Hiện dân cư mạng đang có đợt sôi sục mới khi đôi nam nữ trẻ có lối hành xử phá sự tôn nghiêm, văn hóa ở di tích lịch sử Đàn tế Nam Giao. Đôi thanh niên nam nữ ngang nhiên giẫm đạp, nhảy nhót trên mặt đàn tế Nam Giao. Những hành động xấu xí này đều được những “nam thanh nữ tú” chụp hình đưa lên trên những tài khoản cá nhân Facebook, yahoo… như kiểu “khoe” chiến tích.
|
Đàn tế Nam Giao được khai quật từ năm 2004, đến đầu năm 2012 thì được phục dựng. Đàn tế nằm trên núi Đốn Sơn, thuộc xã Vĩnh Thành (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa). Đây là một trong những di tích quan trọng thuộc hệ thống quần thể di tích Thành nhà Hồ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Trước đây, đàn tế Nam Giao nhà Hồ là nơi dành riêng cho vua tế lễ. Hàng năm, nhà vua thường tiến hành lễ tế trời cầu cho quốc thái dân an hoặc lễ tế vào những dịp đại xá thiên hạ.
|
Cách đây không lâu, dư luận cũng đã tỏ ra phẫn nộ trước hành động của hai cô gái cưỡi lên đầu rùa để chụp ảnh, sau đó còn cho đăng tải những hình ảnh này lên mạng xã hội Facebook.
|
Không chỉ đưa hình ảnh này lên trang cá nhân chủ nhân của những bức ảnh còn sẵn sàng chấp nhận cư dân mạng "ném đá" vì những hình ảnh vô văn hóa này bằng cách thách thức bằng những bình luận “He he, đang cần gạch xây nhà mà” và “chụp theo hứng cá nhân thôi, nếu các bạn thích ném gạch thì đây cũng rất vui lòng đón nhận và lại tặng các bạn gấp đôi, thậm chí thêm vài viên nữa cơ” khiến nhiều người bức xúc.
|
Sự việc chưa kịp lắng xuống thì bộ ảnh bộ ảnh ba nữ sinh được cho là đang học đại học ở Bắc Giang "ngồi tập thể" lên đầu cụ rùa ở di tích được cư dân mạng khui ra. Ba cô gái đi dép lê hồn nhiên kết đôi hoặc lần lượt cưỡi lên cổ cụ rùa đá lớn chụp hình. Cả ba đùa nghịch kết mũ bằng lá cây rồi đội lên đầu trước khi chụp.
|
"Trào lưu" chụp ảnh trên rùa đá được cho là xuất hiện từ sau bức ảnh nam sinh mặc áo ba lỗ đen, đeo cặp hết đứng lại ngồi lên cụ cùa cõng bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội).
|
Những hình ảnh này tạo lên một làn sóng phản đối mạnh mẽ, Cư dân mạng đồng loạt cho rằng, đây là một hành động “vô học”, “vô văn hóa”. Sức ép từ dư luận khiến cậu nam sinh cuối cùng cũng phải gỡ bỏ những hình ảnh này. Tuy nhiên, tấm hình và câu nói vô văn hóa của cậu nam sinh này đã trở thành vấn đề khiến nhiều bạn trẻ phải suy ngẫm lại hành xử của mình với các di tích lịch sử.
|
Những hình ảnh giới trẻ ngang nhiên trèo lên Tháp bút chụp ảnh cũng là chuyện thường ngày xảy ra ở quanh khu vực hồ Gươm. Tháp Bút là ngọn tháp bằng đá cao 5 tầng, được xây dựng từ năm 1865 trên nền núi Độc Tôn cũ, nằm ở phía ngoài lối vào cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn, nhiều người muốn lưu giữ kỉ niệm ở đây đã không ngần ngại leo lên chụp ảnh.
|
Trước đó ca sỹ Thủy tiên từng bị cư dân mạng chỉ trích vì xuất hiện trong một clip, cô ăn mặc hở hang uốn éo giữa một bên là bức tượng thể hiện tình dân quân, một bên là bức thể hiện sự đoàn kết đấu tranh tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM cùng bị đánh giá phản cảm. Hành động này của cô ca sĩ bị cho là vượt quá xa những giới hạn về văn hóa. Sau đó, chính Thủy Tiên cũng phải lên tiếng xin lỗi về những thiếu sót của mình.
|
Hoa hậu Biển Nguyễn Thị Loan cũng từng bị đánh giá thiếu tôn trọng lịch sử khi tung ra hình ảnh chụp tại Bảo tàng Phòng không không quân Hà Nội. Trong đó cô đứng... tốc váy trên một khẩu pháo gắn liền với chiến tích của cha ông. Đây là một hiện vật quý gắn với những chiến công và xương máu trong bảo tàng nhưng được người đẹp sử dụng làm đạo cụ bức hình của mình.
|
Ở một bức ảnh khác, cô lại đứng uốn éo trên chiếc rada phòng không, khoe thân hình bốc lửa. Đây cũng là chiếc rađa lịch sử. Ở bức ảnh "nhẹ nhàng" nhất trong bộ ảnh này, Hoa hậu Biển tựa người vào khẩu pháo lịch sử với chiếc đầm khoét ngực rộng, khoe vòng 1 nóng bỏng. Những bức ảnh này bị cư dân mạng phẫn nộ thậm chí gọi tên "tốc váy lên lịch sử".
|
Theo Phunutoday