Ghép tim, kiêng tiệt "chuyện ấy"

Thứ tư, 27/06/2012, 14:54
Ngày mưa, con đường đang sửa từ trung tâm huyện Trực Ninh (Nam Định) về xã Trực Thái ngập ngụa bùn đất. Từ con đường lầy lội ấy, để vào được nhà anh Bùi Văn Nam còn phải đi vòng vèo qua nhiều con ngõ nữa.
 
Ngày định mệnh
 
Nhìn anh Nam khoẻ mạnh, tươi cười chạy ra tận đường đón khách, ít ai biết trước đây hai năm anh chỉ nặng 36kg, tự đứng một mình cũng khó chứ đừng nói đến việc chuyện trò hay đi lại. Gia đình hoàn toàn làm nghề nông, khi chưa phát bệnh tim anh Nam là lao động chính trong nhà. Suốt thời tuổi trẻ cũng đã bôn ba xuôi ngược, từ đào vàng đến làm đá đỏ, thợ xây. Tuy không sung túc nhưng cũng đủ để lo tiền ăn, tiền học cho hai đứa trẻ đang tuổi đến trường.
 
Đùng một cái, trong một buổi đi xây, đón viên gạch từ người phụ vữa chuyển sang, anh Nam xây xẩm mặt mày, toàn thân như bị rút hết sức lực, sau đó là khó thở.

“Khi không còn đi làm được nữa, mọi nguồn thu của gia đình hẹp lại, chồng ốm, cố dành dụm mua miếng thịt cho chồng bồi dưỡng mà ăn vào miếng nào lại nôn ra miếng ấy. Không còn gì đau lòng hơn” - chị Nguyễn Thị Láng, vợ anh Nam, nhắc lại như vẫn chưa quên những ngày đầu khốn khó của gia đình chị.
 
Gần bốn năm trời điều trị tại Bệnh viện 103, tiền bạc của nả trong nhà dần dần đội nón ra đi bằng hết kèm theo những món nợ lớn từ anh em thân cận đến hàng xóm láng giềng. Buồn nhất là hai đứa trẻ đang tuổi học hành nhưng phải “tự lập” vừa học vừa làm từ khi còn học phổ thông đến lên chuyên nghiệp.
 
“Mấy năm trời chầu chực, chờ đợi, cuối cùng chúng tôi nhận được tin vui từ bác sĩ về một người sẵn sàng hiến tạng với những chỉ số xét nghiệm phù hợp”. Lúc ấy, tại khoa tim mạch Bệnh viện 103 bệnh nhân Nam chính là bệnh nhân nặng nhất: suy tim độ 4, da tím tái, nặng 36kg, không ăn được, khó thở và trái tim luôn như bị bóp nghẹt.
 
“Năm ăn năm thua”
 
Cho đến giờ, bất kể ai hỏi về ca phẫu thuật hay sức khoẻ của mình, câu đầu tiên anh Nam nói luôn là: “Tôi vô cùng biết ơn người đã hiến trái tim cho tôi dù tôi không biết người đó là ai. Tôi cũng vô cùng cảm ơn các bác sĩ đã tận tình chăm sóc tôi không chỉ như một bệnh nhân mà như một người thân trong gia đình”.

Để có những lời cảm ơn sâu sắc ấy, để cuộc sống hồi sinh, anh Nam và gia đình mình cũng đã trải qua nhiều giây phút khó khăn khi trở thành “người đầu tiên”. “Không ai trong số người nhà dám ký vào lá đơn đề nghị mổ thay tim cho tôi bởi đều lo lắng rủi ro”.
 
Để trấn an người nhà, anh Nam nói với bố, một lão nông: “49 tuổi cũng là cái hạn lớn trong đời người, được hay mất đối với con không quan trọng nữa”.

Anh cũng nói với vợ cùng hai con: “Bao nhiêu tiền bạc gia đình mình tích cóp được từ ngày tôi còn đi đào vàng, làm thợ nề... đều đã vào bệnh viện, vợ con cũng đã hết lòng chăm sóc rồi nên nếu có xảy ra điều xấu nhất thì tôi cũng không ân hận”.
 
Tuy nhiên, đối với bản thân anh Nam thì anh cũng nghĩ “năm ăn năm thua”. Nhưng thà hoặc là ca mổ thành công để có thể khoẻ mạnh hoặc là thất bại để chết luôn chứ sống ăn không được, ngủ không được thì khổ quá. Thậm chí trong suốt thời gian chờ đợi ca phẫu thuật diễn ra, khi còn nằm ở Bệnh viện 103, sáng nào bác sĩ An (viện trưởng Bệnh viện 103) cũng hỏi câu duy nhất: Có quyết tâm không? Và câu trả lời của anh Nam luôn là: Tôi tin tưởng vào bác sĩ!
 
Và cả đến khi nằm trên băng ca trước khi vào phòng mổ, bác sĩ lại hỏi thêm một lần nữa: Anh có quyết tâm không? Anh vẫn cứng cỏi trả lời: Tôi giao phó tính mạng mình cho bác sĩ.
 
Và 24 giờ sau câu nói ấy anh Nam tỉnh dậy. Đưa tay sờ lên ngực mình, nơi có dải băng trắng toát được đính chặt trong tiếng reo lên bất ngờ của bác sĩ Kiều Văn Khương: “Tỉnh rồi!”.
 
Tỉnh rồi!
 
Đó là tiếng reo hân hoan không chỉ trong đầu anh Nam, của đôi bàn tay có thể cử động dứt khoát, của tiếng thở mạnh mẽ và tiếng trái tim đập thình thịch từ mạch máu phía mang tai, mà còn là tiếng reo hân hoan của ngành y học Việt Nam. Tiếng reo ấy đánh dấu sự trưởng thành và làm chủ công nghệ ghép tạng ở Việt Nam.
 
Trong vòng 30 phút sau tiếng reo tỉnh rồi ấy là các bác sĩ và những người đứng đầu ngành y, quốc phòng vào thăm. “Chẳng hiểu sao tôi chẳng cảm thấy đau, còn ngồi lên được để nói chuyện, chỉ có cảm giác hơi nhoi nhói ở ngực”.
 
Nhưng phải sáu tháng sau anh Nam mới được xuất viện. Khi vào phòng mổ chỉ có 36kg, khi rời phòng là 56kg, béo, trắng nhưng người phủ một lượt lông xanh rì mà theo lời anh Nam thì “trông như Tôn Ngộ Không”. “Nhiều người thân cũng ngỡ ngàng khi nhìn thấy”. Là người đầu tiên được ghép tim ở VN, các phương tiện truyền thông đều đưa tin nên làng trên xóm dưới đều biết.
Tim khác, yêu có khác?
 
Vậy nên sau ngày về của anh Nam, cả tháng trời nườm nượp người đến thăm hỏi. Cũng hàng tháng trời cả gia đình anh Nam chỉ có mỗi việc là “tiếp khách”. “Vui lắm, ai cũng muốn đến xem tận mặt tôi thế nào”.

Xem mặt, chuyện trò rồi thì cánh đàn ông lại xúm vào trêu: “Này, từ hồi có tim mới ông có còn yêu vợ nữa không đấy, hay muốn yêu gái trẻ?”. Hoặc cũng có những lời đồn hết sức buồn cười: “Ông Nam được ghép tim lợn nên từ ngày về quê không thích ăn cơm cứ đòi ăn cám và luôn miệng kêu eng éc!”.
 
Dù chỉ là những câu chuyện đồn đại lúc trà dư tửu hậu của đám đàn ông nhưng anh Nam cũng thú nhận: “Trong ba tháng đầu tiên, tôi luôn nghĩ đến cảm giác yêu đương như hồi trẻ. Thậm chí nhiều lần mơ ngủ lại thấy mình là một người khác với những hành động tinh nghịch như thời thanh niên son trẻ. Tuy thế nhưng đến giờ nếu không ai hỏi thì tôi không còn nghĩ đó là trái tim của người khác, bởi nó đã hoàn toàn thuộc về tôi”.
 
Dù cảm xúc là vậy nhưng sự thật thì: “Bác sĩ dặn tôi phải kiêng tiệt chuyện ấy. Thậm chí còn phải uống thuốc, nếu không sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến tim”. Và chuyện “kiêng” này buộc phải thực hiện cho đến tận cuối đời.

“Trước khi về bác sĩ cũng đả thông tư tưởng với vợ tôi rồi. Vậy nên việc “yêu” đối với chúng tôi thật sự chấm dứt. Những ham muốn nếu có và còn cũng chỉ trong giây lát ngắn ngủi” - anh Nam kết thúc câu chuyện như vậy.


Theo Tuoitre

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn