Tại ngôi làng Văn An bé nhỏ của xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân (Hà Nam) đang lưu giữ một báu vật có một không hai. Điều đặc biệt, báu vật là minh chứng ghi lại những chiến tích hào hùng một thời của vua Lê Thánh Tông đánh tan quân Chiêm Thành.
Trong sử sách ghi lại rằng, mảnh đất địa linh nhân kiệt ở địa phận Cầu Không, huyện Lý Nhân (Hà Nam) ngày nay xưa kia nổi tiếng với những chiến thần hiển hách về những trận đánh của Vua Lê Thánh Tông chống giặc Chiêm Thành (thế kỷ 6).
Tuy nhiên, người ta chỉ được biết đến qua những lời kể truyền miệng và một số sách sử ghi chép lại. Cho đến khi người dân nơi đây tìm được và lưu giữ một cuốn sách bằng đồng đỏ thì ai nấy đều ngỡ ngàng, tự hào và vui mừng về pho tư liệu quý giá này. Cuốn sách bằng đồng đỏ có tên là “Khâm ban đồng bài”, nội dung cuốn sách kể về lịch sử Cầu Không.
Giới thiệu về cuốn sách này ông Phạm Văn Quang, Trưởng ban trông coi chùa Văn An Tự nơi hiện đang cất giấu sách cổ cho biết: “Xưa sách đồng được thờ ở đền Cầu Không, đến những năm 50 của thế kỷ trước, chiến tranh đã làm cho Cầu Không bị đổ sụp. Rồi cũng từ đó cuốn sách đồng quý này lưu lạc về nhà dân, một thời gian dài nó được đưa về Viện Hán Nôm.
Bốn mặt cuốn sách bằng đồng đỏ.
Nhận thấy đây là sách quý có ý nghĩa lịch sử nên người dân xin về để được bảo quản và cất giữ. Khoảng 5 năm sách cổ được đưa về giao cho Trường cấp 2 Bắc Lý phục vụ giảng dạy môn lịch sử. Bởi đó là một hiện vật vô giá, nên nay chúng tôi đã xin lại và cất giữ cuốn sách đồng này rất cẩn thận ở Văn An Tự”.
Bốn mặt cuốn sách bằng đồng đỏ
Theo bản dịch của ông Nguyễn Hữu Mùi, nguyên là cán bộ văn hóa tỉnh Hà Nam thì trong sách ghi lại rằng: Vào ngày mồng 6 tháng 11 năm Canh Dần (1470), Trẫm dẫn đại quân tiến đánh tiễu trừ Chiêm Thành. Đến ngày mồng 8 thuyền rồng của Trẫm mới dừng lại tại cửa sông Long Xuyên thuộc địa phận huyện Nam Sang (nay là huyện Lý Nhân).
Đêm ấy Trẫm mộng thấy có một vị tướng tay cầm cờ vàng, hai chân trần, một chân bên tả, một chân bên hữu ngạn sông xin được theo để hỗ trợ uy vũ cho tới khi biển lặng sông yên mới thôi. Khi tỉnh mộng mới biết sông này có Dục Vân Linh Thần bèn sai Lại bộ Thượng thư Nguyễn Như Đổ theo bờ sông này xem xét lại sự thật.
Trong chốc lát tâu lên rằng: Qua địa phận Cầu Không có chợ, có sông, trên sông có một chiếc cầu, giữa cầu có đền thiêng treo cờ giấy vàng, (vua) bèn sai quân đến cầu đảo. Nhân đây lấy cờ vàng này treo ở thuyền rồng. Thuyền rẽ biển vào sông như đi trên đất liền... Xa giá nhà vua thắng lợi trở về…".
Sau khi đem quân đánh thắng giặc, để thành kính đội ơn thần linh giúp đỡ, Vua Lê Thánh Tông đã cho khắc lên sách đồng để ghi lại những chiến tích lưu truyền đời đời.
Lại nói về chuyện Cầu Không, đây là cây cầu có chiều dài 32m với 9 gian. Cầu được dựng hoàn toàn bằng gỗ lim, cho đến năm 1950, trong cuộc chiến tranh chống giặc Pháp thì cây cầu này bị đổ sụp bởi bom đạn. Ngày nay, ngôi đền An Văn Tự xây dựng chỉ cách Cầu Không cũ độ chừng 100m.
Cũng tại ngôi đền này, hiện còn lưu giữ một bia đá có niên đại cùng năm với cuốn sách bằng đồng đỏ. Trên bia đá ghi lại chiến tích của những trận đánh lừng lẫy chiến công của Vua Lê Thánh Tông bằng văn tự chữ Hán còn nguyên vẹn.
Đem câu chuyện về cuốn sách quý được ông Nguyễn Văn Thùy, người có thâm niên hơn 30 năm nay trông coi cuốn sách tâm sự: “Trước đây người dân chưa hiểu hết về lịch sử quê hương nên chưa coi trọng và gìn giữ nó. Giờ ai ai cũng biết giá trị và ý nghĩa lịch sử nên bảo vệ như một báu vật linh thiêng, là minh chứng của một đất nước với bao biến cố, thăng trầm hơn 500 trăm năm về trước”.
Chứng tích về Cầu Không được sách đồng và bia đá ghi tạc. Lịch sử là vậy, thế nhưng để lịch sử sống cùng với nhân dân, phục dựng trùng tu và bảo tồn lại những di tích của cha ông là sự nỗ lực từ nhiều thế hệ, nhiều cơ quan, ban, ngành.
Độc nhất vô nhị
Theo điều tra và sưu tầm sách đồng có rất nhiều ở miền Trung, có nhiều hơn ở thời nhà Nguyễn. Cuốn sách ở đình Mai Phúc (Hà Nội) có tới 12 lá đồng, gồm 24 trang, khổ 18cm và 34cm, nặng 1kg, do Viện Hàn lâm Đông Các, học sĩ Nguyễn Bính biên soạn rồi được khắc vào năm Khải Định thứ 5 năm, sách có 2.000 chữ Hán khắc chìm. Ở Hà Nam, Nam Định, Hà Tây (nay thuộc về Hà Nội) mỗi nơi mới tìm thấy 1 cuốn…'
Riêng ở Cầu Không, huyện Lý Nhân có một cuốn tên là “Khâm ban đồng bài” mà chúng tôi muốn nhắc tới. Cho đến thời điểm hiện tại thì đây là cuốn sách bằng đồng đỏ cổ nhất và nặng nhất ở nước ta. Lần dở từng trang một trong cuốn sổ nhỏ những tư liệu nói về cuốn sách đã được nhiều nhà nghiên cứu kết luận mà ông Thùy cất cẩn thận cho thấy: Sách có 2 tấm khổ 45cm với 18,5cm, nặng 6,5kg và ra đời cách đây 525 năm (Hồng Đức thứ 3/1472).
Trải qua bao nhiêu thăng trầm biến cố của thời gian nhưng tất cả những trang trí, hoa văn, độ tinh xảo của cuốn sách vẫn còn nguyên vẹn. Trang 1 bài trí hình “hỷ”, “hả” và hoa văn ở 4 góc với những đường nét độc đáo, giữa có 4 chữ “Khâm ban đồng bài”, trang 2 và 3 khắc chính văn bài Cầu Không từ ký. Trang 4, trang trí hoa văn như trang 1 và khắc dòng chữ niên đại Hồng Đức Tam Nguyên, Tam nguyệt sơ lục nhận.
Cuốn sách có 19 dòng, dòng nhiều có 37 chữ, dòng ít có 1 chữ, tổng chữ có 580 chữ và 2 chữ nôm cửa ngòi. Cuốn sách chỉ khắc tạc chữ ở 3 mặt nhưng nghệ nhân của nó đã khắc được gần 600 chữ sắc nét, hoàn mỹ. Điều này chứng tỏ được rằng, kỹ thuật khắc tạc vào thời đó là rất phát triển.
Kể về cái duyên “sở hữu” cuốn sách hơn 30 năm nay, ông Thùy tâm sự: “Tình cờ trong một lần có một người bạn cùng làng đến nhà chơi, mảy may thế nào mà hai người đem chuyện cuốn sách ra xem, tâm sự, rồi người bạn nói với tôi trong nhà ông đang cất giữ một báu vật cổ đó”. Biết chuyện sách cổ linh thiêng, có giá trị nên ông Thùy không thể cất giấu nó mãi ở nhà mình. Ông liền báo ngay cho chính quyền địa phương để có phương án bảo vệ và gìn giữ.
Vốn có ít hiểu biết về chữ nghĩa, lại là người có thâm niên với cuốn sách nên từ đó ông Thùy được bầu làm chức Trưởng ban trông coi chính cuốn sách cổ. Cuốn sách vốn cổ nhất từ trước đến nay chứa đựng rất nhiều những giá trị về mặt lịch sử và mang nhiều giá trị tâm linh rất đặc biệt.