Rừng tàn vì cây thuốc lá

Thứ năm, 31/05/2012, 10:09
 Từ hàng chục năm nay, cây thuốc lá đã dần trở thành cây trồng phổ biến ở các huyện Hòa An, Hà Quảng, Trùng Khánh tỉnh Cao Bằng. Việc trồng thuốc lá giúp thu nhập của người dân nơi đây nâng cao rõ rệt nhưng cũng kéo theo rất nhiều hệ lụy.


>> Tăng giá bán tối thiểu đối với thuốc lá
>> “Đau đầu” xử phạt hút thuốc lá
>> Thu giữ gần 3.000 bao thuốc lá nhập lậu
>> Khói thuốc lá chứa hơn 4.700 chất độc


Cây thuốc lá chứa nhiều chất độc hại nên trong quá trình canh tác, thu hoạch, chế biến, sức khỏe của người dân không thể tránh khỏi những ảnh hưởng. Chị Vân – một người trồng thuốc trú tại xã Bình Long – chia sẻ: “Có lần tôi đi lấy thuốc lá từ sớm và bị nước sương đọng ở lá thuốc dính vào miệng, dẫn đến say thuốc nôn thốc, nôn tháo cả ngày không ăn uống được. Sau đó, phải nghỉ dưỡng cả tuần”


 

.

Ruộng cây thuốc lá


Một điệp khúc đáng buồn hơn ở những vùng trồng cây thuốc lá là thời điểm bắt đầu vào vụ thu hoạch thuốc lá cũng là thời điểm nạn phá rừng diễn ra một cách rầm rộ và công khai nhất. Người dân phải dùng củi hoặc than để sấy khô lá thuốc. Nếu người dân sử dụng than chì thì mỗi vụ thuốc phải tốn khoảng 4-5 tấn nên đa phần các hộ đều dùng củi cho tiết kiệm.

Trong vùng, gần như nhà nào cũng có lò sấy thuốc lá nên cũng dễ hiểu khi vào nhà người dân nơi đây nhà nào nhà nấy đều chất núi củi lớn quanh nhà để dùng dần. Được biết, mỗi lần đốt mỗi lò sẽ tiêu tốn hơn 1 khối gỗ to.

Mặc dù không thể thống kê được số lượng củi người dân dùng để sấy thuốc mỗi năm nhưng có thể dễ dàng nhìn thấy một thực tế là các khu rừng ở đây đều đã bị tàn phá hết và người dân trong vùng phải đi mua củi từ nơi khác. Tuy nhiên, việc mua bán này cũng không mấy khó khăn. Họ chỉ cần gọi điện cho các chủ rừng hoặc các tài xế xe tải và sẽ được giao củi tận nhà.

Một tài xế chuyên chở củi thuê cho biết: “Củi này chủ yếu được lấy từ rừng ở huyện Thạch An, đèo Tà Hồ Sìn (huyện Hòa An) thậm chí cả bên tỉnh Bắc Kạn…Mang tiếng là củi chứ thực ra đều là những cây gỗ to bằng cột nhà hết cả, cây bé người ta không mua vì cháy nhanh và không đủ nhiệt độ, lại tốn. Mỗi xe đây chúng tôi chở được khoảng 10 khối”.

Độc hại là thế, ảnh hưởng tới rừng là thế nhưng vì dễ trồng, chịu được khô hạn và cho hiệu quả kinh tế cao nên diện tích cây thuốc lá trong vùng không những không thu hẹp mà còn đang mở rộng thêm.

Chị Thơm sống tại xã Đức Long cho biết: “Trong các loại cây trồng thì thuốc lá là cây cho hiệu quả kinh tế cao nhất, trung bình gia đình tôi thu được từ 60 đến 90 triệu đồng/vụ. Chính vì vậy, không chỉ gia đình tôi mà gia đình khác cũng vậy, dù biết là cây thuốc lá rất độc hại nhưng vì miếng cơm manh áo nên đành làm liều”.

Thay thế cây thuốc bằng loại cây trồng khác là việc làm cần thiết nhưng chọn loại cây trồng nào trồng được trên vùng đất khô cằn này có thể mang lại thu nhập bằng hoặc cao hơn cây thuốc lá là một bài toán.
 



Theo Thiennhien

Các tin cũ hơn