Tấn trò đời buốt lạnh lòng hiếu mùa Vu Lan!

Thứ tư, 12/09/2012, 08:26
Nhìn ông lão hom hem nằm bên vỉa hè phố Núi Trúc, người ta mới thấy đám hiếu tử ngày nay thật biết cách “dụng nhân như dụng mộc”, đúng lúc, đúng chỗ, mục đích rõ ràng, hiệu quả.
Câu chuyện về 4 đứa con đang có mâu thuẫn nội bộ nhưng lại hết sức đồng sức đồng lòng trong việc đẩy bố ra nằm chỏng gọng trên vỉa hè Hà Nội đang gây xôn xao cộng đồng mạng.
 
Thật ra, đây cũng chẳng phải là chuyện lạ lùng gì, dù thời nào cũng khiến người ta hoặc bức xúc hoặc ngậm ngùi cho nhân tình thế thái.
 
Nếu ngày nay, sáng kiến các con phân công nhau nuôi cha già mẹ yếu, chia đều còn hơn cả phân chia lợi nhuận làm ăn, đã không còn xứng đáng thành tin trên mặt báo nữa.
 
Còn các cụ nhà ta, trong tư cách của đấng sinh thành, dưỡng dục, cũng không thiếu những lời vừa buồn vừa giận vừa bao dung: Nào một mẹ nuôi được mười con nhưng mười con không nuôi được mẹ, nào là nước mắt chảy xuôi…
 


Tô phở nguội lạnh có bằng lòng người?
 
Người ta có hai cách để lý giải những tấn trò đời trong gia đình này, hoặc đổ lỗi cho những nỗi lo miếng cơm manh áo, khi cuộc đời còn nhiều khốn khó, hoặc bảo rằng do những đứa con ít học, vô văn hóa. Nhưng trong trường hợp điển hình trên phố Núi Trúc, phường Kim Mã, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội này, cả hai lý do vừa kể hắn sẽ đều phải giơ tay đầu hàng.
 
Ta hãy xem những người con, cháu của cụ già 87 tuổi vừa nằm viện 2 tháng này lý giải như thế nào về việc làm của họ. Người con gái thứ hai của cụ một mặt khẳng định nhà có đủ chỗ để nuôi bố, mặt khác cho biết cho bố nằm ở vỉa hè trước cửa nhà anh trai là để thử lòng chị dâu.
 
Ở bên kia chiến tuyến, người con dâu cả sau khi khóa chặt cửa nhà thì sang nhà bên “tạm lánh”, vừa cho biết quá đau lòng không dám nhìn cảnh bố chồng ốm yếu lại bị các con đẻ để nằm vỉa hè, lại vừa đủ tỉnh táo để biết rằng không thể mở cửa cho bố chồng vào nhà vì sẽ bị các em chiếm mất nhà.
 
Lâu nay, người ta mới nghe thấy chuyện đám giang hồ gửi quan tài, vòng hoa để gây sức ép với đối thủ, chứ mang bố già ốm yếu ra gây sức ép với chị dâu thì hẳn chỉ ở chốn phồn hoa này mới có!
 
Dĩ nhiên, kẻ tầm thường ít ăn ít học hoặc đám nhà quê ngố ngày khó có thể đưa ra được những lý lẽ hùng hồn trơn như cháo chảy này.
 
Xin thưa với quý vị đám hiếu tử này đều rất nhiều chữ và thành đạt, được ăn học đàng hoàng, nào y tá, kế toán, trưởng phòng, cháu nội cũng đang là sinh viên đại học sư phạm hẳn hoi.
 
Không hổ danh cái mác trí thức, những thành phần ưu tú của xã hội này khiến người ta phải bái phục trong nghệ thuật bài binh bố trận, chẳng kém thời Tam Quốc là mấy. Có nhiều người đã vội cho rằng suy cho cùng chúng nó giành giật nhau cái nhà, song người viết bài này thấy chưa đủ cơ sở để khẳng định.
 
Nhưng mục đích gì đi nữa, thì quả nhiên ông bố cũng có một vai trò, tác dụng hết sức quan trọng, nếu con đẻ coi bố như vật thí nghiệm để kiểm chứng chị dâu, hoặc tệ hơn nữa là coi bố như cái chìa khóa để mở cửa nhà, thì con dâu cũng nhận thức được nguy cơ nhãn tiền nếu mềm lòng đón bố vào.
 

Đẩy bố già ốm đau ra vỉa hè gây sức ép với chị dâu?
 
Thú vị nhất là trường hợp cậu út, hiện làm trưởng phòng trong Công ty bảo hiểm Prudential Việt Nam, nơi luôn tự hào với khẩu hiệu “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”.
 
Chưa hết, nhìn bát phở vất chỏng chơ bên cạnh ông cụ, người ta lại một lần nữa thấy sự tài tình trong nghệ thuật ứng xử của đám con cháu. Đương nhiên, để cho bố nằm chết đói là không thể chấp nhận được, không có cơm nước đàng hoàng thì cũng phải có bát phở cho phải đạo.
 
Còn cái chuyện ai đút cho ăn, khi ông cụ chẳng còn sức mở mồm ra nói, đương nhiên cũng chẳng nhấc nổi tay chân, lại là chuyện khác. Thế mới biết đức Khổng Tử thật xứng đáng là bậc chí thánh vạn thế sư biểu, khi từ hàng nghìn năm trước đã nhận xét: Nhiều kẻ nuôi cha mẹ như nuôi ngựa nuôi chó.
 
Dĩ nhiên, đến khi các cụ nằm xuống, con cháu nhất định sẽ làm ma thật to, rồi mỗi năm một lần lại làm giỗ bố to đùng, sụt sùi cầu khấn ông sống khôn chết thiêng phù hộ độ trì cho chúng con sức khỏe, tiền bạc.
 
Cũng không dám khẳng định như đinh đóng cột, nhưng cứ căn cứ vào tình hình hiện tại, ta hoàn toàn có thể mường tượng ra được “hạnh phúc của một tang gia” trong tương lai mà văn hào Vũ Trọng Phụng từng đặc tả rằng “cái chết kia đã làm cho nhiều người sung sướng lắm”…
 
Đến đây, những người có tuổi như kẻ viết bài này lại thấy tủi hổ cho cái thân già. Con cháu nó vô tâm thì còn tự động viên mình bằng lập luận “nước mắt chảy xuôi”, nhưng nó khiêng nó vứt bố già bệnh tật ra vỉa hè thì cái lý lẽ cũ rích ấy cũng không sao xoa dịu nổi.
 
Và những người có tuổi chợt nhớ lại câu chuyện mẹ già 84 tuổi tại Yên Bái nhảy xuống sông Hồng tự tử, vì một lẽ đắng lòng: "Mẹ cũng già rồi, mà bệnh tật thế này, sống chỉ khổ cho con, cho cháu vất vả chăm sóc… Chết đi chứ sống làm gì...”.
 
Đương nhiên trong trường hợp này, khó có thể trách con cháu, nhưng có lẽ ta cũng không nên cho rằng bà cụ quá cả nghĩ đâm ra quẫn trí. Thế sự nhiều khi cứ bắt con người phải buồn như vậy đấy, mẹ cứ thương con và con cứ bất hiếu.
 
Quay trở lại câu chuyện Hà Nội, người ta thấy hóa ra chẳng phải ngẫu nhiên mà xã hội nảy nòi ra được một Lê Văn Luyện khét tiếng đến thế. Học hành tử tế, trí thức đàng hoàng giữa đất Thủ đô ngàn năm văn hiến mà còn đối xử với bố đẻ như anh chị em nhà nọ, thì người ta không bỗng dưng đập chết người lạ đã là may mắn lắm rồi.
 
Đương nhiên, lời kêu gọi bầu ơi thương lấy bí vẫn được chúng ta ra rả nói hàng ngày, nhưng hình như cũng giống như nàng dâu cả thảo hiền trong câu chuyện đang bàn, chúng ta chân tình tới mức dù rất đau lòng vẫn đủ tỉnh táo để cảnh giác với những nguy cơ chạm tới túi tiền.
 
Thành ra, chúng chỉ thành hiện thực trong tiểu thuyết hay điện ảnh, vì từ chỗ vị lợi, vô cảm với nỗi đau đồng loại như bán thực phẩm bẩn độc cho thiên hạ đến chỗ đánh đập hắt hủi bố mẹ chỉ cách nhau không đầy sợi tóc chẻ tư.
 
Học cái tử tế thì chao ôi sao mà khó, nhưng sự lạnh lùng vô cảm, ác, độc, dữ thì chỉ cần một tí xíu tự do thôi là đủ cho nó tác oai tác quái rồi.
 
Ngày mai, miền Bắc sẽ đón đợt gió mùa đông bắc đầu tiên. Ông cụ đã được vào nằm trong ngôi nhà của mình, nhưng trong ngôi nhà ấy, có khi cụ còn thấy lạnh hơn đám ăn mày ngủ ở gầm cầu.
 
Lời khuyên chân tình và thiết thực nhất dành cho cụ là nên nhờ cậu con út đang làm bảo hiểm mua cho một gói bảo hiểm nhân thọ, như một món quà báo hiếu mùa Vu Lan, trước khi mùa đông rét mướt đến gần!


Theo Phunutoday

Các tin cũ hơn