"Nghĩa trang thiếu nhi" online-tha thứ cho mẹ, con nhé

Thứ năm, 31/05/2012, 14:54
"Nghĩa trang thiếu nhi" online - góc khuất của những bà mẹ tuổi teen - khắc lên những bia mộ ân hận. Ở đó, người viếng thăm có thể nhận thấy những bà mẹ trẻ cũng đau đớn, dằn vặt, hối hận về những vết trượt đầu đời...

>>Dịch vụ mới: Cúng giỗ online
>>"Chợ tình" online của gái bán hoa
>>Sex online, trò chơi ảo nhưng hậu quả thực

Mộ ảo chôn...sự thật  

Cách đây không lâu, tôi đã từng viết loạt bài dài kỳ về tình trạng nạo phá thai ở trẻ vị thành niên và những ám ảnh sau khi "mục sở thị" khu thủ thuật tại bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội).

Những câu chuyện khiến tôi cảm thấy đắng lòng khi biết phần lớn ca đi "kế hoạch" ngoài ý muốn lại rơi vào những cô gái còn rất trẻ, chủ yếu ở độ tuổi 15-19 (có thai trên 13-15 tuần tuổi - thai to).

Nhưng có lẽ, câu chuyện ám ảnh tôi chính là lời kể của một bác sĩ sản khoa về một trường hợp bé gái 15 tuổi nhưng đã đi phá thai tới 2 lần. Kết cục, "bản án" mà cô bé này nhận được vì những lầm lỡ đầu đời là bị tước đi quyền thiêng liêng nhất của người phụ nữ - thiên chức làm mẹ: Cô bé đã bị vô sinh vĩnh viễn...
 

Một ngôi mộ ảo được lập nên cho những thai nhi tại nghĩa trang online
 

Cuối tháng 5, tình cờ tôi có dịp ghé qua bệnh viện Phụ sản Trung ương thăm người quen. Quay lại khu nhà H, tầng 3, tôi vẫn không thoát khỏi cảm giác ớn lạnh khi chứng kiến cảnh gần 20 cô gái mặt non choẹt đang lóng ngóng phía trước phòng thủ thuật.

Vẫn dãy hành lang ấy, vẫn những tâm trạng não nề của những bà mẹ đưa con đi "kế hoạch", vẫn những tiếng thở dài..., chỉ khác là những cô gái trẻ lần này mà tôi gặp chủ yếu là sinh viên chứ không phải những bé gái mới 14, 15.

Chứng kiến cảnh không muốn chứng kiến, tôi liên tưởng đến khu "nghĩa trang thiếu nhi" (nghĩa trang online) và tự hỏi, không biết sau hôm nay sẽ có bao nhiêu bà mẹ lên mạng lập mộ ảo cho những sinh linh bé nhỏ vừa hình thành trong lòng cung của mình đã bị tước bỏ sự sống?

Sau ngày hôm đó, tôi quyết định nhấp chuột viếng thăm khu "nghĩa trang thiếu thi". ở đó, tôi cảm nhận được đủ cung bậc cảm xúc chất chứa, đẫm nước mắt của những người mẹ trẻ khi lập mộ ảo để xin con tha thứ.

Chỉ một cú nhấp chuột, bao phủ toàn bộ khu vực "nghĩa trang thiếu nhi" là sự pha trộn của tất cả các loại cảm giác: Buồn bã, đau khổ, tiếc nuối, thương nhớ, hờn giận, trách móc, ăn năn, day dứt... của những người mẹ và những vị khách vào viếng thăm, chia sẻ.

Lại thêm một lần tôi bị ám ảnh bởi những con số. Lần trước là số liệu về những trẻ vị thành niên đi nạo phá thai. Lần này là bản danh sách dài dằng dặc tên "mộ phần của những thai nhi" mà những người mẹ trẻ đã lên mạng lập cho con.

Những cái tên: Nguyễn Đặng Lệ Băng (7 tuần tuổi), Tuệ Mỹ (5 tuần tuổi), Vĩnh An (3 tháng tuổi)... cứ lần lượt hiện lên trước mắt người xem. Và, đằng sau mỗi bia mộ ấy là những day dứt, đau đớn mà họ đã, đang trải qua. Họ muốn lập lên những ngôi mộ ảo để chôn cất những thứ thật, con người thật và sự thật.
 

Với các bạn trẻ, sự lầm lỡ luôn là mối ân hận lớn (Ảnh minh họa)
 

Một ngôi mộ “chôn” 4 đứa con

Có lẽ, viếng thăm "nghĩa trang thiếu nhi" - nơi con người ta cảm nhận được sự thật trần trụi nhất. Với bất kỳ lý do gì mà những người mẹ trẻ phải bỏ đi những hài nhi vừa hình thành của mình cũng đều thật chua xót.

Nhưng cái "trần trụi" ở đây nó là một thực tế đang diễn ra, thực tế nhiều hơn thống kê. Trái với những nụ cười ngô nghê, hớn hở của những chàng trai, cô gái trước phòng thủ thuật mà tôi từng chứng kiến lại là những nỗi lòng day dứt đến tột cùng mà những "bà mẹ trẻ con" đã viết lên khi lập mộ ảo cho con. Bởi, những ông bố bà mẹ đã phá thai sẽ không bao giờ có thể biết con mình được mang đi đâu và cũng không có mộ phần để thờ cúng.

Điều khiến tôi thấy "sốc" nhất khi viếng thăm "nghĩa trang thiếu thi" là hình ảnh mộ phần chung của 4 bé (cùng một mẹ). Ngôi mộ ảo này được lập ngày 13/6/2011, trên bia mộ ghi tên 4 đứa con cùng số ngày ngắn ngủi được tồn tại trên đời: Mai (1 tuần tuổi),  Sao (2 tuần tuổi), Tuấn (3 tuần) và  Tùng (5 tuần tuổi).

Đọc tên những hài nhi, cảm giác ớn lạnh khiến tôi không tài nào nhấp chuột. Tôi cũng cảm thấy giận khi biết một cô gái trẻ mà đã 4 lần đi "kế hoạch". Nhưng, khi đọc tâm sự của người mẹ này, tôi không muốn thêm phán xét...

Người mẹ trẻ đau khổ viết: "Vậy là cho đến giờ, mẹ mới lập mộ được cho các con yêu của mẹ. Mẹ đã không đủ dũng cảm để giữ các con lại, chỉ vì mẹ không dám chịu trách nhiệm trước những hành động của mình... Giờ đây, ba mẹ rất hối hận các con à. Hãy tha lỗi cho ba mẹ nhé...".

Lời tự thú của người mẹ trẻ cũng được xem là một sự "dũng cảm" khi dám lên án bản thân và tìm một cách giải thoát khỏi những ám ảnh đeo bám. Những bà mẹ tuổi teen vào "nghĩa trang thiếu nhi" lập mộ cho con với mong muốn để con ở thế giới bên kia bớt lạnh lẽo, cô quạnh.

Không những thế, họ còn gửi kèm trên bia mộ rất nhiều đồ chơi, quần áo, bình sữa, trái cây, thậm chí gửi cho con một chiếc giường ngủ ấm áp với đầy đủ đồ dùng xinh xắn.

Dẫu rằng sau những lời thú tội, sự quan tâm săn sóc từng món đồ chơi, áo mặc... thì cô gái trẻ liên tiếp nhận được những lời chỉ trích cho rằng những lời nói, hành động trên đã quá muộn màng, thực chất chỉ là ngụy biện cho ham muốn của bản thân.

Nhưng tôi trộm nghĩ, những người mẹ trẻ đã nhận được những bài học cay đắng cuộc đời, cái giá họ phải trả quá đắt. Để giờ đây họ phải day dứt, dằn vặt: "Mẹ không muốn bào chữa gì cho việc làm của mẹ nữa, nhưng người ta giá mà hiểu được cảm giác tội lỗi, hối hận và dằn vặt như thế nào trong từng giây, từng phút mà những người như mẹ phải chịu đựng thì...".

Cùng với hàng trăm những ngôi mộ với thời gian hưởng dương chỉ tính bằng ngày, bằng tuần là những hoàn cảnh khác nhau của những ông bố, bà mẹ trẻ tuổi teen.

Có những người lập bia mộ cho con với một cái tên đầy đủ, vẹn toàn nhưng cũng có những bia mộ mà chỉ cần đọc tên thôi cũng đã cảm thấy những bà mẹ phân vân khi đặt tên con như: Vô Danh, Hoa Thủy Tinh, Bồ Công Anh... Có những người lập mộ, đặt tên cho con rồi phân trần: "Mẹ không biết con là trai hay gái, mẹ cứ gọi con là cún, thỏ con...".

Họ  tâm sự rất thật: "Hôm nay là tròn một tuần kể từ ngày mẹ con mình xa nhau rồi đấy. Mẹ nhớ cái cảm giác buồn nôn, chán ăn, mệt mỏi vì con. Mẹ nhớ lắm lắm, bây giờ mẹ không thể có lại cái cảm giác đó rồi. Mẹ nhớ con. Nhưng một người mẹ chưa đến 18 tuổi như mẹ không còn lựa chọn nào khác là phải rời xa con. Hãy tha thứ cho mẹ, con nhé"...
 

 

Theo Nguoiduatin

Các tin cũ hơn