TP HCM: Nước mát vỉa hè - Độc hại khó lường

Thứ ba, 01/05/2012, 07:44
Nước giải nhiệt (sâm, rong biển, dừa tươi…) được nhiều người ưa chuộng vào mùa nóng. Tuy vậy, quy trình cho ra một ly nước uống có “ngọt mát, bổ dưỡng” hay không, không phải ai cũng biết.


Các tin khác

>> Những tên khủng bố khét tiếng còn lẩn trốn
>> Kì lạ thị trấn chỉ có một…công dân
>> Trung Quốc: Chàng trai đeo biển kiếm vợ
>> Lớp học dưới chân cầu Long Biên


Nhiều loại nước mát bán ở lề đường chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.


Không xuất xứ

Mùa nóng, hàng loạt quán cóc, vỉa hè trên địa bàn TPHCM luôn đông khách. Một số nơi, khách phải xếp hàng chờ. Tại các xe nước vỉa hè trên đường An Dương Vương (quận 5), Kinh Dương Vương (quận 6, quận Bình Tân), quốc lộ 1A (hướng đi miền Tây)…, dừa tươi có giá 10.000 – 12.000 đồng/trái; sâm lạnh, rong biển 5.000 - 6.000 đồng/ly. 

Chị Bé Ba, quê ở Sóc Trăng, bán nước dạo trên đường Nguyễn Văn Cừ (quận 5) tâm sự: “Mỗi ngày tôi cũng lời khoảng vài trăm ngàn đồng. Hồi mới ra, không ai chỉ vẽ nên hì hục 3 giờ sáng thức dậy nấu bán nguyên ngày, lời ít lắm. Giờ biết rồi, ra Kim Biên (quận 5) mua hương liệu về pha chế cho nhanh hơn.

Tỷ lệ pha chế 50/50 khách hàng sẽ khó phát hiện. Ví dụ, một lít nước bán ra, 50% là sâm nguyên chất, còn lại là hương liệu, phụ gia. Có nơi tỷ lệ chỉ 1 nguyên chất, 3 phụ gia”.

Vào chợ Kim Biên (quận 5) tìm mua hương liệu sâm bí đao, rong biển, chất tẩy trắng dừa… dễ như mua rau, cá ngoài chợ. Các dung dịch hương liệu đủ màu sắc (xanh, cam, trắng…) được trữ trong những can nhựa từ 0,5 - 30 lít, không nhãn mác, địa chỉ sản xuất, hạn sử dụng… Tại khu hàng dãy bên phải của chợ (hướng về quận 6), hàng chục thanh niên khuân vác, trộn bột… phải đeo khẩu trang dày cộm. Mùi hương liệu đặc quánh, khiến chúng tôi nghẹt mũi và hắt xì liên tục. Dọc phía trái chợ (tổ 19) tập trung nhiều hương liệu sâm bí đao, sầu riêng, rong biển đủ loại, bán theo gram dưới dạng dung dịch lỏng, sánh.

Anh Nguyễn Năm, bán dừa tươi trên đường Lý Thường Kiệt (quận 10) chia sẻ: Muốn dừa trắng rất dễ. Chỉ cần lột vỏ, ngâm trong hóa chất tẩy trắng từ 10 - 15 phút vớt ra ngay. Dừa không bị xỉn, có màu trắng tươi.


Uống “chất độc”

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Trần Văn Ký, phụ trách chuyên môn - Văn phòng phía Nam - Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn thực phẩm Việt Nam, cho biết: Hương liệu, chất tẩy công nghiệp có giá rẻ nhưng nguy hiểm (chứa nhiều kim loại nặng, tạp chất độc hại). Nếu ăn, uống những thực phẩm chứa hóa chất công nghiệp, hóa chất không nằm trong danh mục cho phép của Bộ Y tế, về lâu dài sẽ bị ngộ độc hóa chất mãn tính, sinh ra các bệnh hiểm nghèo.

Đối với dừa tươi ướp lạnh, vỏ trắng phau đa phần được ngâm tẩm chất tẩy trắng không rõ nguồn gốc. Hóa chất này dễ dàng thấm qua lớp vỏ dừa (nếu ngâm lâu), ngấm trực tiếp qua vị trí tiếp xúc khi dùng dao chặt lấy nước dừa nếu uống. Nước dừa bị nhiễm hóa chất khi uống sẽ có cảm giác tê đầu lưỡi, vị nước nồng nhẹ, khó chịu…

Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế TPHCM, khuyến cáo: Thức ăn, nước uống đường phố hầu hết đều không đạt vệ sinh an toàn thực phẩm. Do vậy, tốt nhất người dân không nên sử dụng kẻo rước họa vào thân.

 

Theo SGGP

Các tin cũ hơn