Hiện tượng sụt lún đất ở xã Ninh Dân đang ngày càng gia tăng. Nếu trước đây, việc sụt lún đất chỉ tạo thành những hố rộng như miệng giếng và sâu chừng 5 m, thì hiện nay, nhiều nơi mặt đất sụt lún tạo thành những hố to tới 50 m2, với độ sâu lên tới 10 m.
Sụt lở tại khu bếp, nhà vệ sinh của gia đình bà Thanh
Rạng sáng 20/7, tại khu nhà bếp của bà Nguyễn Thị Thanh bất ngờ xảy ra sụt lún đất với đường kính hố khoảng 7 - 8 m, sâu 6 - 7 m. Bà Thanh kể: “Cả gia đình đang say giấc, bỗng nhiên bị đánh thức bởi tiếng động như sấm. Mọi người choàng tỉnh chạy ra xem thì thấy một hố sâu to tướng ngay khu bếp. Cũng may là chỉ có chiếc lồng đựng gần 20 con gà bị vùi”.
Trước đó, tại khu vườn nhà bà Thanh cũng 2 lần xảy ra sụt lún đất và tạo thành 2 hố sâu gần chục mét.
Sụt lún gần nhà ông Sơn
Mới đây, ngày 8.8, ông Đinh Sỹ Sơn - một người dân ở khu 4 (xã Ninh Dân) - suýt chết trong một vụ sụt lún.
“Tôi đang hái rau để nấu cơm thì đột nhiên nghe tiếng ùm ùm và tôi bị kéo theo chỗ đất sụt. Rất may đất chỉ sụt lún đến ngang ngực, chứ nếu sụt như đằng sau nhà (trước đây - PV) thì chắc tôi đã bị chôn sống rồi”, ông Sơn nói.
Qua khảo sát, hiện trong phần đất thổ cư nhà ông Sơn xuất hiện tới 5 điểm sụt lún, trong đó có 2 hố được xếp vào hàng “khủng” với độ sâu tới hơn chục mét.
Ông Vũ Đức Cường, một người dân sống lâu năm ở khu 3, cho biết kể từ khi xưởng khai thác mỏ thuộc Công ty CP đầu tư và xây dựng HUD - ICC về đây để nổ mìn khai thác đá cung cấp cho Công ty CP xi măng Sông Thao thì tình trạng sụt lún đất bắt đầu diễn ra.
Một hồ khai thác đá của xưởng khai thác mỏ thuộc Công ty HUD - ICC, chỉ cách khu dân cư khoảng 200 m. Hồ khai thác đá sâu ngót trăm mét, rộng nhiều héc ta này là tác nhân gây mất nước ngầm sinh hoạt của các hộ dân nơi đây. Cũng theo người dân, mỗi lần mỏ cho nổ mìn khai thác đá, cửa kính trong nhà thường xuyên bị vỡ.
Trao đổi với Thanh Niên, TS Nguyễn Quốc Thành - Trưởng phòng Phát triển công nghệ và kỹ thuật môi trường, Viện Địa chất (Viện Khoa học - Công nghệ Việt Nam), cho biết: Hiện tượng sụt lún đất ở xã Ninh Dân là do nước bị mất, trôi đi trong một thời gian dài nên tạo thành các hang ngầm gây ra các hố sụt.
Ông Thành cũng chỉ rõ việc khai thác đá vôi bằng mìn tại khu hồ gần đó là một trong những nguyên nhân dẫn tới nền móng yếu có hang hốc ngầm nên dẫn đến hiện tượng sụt lún đất. Theo ông Thành, việc hình thành một hồ lớn và sâu như vậy gần một khu dân cư là điều rất nguy hiểm, bởi chính hồ này sẽ lấy hết nước ngầm và dẫn tới việc hình thành các hang ngầm.
Theo thống kê của Phòng NN-PTNT H.Thanh Ba, hiện tượng sụt lở đất tại Ninh Dân gây ảnh hưởng tới 450 hộ dân với nhiều cấp độ khác nhau. Trước tình trạng sụt lún đất nói trên, chính quyền H.Thanh Ba và Công ty CP xi măng Sông Thao mới chỉ di dời được 88 hộ dân khỏi khu vực nguy hiểm.
Ông Khúc Văn Đức, Phó chánh văn phòng UBND H.Thanh Ba, cho hay: do số hộ dân phải di dời nhiều, kinh phí lớn và chưa có, nên việc di dời các hộ dân đang gặp nhiều khó khăn. Tới năm 2015 sẽ di dời hết hơn 400 trăm hộ dân ra khỏi vùng sụt lún.