Trường hợp lâm sàng thứ hai: nữ sinh viên Trường đại học Đà Lạt, 24 tuổi, xuất hiện tiểu tiện nhiều, cách đây 1 năm, không phát hiện được bệnh, vẫn đái nhiều từ đó: ban ngày 15 phút/lần, đêm 1 giờ/lần. Gần đây, điều trị nhiều lần viêm đường tiết niệu không đỡ. Đã có nhiều xét nghiệm nước tiểu, các chỉ số đều bình thường: không có đường, không có tế bào. Khi thăm khám, bác sĩ hỏi: số lượng nước tiểu mỗi lần? cả ngày? Con nói ít, mẹ nói nhiều. Sau khi hướng dẫn lấy nước tiểu/24 giờ, theo dõi chỉ có 1,6 lít/24 giờ. Chẩn đoán: tiếp tục theo hướng tiểu tiện nhiều lần.
Tiểu tiện nhiều lần chia làm 2 loại: thứ nhất, tiểu tiện nhiều lần, lượng nước tiểu nhiều; thứ hai, tiểu tiện nhiều lần, lượng nước tiểu ít.
Tuyến yên bị tổn thương gây bệnh đái tháo nhạt.Những nguyên nhân thuộc nhóm 1 gồm có:
- Đái tháo nhạt: lượng nước tiểu ít nhất tới 7 – 8 lít/ngày, cũng có thể tới 10 – 15 lít/ngày, chậm chí 40 lít/ngày ở người trưởng thành. Trẻ nhỏ 1 – 2 lít. Ngoài dấu hiệu tiểu tiện nhiều còn có các dấu hiệu mất nước, khát, uống nhiều, sút cân. Nặng hơn: sốt cao, trụy mạch, rối loạn điện giải.
Nguyên nhân của bệnh là do thiếu nội tiết tố chống bài niệu (ADH) của vùng dưới đồi tuyến yên. Có thể tiên phát do rối loạn sản sinh gây thiếu ADH hoặc thứ phát sau tổn thương: khối u (tại chỗ hoặc di căn) chiếm 30 – 50%; dị tật: đái nhiều, béo phì, chậm phát triển thần kinh và sinh dục. Di chứng sau viêm não, viêm màng não, chấn thương đáy sọ, tổn thương mạch máu, phẫu thuật não. Không rõ nguyên nhân: 30% các trường hợp. Thiếu ADH làm cho ống lượn ra ở thận không hấp thu nước dẫn đến tiểu tiện nhiều.
- Đái tháo đường có 2 loại: Loại I gặp ở người trẻ tuổi, tuy hoàn toàn không sản xuất insulin nên gây một bệnh cảnh ăn nhiều, uống nhiều, tiểu tiện nhiều, gầy nhiều, đường huyết tăng, có đường niệu. Loại II hiện nay là một bệnh rối lọan chuyển hóa hay gặp ở những người lớn tuổi béo phì, ít gặp hơn ở trẻ em béo bệu thừa cân. Bệnh cảnh lâm sàng không điển hình như loại I nhưng có thể có những bệnh cảnh nặng nề (hôn mê tăng áp lực thẩm thấu) nếu không kiểm soát được đường huyết.
- Ngoài 2 nguyên nhân trên còn phải kể đến: suy thận mạn, uống nhiều do loạn thần, uống nhiều nước ngọt, bia, ăn nhiều canh.
Nhóm thứ hai gồm có:
- Viêm nhiễm đường tiết niệu, đặc biệt viêm bàng quang gây triệu chứng đi tiểu buốt, đi tiểu rắt, xét nghiệm nước tiểu có nhiều bạch cầu, tiểu ra mủ gây ra do bệnh lậu.
- Các nguyên nhân khác gây rối loạn tiểu tiện là các dị tật bẩm sinh hoặc viêm nhiễm làm cho hẹp lỗ sáo, niệu đạo, bàng quang nhỏ, niệu đạo bị chèn ép do phì đại hoặc u xơ tuyến tiền liệt; yếu tố thần kinh trung ương hay ngoại vi.
Theo SKGĐ
Đinh Thị Mười