Minh oan cho con đỉa

Thứ sáu, 10/08/2012, 15:58
Đỉa không chỉ là một vị thuốc quý mà còn làm sạch môi trường. Điều kỳ thú là đỉa chỉ cắn vào những vùng sinh học có lợi cho cơ thể con người và động vật, khi đỉa cắn vào những vùng đó làm khí huyết lưu thông và chất độc bị hút đi theo máu.
Ruộng nào có nhiều đỉa thì trâu bò không bị bệnh...
 
Trong tự nhiên, các loại đều có vị trí, chúng vừa chế ước nhau vừa thúc đẩy nhau sinh sôi phát triển; mỗi loài, mỗi giống đều có “chức năng nhiệm vụ” của mình. Thiên nhiên tự mình biết điều tiết sao cho thích hợp, không cần đến sự can thiệp của con người, can thiệp vào sự tuần hoàn của thiên nhiên, con người chỉ chuốc lấy sự thiệt hại.

Trên chân ruộng có con đỉa. Đỉa là giống mà giới trí thức chưa bao giờ ưa thích. Nó không có “địa vị” tốt đẹp gì trong văn chương thơ phú, người ta chỉ dùng nó để chửi bới: “Đồ đỉa đói”, “đồ đỉa hút máu”…
 
Vừa rồi “đùng một cái” người Trung Quốc sang Việt Nam mua đỉa với số lượng lớn, giá cao tới 10.000 đồng/con, 1,5 – 2 triệu đồng/kg. Các phương tiện truyền thông bình luận xôn xao. Trong khi nông dân ở nhiều nơi tranh thủ gom đỉa bán kiếm tiền, nhiều người còn có ý định nuôi đỉa để kinh doanh.
 
Các chuyên gia thì lên tiếng cảnh báo: Hãy cảnh giác với tình trạng như ốc bươu vàng! Còn các trang mạng thì không ngớt la lối về “âm mưu phá hoại” của Trung Quốc. Rằng không nên nuôi đỉa, nuôi đỉa lợi bất cập hại, rằng đỉa sẽ sinh sôi nhiều, khi Trung Quốc không mua nữa thì không diệt được, rằng đỉa là giống “sinh sản vô tính”, dù có đốt cháy nhưng nếu còn tế bào thì vẫn sẽ sinh ra đỉa, rất nguy hiểm cho môi trường…
 
Tôi đem chuyện thời sự này hỏi ông Ưng Viên. Ông bảo con đỉa chỉ có lợi cho con người và môi trường, hoàn toàn không gây hại gì.
 
Con đỉa có nhiều tác dụng trị bệnh.
 
 
Sách “Nguyễn Phúc tộc Dược minh y kính” có nói rõ về tác dụng tốt của đỉa đối với môi trường và sức khỏe con người.
 
Về y lý, đỉa có tác dụng đặc biệt trong việc điều trị các vùng bầm bị hoại tử do chấn thương, mạch máu bị nghẽn, các vết thương và vùng đau nhức. Những trường hợp bệnh trầm trọng chỉ có đỉa hút máu ra mới khỏi. Đối với những vết thương lâu ngày không lành, thầy thuốc ngày xưa thường nhỏ mật ong vào và cho đỉa hút máu xung quanh.
 
Đỉa còn dùng để chế biến thuốc đặc trị về mắt, mắt bị cờm nước không có đỉa rất khó trị. Có hàng chục tác dụng y khoa từ con đỉa mà y học cổ truyền đã đúc kết và ngày nay y học hiện đại cũng thừa nhận.
 
Đỉa cắn người có hại gì không? Không! Không những không hại mà còn có lợi, trừ việc sơ ý để đỉa chui vào tai hoặc chỗ kín, nhưng đã chui vào những nơi đó thì con gì cũng có hại, không cứ là con đỉa.
 
Về môi trường, đỉa giúp cân bằng sinh thái. Đỉa không nhất thiết sống bằng việc hút máu, bình thường nó ăn những phiêu sinh có hại trong nước, làm sạch môi trường nước. Ao, hồ, đầm có đỉa thì rất tốt cho sự sinh sôi nảy nở của các loài cá, nhất là cá chép.
 
Theo ông Ưng Viên, hoàn toàn không có bất cứ một căn cứ nào để nói về một “âm mưu” gì của Trung Quốc trong chuyện mua đỉa ở Việt Nam. Họ mua đỉa về để chữa bệnh, vì đỉa vô cùng quý trong y học. Họ còn mua đỉa về để thả trong các ao đầm của họ để cân bằng môi trường sinh thái.
 
Ông Ưng Viên cho rằng không nên khuyến cáo người dân không nuôi đỉa, vì nuôi đỉa không hại gì hết. Không nên sợ có quá nhiều đỉa không tiêu diệt được, vì thứ nhất là nhiều đỉa chỉ có lợi chứ không có hại gì, thứ hai là đỉa chỉ sống trong môi trường nó cần và cần có nó, khi không thích hợp thì tự nhiên nó sẽ bị thải trừ.
 
Không nên so sánh đỉa với ốc bươu vàng. Thứ nhất, ốc bươu vàng cắn lúa và hoa màu, còn đỉa thì không. Thứ hai, ốc bươu vàng là giống ngoại nhập, về nguyên tắc trước sau gì nó cũng bị môi trường thải trừ một cách tự nhiên, nhưng chờ đến khi thải trừ được thì nó đã phá hoại, còn đỉa là sinh vật bản địa, nó tự nhiên sẽ biết nơi nào sống được, nơi nào không.
 
Ông Ưng Viên lưu ý các nhà khoa học hay đưa ra khuyến cáo nên nhớ rằng, khi con người có mặt ở đây với đồng ruộng ao đầm thì con đỉa cũng đã có mặt, nhưng đâu phải đồng ruộng ao đầm nào cũng có đỉa.

Đừng thấy đỉa là giống vật khó chết và dễ sinh rồi suy ra là nó sẽ mau chóng tràn ngập khắp nơi. Bằng chứng là hàng năm, nhiều khu vực có nước đều liên thông với nhau do lũ lụt, nhưng không phải ở đâu đỉa cũng tràn đến.

 
Đối với trâu bò, đỉa có tác dụng rất tốt, khi bị đỉa cắn, trâu bò mạnh khỏe hơn (tác dụng như giác lể làm lưu thông máu huyết và hút được máu độc); ruộng nào có nhiều đỉa thì trâu bò rất ít bị bệnh.
 
Cũng theo sách nói trên, mỗi vùng sinh thái có đặc tính sinh học khác nhau thì cũng có các loại đỉa khác nhau. Đỉa ở khe suối lưng chừng núi thì vàng ươm (suối trên núi cao không có đỉa), đỉa ở vùng sát chân núi nửa vàng nửa mốc, còn đỉa ở đầm lầy thì đen trũi. Còn có một loại đỉa sống trên cây, đó là con vắt (gọi là đỉa lá).
 
Cách cắn của từng loại đỉa cũng khác nhau. Đỉa ở đồng bằng thường cắn dưới chân (từ đầu gối trở xuống), đỉa suối ở lưng chừng núi cắn từ đầu gối trở lên, còn đỉa lá thì cắn từ bụng trở lên chứ không bao giờ cắn dưới bụng.
 
Điều kỳ thú là đỉa chỉ cắn vào những vùng sinh học có lợi cho cơ thể, khi đỉa cắn vào những vùng đó làm khí huyết lưu thông và chất độc bị hút đi theo máu. Người bị đỉa cắn không bao giờ bị phong đòn gánh (tetanus).
 
Nông dân ta không sợ đỉa, ghét đỉa.

Hồi chiến tranh, nhiều người miền xuôi lên miền núi do không thích nghi với khí hậu thổ nhưỡng nên thường bị bệnh “bủng beo” (do suy giảm hệ tuần hoàn thận, chức năng gan hoạt động kém), ai bị vắt cắn thì không mắc bệnh này.
 
Vắt cắn cũng làm hạn chế bệnh sốt rét. Nếu con vắt ngẫu nhiên cắn đúng vào huyệt “khí hải quan nguyên” (1 huyệt ở trên và 1 huyệt ở dưới rốn) thì cơ thể trở nên hưng phấn, ai bị sốt rét sẽ cắt cơn ngay.
 
Cần chú ý là thức ăn chính của con đỉa không phải là máu người hoặc động vật. Nó ăn những phiêu sinh, phù du trong nước và trên lá cây. Đỉa hút máu là để chuyển hóa thức ăn trong cơ thể. Chất thải từ đỉa rất tốt cho đất đai. Nhiều vùng trũng trồng lúa nước rất tốt mà không cần đến phân, đó là do chất thải từ đỉa.

Người nông dân chưa ý thức được cái lợi của con đỉa nhưng không ai ghét đỉa, không sợ đỉa. Mỗi khi đỉa bám vào chân, cứ gỡ ra vứt đi là xong. Chỉ có giới trí thức mới dùng đỉa để ví von chửi bới mà thôi. Tôi chưa bao giờ nghe ai bàn đến chuyện “diệt đỉa”, chưa thấy bà con nào bực mình với con đỉa, dù đa số nông dân chưa ai nghĩ đến chuyện dùng đỉa để làm gì.
 
Có lẽ những bệnh cần đến đỉa ít khi xảy ra, trong trường hợp xảy ra thì đó là chuyện của thầy thuốc. Có lẽ sự không ghét bỏ con đỉa của người nông dân xuất phát từ bản năng, cái gì không làm hại đến mình thì không ghét.


Theo Danviet

Các tin cũ hơn