Horiyoshi III đang hoàn tất một "bộ cánh" irezumi trên người khách hàng. |
Nghệ sĩ xăm hình nổi tiếng quốc tế người Nhật Bản Horiyoshi III đang có buổi triển lãm đầu tiên ở Anh, kéo dài tới ngày 1/7 tới đây, trong đó phô diễn một bộ sưu tập các tác phẩm nghệ thuật hết sức đa dạng, chưa từng được công bố của ông.
Nhân sự kiện này, báo chí Anh đã có bài viết về công việc hết sức độc đáo của Horiyoshi III.
Môn nghệ thuật có tuổi đời hàng thế kỷ
Được tờ New York Times mô tả là "huyền thoại sống", Horiyoshi III là bậc thầy trong lĩnh vực xăm hình thời hiện đại. Văn phòng của ông nằm ở tầng 2, trên một nhà hàng Trung Quốc, tại một con phố yên tĩnh ở Yokohama. Ở đây, ông tạo nên các tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp trên da thịt người, theo cách thức các nghệ sĩ truyền thống người Nhật vẫn thực hiện trong hàng thế kỷ.
Tại Nhật Bản, xăm hình như Horiyoshi III đang làm được gọi là irezumi và không giống hình xăm bình thường, izerumi có ý nghĩa khác. “Một tác phẩm irezumi là thứ thường ẩn náu dưới trang phục. Rất nhiều thanh niên Nhật Bản hiện nay xăm hình để phô ra. Irezumi thì khác hẳn" - Horiyoshi III giải thích.
Lịch sử của irezumi - vốn có nghĩa "chấm mực" - đã bắt đầu từ thời kỳ Yayoi ở Nhật Bản, kéo dài từ năm 200 trước Công nguyên tới năm 250 sau Công nguyên. Các hình xăm là biểu tượng đẳng cấp. Nhưng từ thời kỳ Kofun (250 - 538 sau Công nguyên), tội phạm đã bị trừng phạt bằng các hình xăm trên cơ thể. Tuy nhiên irezumi vẫn phát triển song song với đó để trở thành một dạng nghệ thuật.
Vào thời Meiji (1868-1912), irezumi lại bị xem là “man di" và không có lợi cho một đất nước đang cố mở cửa với thế giới. Vì thế irezumi bị cấm và các nghệ sĩ trở thành tội phạm chỉ sau một đêm. Họ phải thường xuyên đổi chỗ ở để tránh bị bắt.
Tuy nhiên tại thành phố cảng Yokohama vẫn có một cộng đồng các thương nhân và thuỷ thủ nước ngoài sống ngoài tầm với của pháp luật Nhật Bản. Nhiều nghệ sĩ irezumi chuyển tới đây sống và hành nghề trên da thịt người nước ngoài, nhờ đó mà phát tán nghệ thuật irezumi ra khắp thế giới.
Sau thế chiến thứ Hai, irezumi lại được pháp luật công nhận, dù nó thường gắn với các tay xã hội đen yakuza. Nhiều nghệ sĩ đơn giản không quảng cáo ra ngoài công việc họ làm và chỉ có khách hàng nhờ sự giới thiệu. Truyền thống này tiếp tục cho tới tận ngày nay.
Nghệ nhân chạm khắc trên cơ thể
Trở lại với Horiyoshi III, dù mang cái tên đặc biệt, ông lại không phải là con của Horiyoshi II. Horiyoshi III sinh năm 1946 với tên thật Yoshihito Nakano. Một lần, ông chứng kiến một tay yakuza với hình xăm xuất hiện khắp trên cơ thể bước vào một nhà tắm công cộng. Hình ảnh đó đã gây ấn tượng mạnh tới mức ông quyết định theo nghề xăm hình.
Năm 1971, ông tìm tới học việc, sống cùng với Horiyoshi II. Hàng ngày, ông ngồi quan sát công việc của sư phụ, giúp thầy và thực hành kỹ thuật xăm hình trên chính đôi chân của mình. Năm 1979, ông chính thức được công nhận là bậc thầy và được nhận số “III” bên cạnh cái tên Horiyoshi. Cần biết rằng tiền tố Hori thường xuất hiện trước tên các bậc thầy irezumi và có nghĩa "khắc" hay "chạm".
Trong các kỹ thuật xăm hình, tebori (săm thủ công) là kỹ thuật gây đau đớn nhất. Người nghệ sĩ dùng một công cụ giống cây bút thư pháp, chỉ có điều đầu bút gắn những mũi kim cực sắc. Các mũi kim này sẽ được nhúng vào mực trước khi nghệ sĩ dùng nó xuyên vào da thịt người muốn xăm hình. Khi kim rút ra, màu sắc sẽ lưu lại trên da người, không thể phai. Việc sử dụng công cụ này đòi hỏi một bàn tay của bậc thầy, bởi người ta không thể sửa sai khi đã "vẽ" và một cú trượt tay có thể khiến ai đó bị thương.
“Gừng càng già càng cay”
Tác phẩm của Horiyoshi thường dựa vào các hình tượng văn hoá rất giàu có của Nhật Bản, gồm hình hoa mẫu đơn, rồng, nữ thần... Ông nói rằng chỉ vẽ các con thú và linh vật trên cơ thể người chứ không vẽ trên các chất liệu nào khác.
"Các con thú tôi tạo ra chỉ sống dậy trên da người. Đó là lý do vì sao tôi không bao giờ trình diễn các thiết kế của mình dưới dạng tác phẩm nghệ thuật. Tôi chỉ vẽ cho vui và tôi sẽ chụp các bản mẫu cho khách hàng để họ lựa ra một thiết kế mới. Các sinh vật được vẽ ra khiến người ta choáng váng khi nó còn sống trên da người, khi đôi bên thở cùng nhịp thở. Và khi người mang con thú đó chết đi, nó cũng sẽ chết theo" - ông từng nói trên tờ Japan Times.
Mỗi tác phẩm tạo ra trên toàn bộ phần thân người, Horiyoshi gọi đó là một bộ trang phục. Và không phải ai tìm tới ông cũng muốn xăm toàn bộ thân thể ngay từ đầu. "Ít người với bộ cánh irezumi muốn có nó ngay từ đầu. Lý do rất đơn giản: họ không biết xăm kiểu này có đau lắm không. Vì thế rất nhiều người xăm ở lưng, trước khi xăm toàn thân" - ông kể.
Hiện Horiyoshi đã 64 tuổi và vẫn tiếp tục hành nghề 6 ngày mỗi tuần. Không phải ai cũng dễ dàng "nhờ vả" Horiyoshi III. Những ai muốn ông xăm hình phải đặt chỗ trước nửa năm và mức giá hiển nhiên lên tới hàng chục ngàn USD.
Vậy thì xăm hình irezumi có đau lắm không? "Khó giải thích bằng lời lắm" – Horiyoshi III nói và nở nụ cười bí hiểm - "Anh phải tự trải nghiệm để có câu trả lời cho chính mình thôi".
Theo Báo Tin Tức