Chuyện bi hài về thú “chơi” facebook

Thứ sáu, 10/08/2012, 13:44
Những dòng bình luận quan tâm của bạn bè làm chủ tài khoản nào đó trên facebook (một mạng xã hội được nhiều người dùng ở VN) có những niềm vui nho nhỏ sau giờ làm việc căng thẳng.
Lập hội đánh nhau vì “còm”(!)

Mạng xã hội vốn chứa nhiều rủi ro nhưng sức hấp dẫn, sự lan tỏa của chúng lại làm nhiều người yêu thích. Trên đó, người ta có thể chuyện trò thoải mái, tán dóc, chơi games... những khi công việc quá căng thẳng, hoặc đơn giản chỉ để “giết thời gian”.

Thậm chí, nhiều người còn chia sẻ khi bị stress vì công việc, họ chỉ cần nhảy lên facebook la toáng lên. Thế là ngay lập tức, bao nhiêu bạn bè nhảy vào chia sẻ giúp căng thẳng “hạ nhiệt” ngay. Tuy nhiên, không ít khổ chủ rơi vào tình huống trớ trêu cũng bởi tại cảm xúc riêng tư bị phơi bày rộng rãi.


Câu chuyện của cô con gái mới học lớp 8 của chị Trần Hồng Hạnh (Giáp Bát, Hà Nội) là tâm điểm của gia đình chị cả tuần nay. Mọi cuộc gặp mặt chị em trong gia đình mấy ngày nay đều đem vụ ẩu đả vì những dòng “còm” trên facebook ra mổ xẻ phân tích. 

Học cấp 2 nhưng cô bé tỏ ra khá am tường, bắt nhịp nhanh với các trào lưu mạng xã hội. Tuy nhiên thay vì dùng mạng xã hội kết nối bạn bè thì face của Nhung (con gái chị Hạnh) lại là nguồn cơn của một buổi “nói chuyện” bằng nắm đấm của bạn bè.

Trên facebook, Nhung đăng tải một số pha ảnh “hớ hênh” không kém phần gợi cảm. Ngay sau khi bức hình được tải lên, một người bạn trên mạng xã hội không ngại comment “cave tương lai”, “ngon! ngon!”. Sau dòng bình luận đầy khiếm nhã, một loạt bạn bè khác của Nhung nhảy vào.

Tất cả các chi tiết trong cuộc sống, thậm chí cả gây tai nạn
 giao thông cũng được chủ nhân đưa lên facebook (ảnh minh họa)

Dù đa số đều đang học cấp 2 nhưng lời lẽ của chúng không khác gì dân chợ búa. Cô em gái của Nhung cũng nhảy vào bênh chị: “Mấy người biết gì, chị ý không phải người như vậy đâu!”. Được đà, những kẻ ẩn danh trên facebook liền tiếp tục ném đá bức ảnh: “Ngoan, hiền chắc không chụp bức hình như gái gọi thế này”, “Em tới bến với ai chưa, anh đặt hàng nhé!”…

Cô em gái của Nhung ngay lập tức dò la chủ nhân của những dòng comment thất thố trong facebook của chị gái.

Ngay hôm sau, chúng lôi kéo bạn bè lập nhóm để nói chuyện đúng sai. Sau vụ thanh toán của hai người con gái, câu chuyện được bạn bè “mách” tới tai chị Hạnh. Khi “hậu kiểm” hình ảnh của con gái trên mạng, vợ chồng chị Hạnh cũng sốc toàn phần. Ngay lập tức tối hậu thư được chị Hạnh đưa ra với con gái, một là xóa tất cả ảnh trên mạng xã hội hoặc không máy tính.

Trường hợp của con gái chị Hạnh là một trong số ít nạn nhân của hội chứng “nghiện” mạng xã hội. Bố mẹ Nhung nhờ vào bạn bè của con biết được sự tình, nhanh chóng chấn chỉnh lại con. Còn trường hợp của chị Nguyễn Kim Yến (Bùi Xương Trạch, Thanh Xuân, Hà Nội) thì không thể cứu vãn nổi.

Với công việc là biên tập nội dung thông tin cung cấp cho thuê bao di động, những ngày nóng nực, chị vẫn phải ngồi trực ở cơ quan, bức xúc trên facebook chị liền treo dòng trạng thái: “Không ít người trực mà mồ hôi chảy ròng ròng, tự hỏi tại sao còi thì có, camera vẫn hoạt động mà ki bo tới mức không cho tý điều hòa”.

Tiện thể “nhàn cư vi bất thiện” chị đem không ít tật xấu của những người trong cơ quan ra kể lể. Không may, sếp chị lại cũng có thói quen “quan tâm” đến facebook của nhân viên. Ngay lập tức, hôm sau chị được triệu tập vì gây mất đoàn kết trong cơ quan. Trước nhiều ý kiến xì xào, không chịu nổi ánh mắt “khác thường” của mọi người, chị đã xin thôi việc.

Tăng huyết áp vì facebook

Những ngày đầu tiên sử dụng mạng xã hội với chị Trần Mai Hương, Sơn Tây, Hà Nội ngập tràn niềm vui. Bởi bạn thân của chị là ông xã và con trai.

Bất cứ hoạt động nào của người thân trong nhà chị cũng nắm được, chị còn nghĩ mạng xã hội còn kết nối chị lại gần hơn với gia đình khi chị được đọc và hiểu về tâm trạng của con trai thông qua các bình luận chia sẻ với bạn bè của con.

Rồi thông qua facebook của con trai chị, mấy đứa cháu chồng ở nước ngoài, các chị em, con cháu ở miền Nam biết được cũng nhảy vào kết bạn. Chị chồng, em chồng sum họp nhau trên facebook.

Lúc đầu, chủ yếu câu chuyện là thăm hỏi sức khỏe, chuyện làm ăn, vui buồn, nhắn nhủ mỗi khi có việc cần. Chị Hương cũng không để ý nên cứ vô tư, thoải mái trêu chọc và giật những câu status để trêu chọc mọi người. Thi thoảng, chị đọc báo mạng thấy có bài viết hay, chị lại dẫn link chia sẻ với các bạn bè của mình trên mạng xã hội.

Rắc rối phát sinh khi có mâu thuẫn liên quan đến đất đai. Vậy là những câu đùa giỡn, những bài báo chia sẻ trên mạng của chị bị “quy chụp” là “chửi xiên”, “chửi xéo”,  là “ấp mưu ủ kế” chiếm đoạt tài sản, là nói xấu nhà chồng... Những điều này, anh chị em chồng chị Hương ở tận miền Nam đem nói với những anh chị em ở nước ngoài.

Thế là họ bắt đầu phân tích, bới móc, so sánh những điểm tương đồng giữa những điều trên mạng facebook với thực tế đang diễn ra. Kết quả là, sau những cuộc gọi điện riêng lẻ để mắng nhiếc, trách móc, giận hờn, họ quyết định tổ chức cuộc họp gia đình... trực tuyến. Anh chị em nhà chồng chị chửi mắng bằng những lời lẽ thậm tệ.

Hai vợ chồng chị Hương cũng bắt đầu quay ra chì chiết nhau. Kết quả, ông chồng tức tối phải nhập viện vì tăng huyết áp. Nửa tháng nằm viện là cái giá mà chị Hương nhận được từ cuộc sum họp bất ngờ của chị em dâu trên facebook.

 
Theo các chuyên gia an ninh, các trang mạng xã hội tiềm ẩn nhiểu nguy cơ rủi ro về việc lộ thông tin cá nhân. Những lịch trình hoạt động của chủ nhân được cập nhật sẽ là cơ hội cho những kẻ đạo chích và tội phạm công nghệ lợi dụng đánh cắp tài khoản của chính chủ nhân.


Theo 2sao

Các tin cũ hơn