Từ khi phát hiện con trai đồng tính, ông Tùng tìm mọi cách "chữa bệnh" cho con nhưng không thành nên đâm ra chán nản, thất vọng. Cuối cùng với lý do cần có con trai nối dõi tông đường, ông đã đề nghị vợ ly hôn.
Nước mắt lưng tròng, bà Trang (46 tuổi) kể, 20 năm chung sống dưới mái nhà, bà và ông Tùng (53 tuổi) đã có với nhau một đứa con trai khỏe mạnh, học giỏi, diện mạo khôi ngô. Vì ông Tùng là "đích tôn" trong dòng tộc nên việc sinh được một người con trai nối dõi tông đường là niềm tự hào lớn lao của ông bà.
Việc phát hiện con là đồng tính khiến nhiều cha mẹ bị sốc.
(Ảnh minh họa)
Mặc dù từ lúc còn nhỏ, bé Thiện (tên cậu con trai) luôn thích chơi những trò con gái như hóa trang làm công chúa, chơi búp bê, bong bóng... song gia đình không hề nghi ngờ gì về giới tính. Đến khi Thiện bước vào tuổi dậy thì, em chỉ thích chơi với con trai, trong số những bạn nam em dẫn về nhà thì luôn có một người được em đối xử rất đặc biệt. Lúc này nhận thấy có điều gì đó khác lạ, bà Trang mới bắt đầu để ý.
"Năm cháu 17 tuổi, một lần đọc tin nhắn điện thoại của con, tôi mới biết nó có tình cảm yêu đương với một thầy giáo là gay. Tôi đã khóc rất nhiều và đau đớn tột cùng. Tôi nghĩ rằng mình đã tạo ra con thì phải làm mọi cách để nó trở nên như những gì mình muốn. Thế là tôi tìm cách cấm đoán", bà Trang kể.
Sau đó bà một mặt cấm không cho con trai qua lại với thầy giáo, một mặt tạo cơ hội cho Thiện tiếp xúc với bố, chơi thể thao nhiều hơn, đồng thời làm "mối" cho các cô gái với hy vọng con mình "nam tính" trở lại. Tuy nhiên tình trạng không những không được cải thiện mà còn trở nên tồi tệ hơn.
"Trước đây cháu học rất giỏi nhưng sau đó học hành suy sụp. Hằng đêm tôi thấy con nằm khóc một mình. Thầy giáo kia cũng gọi điện xin gặp tôi để nói chuyện nhưng tôi kiên quyết không tiếp. Mãi sau này biết thầy đã bỏ sang Mỹ, tôi vô cùng ân hận", người mẹ hiện là hiệu phó một trường mầm non ở TP HCM bộc bạch.
Sau gần một năm hai mẹ con sống cảnh "chiến tranh lạnh", biết không thể thay đổi được con nên bà Trang đã tìm đến chuyên gia tâm lý và các tổ chức cộng đồng nhờ giúp đỡ. Khi hiểu được những vấn đề mà con mình đang phải đối diện, người mẹ đã chủ động nói chuyện và hàn gắn mối quan hệ với con.
Tuy nhiên đến lúc này người cha vẫn không thể chấp nhận, ông tỏ ra buồn chán và yêu cầu con bằng giá nào cũng phải cưới vợ để gia tộc có người nối dõi. "Trước đây ông ấy tự hào và đặt kỳ vọng vào con thế nào thì bây giờ thất vọng, sụp đổ thế ấy. Tôi cũng giải thích chuyện lấy chồng lấy vợ phải có tình yêu mới chung sống cả đời với nhau được nhưng ông ấy không chấp nhận", người mẹ kể.
Vì không tìm được tiếng nói chung nên cả năm nay vợ chồng ông Tùng sống chung nhà nhưng không ai nói với ai lời nào. Mới đây ông nhắn tin qua điện thoại đề nghị hai vợ chồng ra tòa ly hôn với lý do đưa ra là ông cần có con trai.
Sau một thời gian suy nghĩ, bà Trang cho biết mặc dù không muốn kết cục gia đình như thế này nhưng vì thương con nên bà đành chấp nhận.
Trong email gửi chồng ngày 22/6, bà Trang viết: "Nếu bố xem mục đích duy trì nòi giống của dòng họ là duy nhất khi lập gia đình thì có thể tìm giải pháp ở một người phụ nữ khác. Em đã không dễ dàng gì khi nói lên điều này, nhưng không thay đổi gì được đâu. Em đã từng chết lên chết xuống khi nghĩ đến con, chính bố là người khuyên bảo dỗ dành em nhiều nhất. Nhưng cách bố nhìn con như một chứng nan y hết thuốc chữa đã làm em phải suy nghĩ lại".
Trong thư bà Trang cũng kể về quãng thời gian bà tìm hiểu về thế giới người đồng tính và tham gia những hoạt động của các bạn trẻ thuộc giới tính thứ ba này. Bên cạnh đó, những lần trò chuyện với các bậc phụ huynh cùng cảnh ngộ đã giúp bà hiểu con mình hơn.
Bà giãi bày với chồng: "Em đã tự hào về con biết bao nhiêu, nó không thể hiện diện trên đời này để chịu sự nhìn nhận thấp hèn như thế. Còn xấu hổ ư? Chưa bao giờ em cảm thấy mình ân hận vì đã tạo ra và nuôi dưỡng con trong suốt thời gian làm mẹ của mình. Chỉ thấy hối hận một điều là đã phản ứng thái quá và thiếu kiểm soát với con khi phát hiện ra con mình đồng tính".
"May mà con chúng ta là đứa được nuôi dạy tốt, biết hiểu và cảm thông với bố mẹ mình, biết đọc được tình thương vô bờ trong cơn điên loạn đó. Từ lúc đó, nhìn đâu em cũng lo sợ, sợ con bị bắt nạt, bị hiếp đáp, bị cô lập... những nỗi lo sợ vô cớ ám ảnh từng ngày mà trong đó, cái sợ lớn nhất chính là con đã không có được sự tự tin của một nhân cách hoàn thiện mà chỉ là một tâm lý yếm thế của kẻ bị dị nghị luôn phải đóng kín cánh cửa tâm hồn trước thế giới tươi đẹp và luôn rộng mở ngoài kia".
Bức thư của bà viết tiếp: "Bố có bao giờ nghĩ đến điều này? Có bao giờ tự hỏi con sẽ ra sao khi phải sống như thế? Có bao giờ thử đặt mình vào cái thế bị dồn ép, bị kỳ thị đầy bất công như con đang chịu hay chưa? Em không có lỗi khi sinh ra con, và con trai mình lại càng không có lỗi khi được chúng ta tạo ra như thế. Cho nên, chỉ duy nhất có một con đường là cùng song hành bên con. Không có sự lựa chọn nào khác. Em nghĩ là bố nên học cách thấu hiểu, thấu cảm nhiều hơn cùng với những người mà bố từng gọi là Gia đình".
Đề cập về đề nghị ly hôn, bà Trang bộc bạch với chồng rằng bà thực sự không muốn một kế cục như vậy. "Ly hôn không phải là giải pháp tốt nhất, vì thật em không tìm được lý do gì để trình bày trong đơn xin ly hôn".