"Có thiếu nữ bảo mấy hôm nay em ăn không được, mua que về thử thì thấy 2 vạch rồi. Mấy hôm sau, em đó thản nhiên nói 'đã xử lý xong'. Có cậu trai hỏi 'Chúng em vừa quan hệ xong, đặt thuốc tránh thai khẩn cấp có được không?'"...
Những trường hợp này được một cô giáo cấp 3 ở Nghệ An tổng hợp từ các học trò của mình và ghi vào một bức thư, vừa được tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội chia sẻ tại Hội nghị quốc gia về Tình dục và Sức khỏe diễn ra ở Hà Nội.
"Những điều mà cô giáo đó kể cũng chính là thực trạng mà thanh thiếu niên Việt Nam đang sống ngày hôm nay. Tôi đã nghe những lời tâm sự của các cô gái vì không thể thuyết phục bạn trai dùng biện pháp ngừa thai để rồi phải trải qua biết bao đau đớn dằn vặt khi phải bỏ đi kết quả tình yêu của họ.
Có những người phụ nữ lại bị chồng hắt hủi vì bị nghi ngờ không còn trong trắng… Đau lòng hơn cả là chuyện những đứa trẻ non nớt bị xâm hại tình dục", tiến sĩ Hồng nói.
Sự gia tăng các vụ xâm hại tình dục trẻ em, hiếp dâm, có thai ngoài ý muốn và nạo phá thai của vị thành niên… đã trở thành nỗi đau nhức nhối của toàn xã hội. Thế nhưng đến nay, quan điểm đối với giáo dục tình dục: cấm đoán, bỏ mặc hay định hướng, dẫn dắt vẫn chưa được xác định rõ ràng. Thêm vào đó, sự ngần ngại khi thảo luận càng khiến tình dục trở thành một chủ đề nhạy cảm.
Có rất nhiều bạn trẻ hiện nay chưa hiểu hết về kiến thức tình dục
Theo thạc sĩ Trần Giang Linh, Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội thì ở Việt Nam vẫn tồn tại quan niệm phổ biến cho rằng tình dục là bản chất tự nhiên, không cần phải dạy. Có người lo lắng rằng giáo dục tình dục "sớm" sẽ khuyến khích thanh thiếu niên quan hệ sớm hơn.
Thực tế các chuyên gia cho rằng dù có "nhốt hươu" thì "hươu" vẫn chạy bất luận phía trước là điều gì. Những kết quả từ nghiên cứu về sức khỏe gia đình Việt Nam (2009-2010) do Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội thực hiện là một minh chứng.
Theo kết quả này, trong số hơn 5.000 người từ 18 đến 65 được hỏi, tỷ lệ quan hệ tình dục trước hôn nhân là gần 23%, trong đó nam giới hơn 33%, ở nữ là gần 14%. Cứ 5 nam giới được hỏi thì một người cho biết có quan hệ tình dục với người vừa mới quen, so với nữ là 2%. Tuổi quan hệ tình dục lần đầu sớm nhất là 12.
Bên cạnh đó, hơn một nửa số người tham gia nghiên cứu chia sẻ không biết gì về tình dục khi ở độ tuổi 14.
Trong khi đó, tỷ lệ nạo phá thai lại rất cao, lên đến gần 20% số nữ giới được hỏi. Đặc biệt, khoảng 13% phụ nữ chưa kết hôn từng có thai.
"Rõ ràng các thực hành liên quan đến quan hệ tình dục trước hôn nhân đang diễn ra. Thế nhưng, thanh thiếu niên Việt Nam lại bị 'bịt mắt'. Gia đình và xã hội đều im lặng, né tránh, trì hoãn hoặc thậm chí từ chối cung cấp các kiến thức về các vấn đề liên quan đến tình dục cho họ", thạc sĩ Linh nói.
Tuy nhiên, gia đình và xã hội lại trông chờ thanh thiếu niên "bịt mắt" mà vẫn “bắt được dê”.
Họ được trông đợi phải tự mình mày mò tìm đúng cách để có thể tự bảo vệ mình khỏi HIV và các hậu quả tiêu cực khác như: mang thai ngoài ý muốn, lây nhiễm các bệnh hoa liễu..., thạc sĩ Giang cho biết.
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng cho rằng: “Đã đến lúc chúng ta phải có thái độ dứt khoát. Chúng ta không thể 'nhốt hươu' mãi được nữa, không thể bỏ mặc cho 'hươu chạy' để rồi đuổi theo kêu cứu. Mà ngược lại cần phải chỉ cho 'hươu' chạy đúng đường, để xóa mù về tình dục”.
Theo bà, kiến thức về tình dục không chỉ cần cho giới trẻ mà cần cho cả người lớn và người già. Không chỉ trẻ con mà cả cha mẹ, ông bà cũng phải học. Vì vậy, tình dục không chỉ được dạy ở nhà trường mà phải được dạy ở cả gia đình, cộng đồng và xã hội.
Đồng tình với quan điểm này, nhiều chuyên gia cho rằng cần phải đưa giáo dục giới tính vào nhà trường. Tuy nhiên, thực tế việc này vẫn còn hạn chế do vấp phải nhiều rào cản từ vấn đề tâm lý ngại ngùng của cả giáo viên và học sinh.
Ở nhiều nước trên thế giới, trẻ được dạy về giới tính từ rất nhỏ. Nhưng ở nhà trường Việt Nam, việc dạy sức khỏe sinh sản, giáo dục giới tính cho học sinh, sinh viên vẫn chưa được chú trọng đúng mức, chỉ lồng ghép vào các môn học. Một số trường cũng mời chuyên gia về nói chuyện về giới tính các em nhưng cũng chỉ là “cưỡi ngựa, xem hoa”.
Theo thạc sĩ Trần Thị Huyền, Đại học An Giang, học sinh rất thích học nội dung giáo dục sức khỏe sinh sản nhưng không dám học công khai, còn tâm lý ngại ngùng xấu hổ. Trong khi đó, giáo dục sức khỏe sinh sản chưa trở thành một môn học nên giáo viên chỉ dạy dưới dạng lồng ghép. Ngoài ra, phương pháp dạy của giáo viên không thu hút học sinh, giáo viên còn né tránh khi dạy các nội dung này.
Vì thế, để thay đổi những trở ngại tâm lý của các em khi học các nội dung này không đơn giản. Tuy nhiên, có thể hạn chế tối đa những trở ngại đó bằng các phương pháp dạy học tích cực và thảo luận nhóm. Bên cạnh đó, giáo viên phải tạo cho học sinh ứng thú, tích cực trong học tập.
Bản thân họ cũng phải có chuyên môn vững về nội dung này, đồng thời phải gỡ bỏ rào cản tâm lý của chính mình khi dạy về sức khỏe sinh sản.