoái. Đến chiều 30-4, lực lượng cấp cứu bờ biển đã vớt được bảy du khách lọt ao xoáy, chưa có trường hợp du khách chết đuối.
Chiều 30/4, vẫn có một số chủ nhà nghỉ ra đường mời vẫy du khách. Tuy nhiên, dò hỏi giá phòng ở các khách sạn, nhà nghỉ khu vực bãi Sau, chúng tôi đều nhận được giá cao hơn so với ngày thường từ 150.000-300.000 đồng (tùy theo phòng).
Đoàn kiểm tra liên ngành kinh doanh dịch vụ du lịch TP Vũng Tàu cho biết ngày 29/4, qua kiểm tra đã phát hiện một số khách sạn tăng giá phòng từ 60-80% so với giá đã đăng ký, niêm yết.
Cụ thể có hai khách sạn trên đường La Văn Cầu, P.2, TP Vũng Tàu lấy của du khách 400.000 đồng cho phòng một giường (giá niêm yết là 250.000 đồng), giá phòng hai giường niêm yết 400.000 đồng nhưng du khách phải trả 600.000 đồng, phòng ba giường từ 900.000 đồng cũng tăng lên 1,2 triệu đồng. Ngoài ra, đoàn kiểm tra cũng phát hiện một số điểm giữ xe không có giấy phép, lấy giá cao, không có vé theo quy định.
Đội cảnh sát giao thông Công an TP Vũng Tàu cho biết trong hai đêm 28 và 29-4 đã lập biên bản tạm giữ gần 200 xe máy chạy lạng lách, đánh võng ở dọc đường ven biển Quang Trung, Hạ Long, Thùy Vân.
Theo Tuổi Trẻ