Sau loạt bài phản ánh hoạt động của một số trang trại chăn nuôi gia công cho Công ty cổ phần C.P tại huyện Bình Lục (Hà Nam), phóng viên đã quay trở lại các trang trại này và thấy tình hình vẫn… như cũ.
Trở lại trang trại Huệ - Đồng (1 trong 4 trang trại lớn nuôi gia công cho C.P với số lượng hàng nghìn con/lứa), ở khu B, xã La Sơn và một ở thôn Tiêu Thượng, xã Tiêu Động, chúng tôi vẫn tiếp tục ghi nhận các đầu nậu vào mua lợn chết ở trang trại này đem đi bán.
Lợn chết vẫn được các trang trại “tuồn” bán ra ngoài cho các “đầu nậu”.
Chỉ trong vòng 1 ngày, đã có 6 con lợn chết được đưa ra ngoài tiêu thụ. Đối tượng mua lợn chết vẫn là những “đầu nậu” như Báo NTNN đã phản ánh trước đó (Trường “ba gác, Sơn “lợn sề”…). Việc vận chuyển lợn vẫn diễn ra công khai, không cần che đậy, và không bị bất kỳ cơ quan chức năng nào giám sát, kiểm tra và xử lý.
Một người dân sống gần trang trại cho hay, từ khi báo đăng đến nay, tình hình tiêu thụ lợn chết có giảm hơn trước, song vào những ngày nắng nóng, lợn chết nhiều, “đầu nậu” vẫn vào mua hàng như thường.
Để làm rõ những thông tin trên, cũng như “bàn” phương án xử lý dứt điểm tình trạng này, phóng viên đã nhiều lần liên hệ với các cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam như Sở NNPTNT, Chi cục Thú y Hà Nam, UBND huyện Bình Lục… song không hiểu vì lý do gì, lãnh đạo các cơ quan trên đều từ chối trả lời và khất lần, khất lượt.
Trong khi đó, một đại diện của Công ty C.P cho biết, hiện công ty này đã theo dõi thông tin trên báo và đang cho kiểm tra. T
heo vị đại diện của công ty, khi ký hợp đồng với các trang trại nuôi gia công, C.P đều có một điều khoản yêu cầu các hộ chăn nuôi khi có lợn chết vì dịch, ốm, bắt buộc phải tiêu hủy, chôn lấp. Trường hợp trang trại nào cố tình bán lợn chết ra ngoài, phía C.P có thể chấm dứt hợp đồng và đóng cửa trại.