Gặp cô gái viết về "bãi biển mại dâm" số 1 miền Bắc
Chủ nhật, 12/08/2012, 13:36
Mấy ngày qua, entry về " thiên đường sung sướng" ở biển Quất Lâm (Nam Định) của một nữ blogger gây sốt. Mất khá nhiều thời gian, cuối cùng chúng tớ cũng liên lạc được để trò chuyện với cô gái này.
Chủ nhân của bài viết tên Nguyễn Phương Linh, sinh năm 1990 (ở Hà Nội) mà theo cô nói thì "là cái năm lỡ cỡ, chuyển giao giữa 8x đời cuối và 9x đời đầu". Phương Linh chia sẻ, năm cô bạn học lớp 6, vì một vài biến cố, gia đình mình chuyển xuống Hải Phòng.
Ở trường mới, Linh mau chóng trở thành “cây” văn nghệ, thường xuyên tham gia vào các hoạt động Đoàn Đội. Món “tủ” của Linh là đóng kịch, cô bạn từng đoạt vài giải thưởng nhỏ với vai diễn “Nàng tiên nâu” - nói về tệ nạn ma túy.
Phương Linh trò chuyện thẳng thắn và cởi mở, nhưng cô bạn cũng giữ ý định không "lộ mặt" trực tiếp ở những bức ảnh.
Đến năm lớp 7, Linh được chọn vào Đội thiếu niên tình nguyện phòng chống HIV/AIDS của trường. Hồi đó ở Hải Phòng có vài trường cấp II tổ chức hoạt động này, trong đó có trường Quang Trung, Lê Lợi, Chu Văn An... Sau đó, cô bạn gắn bó với công việc tình nguyện cho đến tận năm 2010, lúc đang học đại học.
Entry gây sốt của Linh
Entry "Quất Lâm kí sự" của cô được viết mới đây, sau lần làm tình nguyện gần nhất của mình ở bãi biển này. Linh không ngờ, entry của mình lại gây sốt như vậy. Chính bản thân cô cũng shock, điều đó được thể hiện ngay trong entry mới nhất " Gồng mình đỡ ta".
Khi tìm cách liên lạc với Linh, phải mất vài ngày, chúng tôi mới nhận được phản hồi. Thì ra Linh đang đi du lịch tại Hàn Quốc. Những lần liên lạc ngắt quãng giữa chuyến đi cuối cùng cũng giúp chúng tôi có thể trao đổi thẳng thắn với Linh về entry này, cũng như về công việc tình nguyện đặc biệt của cô.
Chào Phương Linh, những ngày qua có lẽ bạn rất "bận rộn" khi bỗng nhiên nổi tiếng nhỉ?
Như đã viết trong một entry gần nhất, mình dường như phải " Gồng mình gỡ ta" khi nhận được hàng loạt tin nhắn, comment... của rất nhiều người. Một mặt cũng khá vui vì những gì mình viết, mình chiêm nghiệm đã được nhận được sự quan tâm, tán thành, nhưng mặt khác, mình cũng bị soi mói nhiều và cho rằng một cô gái làm tình nguyện mà lại ăn nói không có tính xây dựng, bỗ bã... Nói chung là khá phiền khi bị chú ý thái quá, mà nhất lại hiểu sai về mình.
Nhưng đó là điều tất nhiên khi viết về mại dâm, đề tài sẽ rất dễ gây chú ý? Thường thì một blogger phải thích thú khi mình nhận được nhiều sự chú ý, quan tâm chứ?
Là một người có máu tình nguyện, nên khi đến tận mắt chứng kiến sự đời bãi biển Quất Lâm, mình nghĩ mình phải viết một cái gì đó. Báo chí đã viết về Quất Lâm nhiều rồi, nhưng entry của mình gây chú ý đấy thôi, chứ mình không chủ định gây chú ý.
Đối với mình, viết blog là để trải lòng, nếu có người đọc, quan tâm thì rất thích, nhưng nếu ngược lại thì sẽ cảm thấy phiền, thế thôi.
Trong entry của mình, bạn có chia sẻ, công việc tình nguyện của mình là đi phát Bao cao su (BCS) và tuyên truyền phòng tránh HIV cho các cô gái mại dâm, bạn có thuyết phục được những cô gái đấy không?
Thực ra mình đã trải qua nhiều công tác tình nguyện và công tác xã hội, chứ không chỉ là đi phát BCS. Ví dụ như thuyết trình cho thanh thiếu niên về tác hại và cách phòng tránh HIV/AIDS, tuyên truyền về sức khỏe sinh sản tuổi học trò, tư vấn và giải đáp thắc mắc về sức khỏe tình dục…
Về việc thuyết phục những cô gái này, mình và các bạn làm thường xuyên. Khoảng 10% các cô đã từ bỏ công việc. Có thể bạn chưa biết, nhưng với công tác này, đây là một con số khá cao.
Bạn đã nói những gì với những cô gái hành nghề mại dâm, họ đã phản ứng ra sao?
Nói nhiều lắm. Tùy vào tính cách, độ tuổi và hoàn cảnh của họ, chúng mình sẽ có những “bài” khác nhau. Nói về những mối nguy hiểm có thể xảy đến với họ. Nói về lòng tự trọng, về tình yêu, về lẽ sống, nói về tương lai nữa …
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, chỉ khoảng 10% các cô từ bỏ công việc. Vì theo cái lý của các cô ấy thì với khả năng của các cô, khó mà kiếm được một công việc nào thu nhập cao như thế.
Vì “lợi nhuận” cao như thế, nên họ sẵn sàng đánh đổi. Những người này họ phớt lờ chúng mình, và thường tỏ thái độ bất cần. Nhiều cô còn độp lại là, “chắc gì các cô đã kiếm được nhiều tiền như bọn tôi?”.
Với những người lười biếng và sẵn sàng bán mình để hưởng thụ như thế, thú thật mình không thể nào ưa nổi, cũng chẳng có hứng mà tuyên với chả truyền.
Bạn có thể kể một trường hợp trong số 10% các cô gái được thuyết phục được không?
Đó một cô bé sinh năm 1993, ở Hà Nội. Vì giận bố mẹ, cô bé đã dạt nhà và khi hết tiền rồi thì bán dâm, chat sex để sống qua ngày. Mình đã kiên trì khuyên nhủ, hết lần này đến lần khác, cuối cùng, cô bé đã trở về nhà và đi học tiếp. Hiện cô bé đang là tân sinh viên (vì phải học lại 1 năm) và làm chủ một shop quần áo online.
Đến bây giờ thỉnh thoảng hai chị em mình vẫn gặp gỡ, trao đổi. Cô gái ấy đã có một thời gian bị stress tột độ nhưng bây giờ đã ổn hơn.
Trước những lời "làm nghề này không vất vả, lại thích mà lại có tiền nữa" mà bạn viết trong entry, đã có nhiều người đã không tin lời mà bạn nói. Sẽ có rất nhiều đau đớn về thể xác mà những cô gái bán dâm phải chịu, nếu là ngồi tâm sự trước một tình nguyện viên chân thành, họ sẽ không nói như vậy. Bạn nói sao về điều này?
Thực tế thì có khá nhiều cô gái mại dâm “chuyên nghiệp” và “yêu nghề”. Với những người đó, họ không mấy khi bị “đau đớn về thể xác” đâu. Nếu lỡ bất trắc xảy ra, họ cũng coi đó là “tai nạn nghề nghiệp”.
Tuy nhiên, cũng có một số khác, vì hoàn cảnh nên bắt buộc phải bán thân. Với những người này, họ "hiền"hơn, vì vậy chúng mình thường tập trung tâm sự, chia sẻ, khuyên nhủ, đôi khi còn giới thiệu việc làm khác cho họ.
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng việc phát BCS cho gái mại dâm là vô nghĩa, khi nhu cầu sử dụng BCS lại phụ thuộc vào "khách", bạn nói sao về điều này?
Cũng tùy nơi. Như ở Quất Lâm thì trong đa số trường hợp, khách đừng hòng “chơi trần”. Các cô kể, họ sẵn sàng phản kháng, bỏ chạy khi bị khách ép, và chủ chứa không phạt các cô vì điều này.
Họ sợ các cô bị bệnh, hoặc khách bị bệnh, họ sẽ bị mang tiếng. Nói ra thì buồn cười, mặc dù kinh doanh bất hợp pháp, nhưng mình thấy họ còn hiểu “nguyên tắc kinh doanh” hơn nhiều chủ cửa hàng, doanh nghiệp ở thành phố nữa.
Trong rất nhiều công việc tình nguyện, tại sao bạn chọn công việc này?
Mình cũng không biết nữa. Có lẽ mình có duyên với nó.
Là một cô gái trẻ, bạn có nghĩ suy nghĩ của mình "già"?
Có chứ. Chắc là những gì trải nghiệm đã khiến suy nghĩ của mình già trước tuổi như vậy. Và mình thích suy nghĩ "già" của mình, điều này giúp mình cảm thấy mình dễ thích nghi với nhiều thứ trong cuộc sống.
Trong thế giới ảo, bạn là một blogger thẳng tưng, được nhận xét là cá tính, còn ở ngoài đời bạn là một cô gái như thế nào?
Mình tự nhận xét bản thân là một đứa “rất phức tạp”. Ngay trong việc viết, có lúc mình thích viết kiểu đốp chát mỉa mai, có lúc lại thích viết kiểu sâu lắng, dịu dàng. Ngoài đời thực cũng vậy, có lúc mình theo phong cách tomboy, lúc lại váy xòe nơ hồng, có khi còn mặc cả trang phục lolita nữa.
Tương lai bạn sẽ viết những gì?
Mình không chăm viết lắm, và viết kiểu tùy hứng. Nên mình cũng không biết nữa. Có thể là kể thêm vài kỉ niệm đặc sắc. Có thể là viết truyện, mình thích viết truyện lắm, thích cả vẽ truyện tranh nữa. Hoặc cũng có thể, không viết gì tiếp cả.
Bạn có muốn mình trở thành một hot blogger - tiếng nói có ảnh hưởng đến nhiều người như nhiều blogger có tiếng hiện giờ hay không?
Không. Thứ nhất, mình không nghĩ mình đủ khả năng. Thứ hai, mình thấy không hay ho gì khi mang danh là một hot blogger chuyên viết về sex-shock. Thứ ba, mình sợ “được” hot. Mất riêng tư lắm. Thứ tư, đây không phải điều mình thích làm.
Ước mơ của một cô gái làm tình nguyện cá tính là gì?
Bây giờ mình không còn làm công tác tình nguyện nữa. Nhưng cái “chất” của tình nguyện viên thì vẫn còn.
Mình nhận ra rằng, nếu chỉ là một cô gái nhỏ, những gì mình làm được cũng nhỏ nốt. Muốn làm được điều gì lớn lao hơn, phải tự nâng tầm bản thân trước đã.
Mình học về quản trị kinh doanh. Mơ ước của mình là có thể làm chủ một doanh nghiệp đủ lớn, đủ mạnh, đem lại công ăn việc làm cho nhiều người, đặc biệt là nữ giới ở nông thôn, hoặc các cô gái bán hoa đã hoàn lương. Việc này chắc chắn là rất khó, nhưng mà, không thử sao biết.