Nhức đầu vì học cách tiết kiệm thời bão giá

Thứ hai, 13/08/2012, 14:09
Đồng lương “chạy” không kịp giá cả leo thang, các bà nội trợ phải tìm cách tiết kiệm để giảm chi tiêu chống chọi với bão giá. Thế nhưng, vì chính sách siêu tiết kiệm này mà các thành viên trong gia đình méo mặt.
Đến điện thoại cũng mang lên công ty sạc
 
Từ ngày chị vợ thực hiện chính sách tiết kiện, anh Hòa (Mai Dịch, Cầu Giấy) không muốn về nhà đúng giờ nữa, lúc thì nán lại công ty lướt web, chơi game, lúc anh ra ngoài trà đá với bạn bè. Anh ngại về nhà vì cứ động đến cái gì cũng nghe vợ nhắc nhở hai chữ “tiết kiệm”.
 
Vì muốn sinh con trong năm tới nên vợ chồng anh tiết kiệm chi tiêu để tích lũy sinh con. Thế nhưng, sự chắt bóp từng ly từng tí của vợ lại khiến anh không thoải mái. Bỏ thói quen ăn sáng, uống cà phê ngoài, sáng sáng ăn bánh mì, mì tôm ở nhà. Tắm rửa phải tiết kiệm nước. Đến xem tivi, bật máy tính cũng bị vợ hạn chế thời gian.
 
Anh kể: “Cô ấy làm cơm hộp bảo tôi mang lên công ty ăn trưa, mà công ty tôi từ trước đến giờ có ai mang cơm đi đâu. Nước rửa mặt phải giữ lại để dùng lau nhà, có lỡ đổ đi thì cô ấy than không tiết kiệm. Bình thường tôi đặt báo giấy để đọc ở nhà thì cô ấy hủy bảo trên mạng cũng có, đọc trên đấy không mất tiền. Mà cứ bật máy tính lên thì cô ấy lại kêu ăn nhiều điện. Đến điện thoại cô ấy còn gợi ý tôi mang sạc theo để lên công ty sạc cho đỡ tốn điện nhà”.
 
 Cười ra nước mắt với chiêu siêu tiết kiệm của bà nội trợ

Tiết kiệm sai lầm là mua con cá con tôm cũng đắn đo nhưng lại sẵn sàng móc hầu
bao cho những bộ váy áo, làm đẹp 
 
Anh bảo, vợ biết tiết kiệm chi tiêu anh rất mừng nhưng cách tiết kiệm thái quá của vợ lại khiến cuộc sống của vợ chồng anh không thoải mái.
 
“Tôi thấy tính toán chi li như thế cũng chỉ để ra được vài trăm bạc, làm thêm giờ một hai buổi là được ngay. Góp ý với cô ấy rồi nhưng cô ấy cứ khăng khăng bớt được đồng nào hay đồng ấy. Nhiều khi thấy khó chịu mà không dám nói”, anh Hòa chia sẻ.
 
Còn anh P. Cường, kỹ thuật viên máy tính lại thấy vợ biến thành người keo kiệt, bon chen kể từ khi chị vợ thực hiện chiến dịch tiết kiệm chi tiêu.
 
Anh kể: “Muốn ăn gì cũng phải so đo tính toán, hoa quả thì hay mua đồ ế vì ham rẻ. Mà đồ ế thì bầm dập rồi ăn có ra gì đâu. Có lần nhà tôi mời khách, cô ấy đi chợ mà mua toàn đồ rẻ tiền, mất mặt lắm”.
 
“Xưa nay cô ấy chi tiêu khá thoải mái, bây giờ tự dưng thấy cô ấy trở thành người bon chen, tính toán thế nào ấy”, anh Cường nói thêm.
 
Tiết kiệm cũng phải thông minh
 
Tiết kiệm không có nghĩa là bủn xỉn, hà tiện. Chính sách tiết kiệm không hợp lý sẽ khiến cuộc sống gia đình trở nên khó chịu.
 
Chị Thanh Hường, một bà nội trợ thông thái chia sẻ: “Đúng là bão giá thì gia đình nào cũng phải chắt bóp chi tiêu thật. Nhưng tôi thấy nhiều mẹ chi ly quá, cắt giảm cả bữa cơm của chồng của con là không nên. Kiểu như thế chỉ làm khổ chồng, khổ con mà lại không để dành được là bao”.
 
Chị Hường bảo, nhiều người cứ cắt giảm ăn uống, điện nước trong gia đình để tiết kiệm từng nghìn đồng nhưng lại không đắn đo khi bỏ ra cả vài trăm ngàn, thậm chí là tiền triệu để mua bộ váy, đôi giày hay đồ trang sức, mỹ phẩm làm đẹp. Cách tiết kiệm như thế là chưa hợp lý.
 
Chị bảo, cách tiết kiệm hợp lý nhất là biết cách mua đồ và dùng đồ thông minh. Chị chia sẻ: “Nhiều mẹ cứ ham của rẻ mà thấy cái gì cũng mua, mua về lại nhanh hỏng hoặc không dùng được đó mới là lãng phí. Tôi có thể mua một cái tủ lạnh mới nhưng bền và ít hao điện, có thể dùng được cả chục năm thay vì mua đồ cũ vừa tốn điện vừa dễ hỏng.

Có người dùng 1 tháng hết một bình ga nhưng biết cách sử dụng thì đến 3, 4 tháng vẫn chưa hết. Ví dụ như để lửa lớn nhỏ tùy theo đáy nồi, không để miệng ga bạt gió, dùng nồi áp suất để hầm,...”.
 
Tự nấu ăn sáng ở nhà, đi chợ đầu mối để mua rau củ cho rẻ, tắt các thiết bị điện khi không dùng đến là cách mà chị Kiều Linh (Dịch Vọng, Cầu Giấy) thực hiện để cắt giảm chi phí sinh hoạt trong gia đình. Chị Hoa bảo, khoản nào có thể cắt giảm thì cắt giảm chứ không thể chi li từng tí mà ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình.
 
“Tôi thấy khoản thời trang, làm đẹp, chơi bời là chiếm chi phí lớn nhất chứ còn ăn uống thì không đáng mấy. Những khoản này dễ cắt giảm mà không ảnh hưởng mấy đến cuộc sống. Ví dụ như hạn chế mua sắm váy áo, giày dép, có mua thì không mua hàng hiệu mà mua đồ tốt vừa giá. Tiết kiệm nhưng vẫn phải đảm bảo được những nhu cầu cơ bản của gia đình”, chị Linh nói.
 
Theo Vietnamnet

Các tin cũ hơn