Ảnh: Inmagine.com |
Trước khi lấy chồng, em làm ở nhà hàng, không có nghề nghiệp học hành gì, nên khi về nhà chồng em cũng biết thân biết phận, không dám nói lại nửa câu. Chồng em không bao giờ chăm sóc vợ khi đau ốm, cũng không hề tặng một bông hoa hay một món quà, chỉ nói tiền sẵn đó thích gì thì mua. Em thật sự quá mệt mỏi với cuộc sống vợ chồng hiện tại, nhưng nếu chia tay, em không có điều kiện kinh tế để sống và nuôi con. Em bế tắc quá, chẳng lẽ quay lại nghề cũ?
emgaibuon29@...
Em thân mến,
Vấn đề lớn nhất của em bây giờ chỉ nằm trong hai chữ: phụ thuộc. Em hoàn toàn phụ thuộc vào chồng nên bế tắc, buồn khổ là phải thôi. Muốn thoát ra khỏi cảnh bế tắc này, chỉ có cách tự thân vận động. Làm được điều này cần thời gian, sự kiên nhẫn, khôn ngoan nhưng cần thiết hơn cả là ý chí của em.
Không thể quay lại con đường cũ, chị khẳng định với em như thế. Em nên cố gắng chăm sóc con, làm cho chồng tin tưởng mình, thu vén gia đình hợp lý, ngăn nắp. Chồng em không cho em ra ngoài có lẽ vì ghen tuông, vì sợ những mối quan hệ cũ trong quá khứ của em. Xét cho cùng, đó cũng là vì anh ấy sợ mất vợ, sợ mất mẹ của ba đứa con mình. Nếu em thực lòng cố gắng chăm lo cho gia đình, chắc chắn chồng em sẽ thay đổi dần thái độ. Cần khéo léo kéo anh ấy khỏi những cuộc nhậu, trở về với cảnh gia đình đầm ấm. Các con dần lớn, em nên tìm học lấy một nghề. Có nhiều nghề không cần học hành gì nhiều lắm, hoặc cũng có nghề không cần phải ra ngoài mới học được: nghề làm tóc, nghề thủ công, gia công ở nhà, buôn bán nhỏ… Phần đóng góp của em bằng vật chất có lẽ là ít so với chồng, nhưng qua cách sống ấy, chồng em sẽ hiểu những cố gắng của vợ hơn và em cũng dần tự lập hơn. Tùy theo năng lực và điều kiện của mình, em có thể làm việc, dành dụm để ít ra là cũng không phải lo mình rơi vào bước đường cùng nếu lỡ có chuyện gì xảy ra.
Tự lập là một con đường dài, khó nhọc, cần hết sức kiên nhẫn và có ý chí mạnh mẽ. Chúc em cố gắng vươn lên làm chủ số phận của mình.
Theo PN
Đinh Thị Mười