Một cán bộ bưu chính cấp phường ở thành phố Hà Nội cho biết: “Trong một năm, dù là dịp lễ tết đi chăng nữa chúng tôi cũng không vất vả bằng những ngày này. Có hàng ngàn giấy báo nhập học được gửi đi. Trung bình mỗi em sẽ nhận được khoảng trên mười giấy báo nhập học”.
Một bạn trẻ tên Quân chia sẻ: "Bố mẹ em đang mong ngóng giấy báo nhập học từ ĐH Bách Khoa mà em dự thi nhưng đã bị mừng hụt lên đến cả chục lần. Bây giờ những giấy báo gửi đến đã không còn làm bố mẹ em hồi hộp như trước. Có những giấy báo còn không buồn bỏ ra xem”.
Bên cạnh việc gửi giấy báo nhập học, nhiều trường còn “săn đón” học sinh bằng cách gọi điện trực tiếp hoặc nhắn tin. Bạn N.A cho biết: "Cách đây một tuần, em có nhận được một cuộc gọi điện của một người xưng là ở ban tuyển sinh của trường ĐH ở Sơn Tây (Hà Nội), báo rằng em có thể về trường nhập học và mang theo một số giấy tờ cần thiết. Suy nghĩ rồi liên lạc lại vào số máy này".
Một bạn học sinh khoe tập giấy nhập học nhận được những ngày qua.
Vì sao lại có những “cơn mưa” giấy báo nhập học như vậy?
Năm học 2012-2013, Bộ Giáo dục - Đào tạo yêu cầu các trường trên cả nước: “Không được phép gửi giấy mời nhập học cho thí sinh không dự thi, không nộp đơn xét tuyển nguyện vọng tiếp theo vào trường đó”. Thế nhưng, nhiều trường đã đi ngược lại với yêu cầu của Bộ, vẫn ồ ạt gửi giấy báo nhập học cho các thí sinh.
Hiện nay, có rất nhiều trường ĐH, CĐ tốp dưới mới thành lập, do chưa tạo được những dấu ấn để thu hút học sinh học tập. Trong khi đó, nếu không tuyển đủ chỉ tiêu mà Bộ giao, các trường sẽ đứng trước nguy cơ phải đóng cửa.
Không còn cách nào khác, nhiều trường ĐH, CĐ và trung cấp chuyên nghiệp lập kế hoạch, triển khai việc gửi giấy nhập học, giấy báo tập trung đến địa chỉ của từng học sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT và ĐH, CĐ với mong muốn “lôi kéo” được một số lượng nào đó các em tới học.
Lãng phí tiền của và gây cảm giác hoang mang cho học sinh
Việc gửi giấy nhập học ồ ạt nêu trên, trước hết gây ra sự lãng phí lớn về tiền bạc. Trung bình mỗi em học sinh nhận được từ 8-10 giấy báo nhập học mà với con số hơn một triệu học sinh dự thi ĐH, CĐ và THCN như hiện nay thì giá tiền tem, phong bì thư đã lên tới vài chục tỉ đồng, chưa kể công soạn thảo, làm giấy… Đây là những con số biết nói, vì với số tiền đó, ta có thể làm được nhiều điều ý nghĩa hơn thế.
Cảm giác của hầu hết học sinh khi nhận được số lượng giấy báo nhập học nhiều như vậy đều rất hoang mang và không biết phải làm thế nào. Những học sinh thi đỗ ĐH, CĐ khi nhận được những giấy báo như vậy thì tỏ ra thờ ơ, không quan tâm.
Thậm chí những phong bì đề tên trường Trung cấp nghề, CĐ… chưa được bóc ra xem đã được cho vào… nhóm bếp. Mặt khác, những bạn không đi thi hoặc không thi đỗ cũng muốn lựa chọn cho mình một trường để đi học nhưng băn khoăn không biết chọn trường nào.
Bạn Hà Kiều Trang, học sinh một trường THPT tại Phú Thọ cho biết: Năm nay em không đi thi ĐH và dự định sẽ xin xét tuyển vào một trường trung cấp. Nhưng trong vòng một tuần qua, em đã nhận được 11 giấy báo nhập học. Hiện giờ em rất băn khoăn không biết phải chọn trường nào cho phù hợp”.
Về phía những bạn học sinh, đứng trước hiện tượng trên cũng cần có những chính kiến và định hướng cho riêng mình. Bởi bên cạnh những trường công lập có chất lượng, hiện nay có rất nhiều trường dân lập tìm đủ cách để tuyển sinh. Khi nhập học, học phí rất cao và chương chình đạo tạo còn nhiều điểu để bàn cãi gây ra những thiệt thòi cho học sinh.
Những việc làm “lách luật” của các trường như trên đang gây ra những bức xúc rất lớn cho toàn xã hội. Thiết nghĩ, thay bằng việc chiêu mộ học sinh một cách bừa bãi như vậy, các trường nên xây dựng cho mình một thương hiệu để học sinh tự tìm đến học, tránh tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” như hiện nay.
Phát biểu trên một tờ báo cách đây ít lâu, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục - khoa học Hà Nội cũng đã nhận định: “Rất nhiều trường đang chạy đua để giành thí sinh. Để không trở thành 'con mồi' cho các trường thiếu uy tín, thí sinh nên dựa vào khả năng và điều kiện của mình để chọn trường và nghề phù hợp”.