Giá xăng và sức chịu đựng

Thứ tư, 15/08/2012, 07:46
Chỉ trong  tháng 8.2012, giá xăng dầu đã tăng liên tục 2 lần.  Người dân lại phải tiếp tục chịu đựng. Báo chí đã ghi nhận sự chịu đựng của xã hội trước áp lực hình thành một mặt bằng giá mới.


>> Thôi đừng hỏi nữa dân ơi

>> Lợi ích nhóm đang chi phối trong việc điều hành giá xăng dầu?
>> Xăng tăng giá, sản xuất khó càng thêm khó
>> Thị trường xăng dầu lại méo mó
 

Nông dân giảm lợi nhuận

Bà Hoàng Thị Vẽ, thôn Hòa Nam 1, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn (Đắc Lắc) có hai hecta càphê, mỗi năm tiêu thụ 1.000 lít dầu diesel. Đợt tăng giá này khiến gia đình bà mất thêm gần 1 triệu đồng/năm cho phí nhiên liệu chưa kể giá cả vận chuyển vật tư, sản phẩm và các chi phí khác tăng theo giá xăng dầu.

“Khoản chi nào cắt giảm được đều cắt hết rồi, bây giờ chỉ còn cách là giảm nhân công thuê mướn, với chi phí này mà thuê mướn nữa là hết lời” - bà Vẽ chia sẻ.

 


Nhiều nông dân khác cũng cho hay, họ đã nỗ lực giảm chi phí sản xuất, nhất là tưới nước và bón phân. Nếu tiếp tục cắt giảm sẽ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây. Với đợt tăng giá mới này, đa số nông dân đều cho rằng không thể cắt giảm thêm chi phí, đành chấp nhận giảm lợi nhuận.

Công nhân giảm tiền ăn, bán xe máy

Công nhân Lê Thị Lan (20 tuổi, Khu Công nghiệp Amata, TP. Biên Hòa) chia sẻ, chỉ trong vòng 1 tháng mà xăng tăng giá đến 2 lần khiến tiền lương  dùng để chi tiêu hằng ngày của cô liên tục bị “âm” nặng. Chị Lan cho biết, cô nhận mức lương khoảng 2,5 triệu đồng/ tháng chỉ vừa đủ cho các khoản chi tiêu ngày hàng.

“Nay xăng tăng giá lên 1.100 đồng/ 1 lít khiến  tôi muốn bỏ quách xe máy để đi bộ cho tiết kiệm, nhưng do phải làm việc trong khu công nghiệp Amata, đường rất xa xôi nên phải cắn răng mà đổ xăng. Bởi vậy, tôi đành phải cắt bớt tiền ăn vốn đã rất eo hẹp để chuyển qua tiền đổ xăng”.

Công nhân Phan Anh Hào (25 tuổi, ngụ P. Long Bình, TP.Biên Hòa) cho biết, xăng tăng giá đồng thời chủ nhà trọ thông báo chuẩn bị tăng giá tiền phòng trọ lên 50.000 đồng/ 1 tháng. Bước ra khỏi phòng trọ, ra tới chợ thì cái gì cũng đã tăng lên một ít, từ bó rau tới con cá đều đã có giá cao hơn trước.

Trong khi đó, xăng thì vẫn phải đổ để đi làm, tiền phòng trọ vẫn phải đóng nếu không muốn bị đuổi, thực phẩm hàng ngày thì vẫn phải mua, còn tiền lương thì bất động.  “Tháng tới tôi sẽ chuyển phòng trọ tới gần nơi làm việc rồi bán xe máy, mua xe đạp để đi làm, giảm chi phí được đồng nào thì cuộc sống đỡ khó khăn hơn phần nào, để còn dành dụm gửi tiền về cho gia đình” - Hào nói.

Sinh viên cam chịu

Phạm Thị Thu Hằng (Sinh viên năm 4 trường Đại học Văn Hiến, TP. HCM), nói: “Mỗi tháng tôi tiết kiệm lắm cũng tốn 300 ngàn đồng tiền xăng. Mỗi tháng gia đình gửi cho 2 triệu đồng. Tiền thuê nhà đã 700 ngàn đồng đồng, tiền xăng 300 ngàn đồng, tiền ăn 900 ngàn đồng. Còn đúng 100 ngàn đồng để tiêu vặt. Nay giá xăng tăng kiểu này coi như mình mất khoản tiêu vặt. Muốn có tiền dằn túi thì lại phải ăn uống bóp thắt lại”.

Nguyễn Thị Như Yên (nhân viên công ty TNHH xuất khẩu hàng may mặc Lê), chia sẻ: “Tôi đi làm mỗi ngày hơn 30 cây, trung bình 2 ngày tôi đổ 50 ngàn đồng tiền xăng. Với giá xăng mới, tôi phải bù thêm một khoản tiền không nhỏ. Lương mới ra trường được 3,5 triệu đồng, đã mất 500 ngàn đồng tiền xăng rồi còn tiền nhà, tiền ăn uống.... Sắp tới, các mặt hàng khác cũng tăng thì chúng tôi biết sống kiểu gì! Mình phải chịu chứ biết làm thế nào”.

 

Theo Lao Động

Các tin cũ hơn