Pháp luật đang bỏ qua những người chuyển giới, trên chứng minh thư của họ không được thừa nhận giới tính thực sau phẫu thuật và chịu muôn vàn sự khó khăn, kỳ thị...
Cathy là một người chuyển giới từ nam sang nữ đã không thể đi máy bay từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội để dự lễ công bố kết quả với nghiên cứu vào ngày 29.8 vì cô không có chứng minh thư và không thể làm được chứng minh thư. Lý do là, khi sinh ra, khai sinh của cô là nam, nhưng cô lại phẫu thuật thành nữ bằng cách bơm ngực, để tóc dài và trang điểm.
Cindy Thái Tài người chuyển giới thành công trên con đường sự nghiệp
Câu chuyện của Cathy chỉ là một trong số rất ít những khó khăn mà những người chuyển giới từ nam sang nữ hoặc ngược lại đang phải đối mặt.
Nghiên cứu của ISEE cũng chỉ ra rằng, những người chuyển giới đang sống ngoài vòng pháp luật vì không có chứng minh thư, không sử dụng tên khai sinh và không được thừa nhận giới tính thực tế sau phẫu thuật. Khi họ chuyển giới từ nam thành nữ và kết hôn với người khác giới hôn nhân của họ cũng không được thừa nhận.
Theo TS Phương, nghiên cứu đã khảo sát, phỏng vấn thông qua đời sống thực tế của 34 đối tượng, trong đó có 14 người chuyển từ nữ sang nam, 10 người từ nam sang nữ và 10 trẻ em đường phố chuyển giới.
Một người chuyển giới từ nữ sang nam, 25 tuổi đang sống tại Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ, khi đi ra đường, em gặp mẹ mà mẹ em không dám nhận, giống như gia đình bỏ em rồi. Lúc đó em buồn bã và muốn tự tử.
Còn một bạn nam chuyển giới sang nữ, 19 tuổi khác lại gặp khó khăn khi đi tìm việc làm. Em cho biết, ‘em muốn có việc làm đàng hoàng nhưng chẳng thể xin được việc gì ngoài việc làm gái. Khi đi xin việc ở quán ăn, người ta nói thẳng, ở đây không thuê pê – đê. Pê – đê vào đây làm quỷ làm ma thế nào”.
Nghiên cứu của ISEE cũng chỉ ra, do chịu sự kỳ thị quá lớn từ gia đình và xã hội, người chuyển giới đã không được chăm sóc sức khỏe y tế. Họ đã phải tự đi mua thuốc trị các bệnh lây nhiễm trong quan hệ tình dục. Những người có tình yêu và hôn nhân cũng gặp rất nhiều bi kịch. Họ chỉ muốn yêu người khác giới nhưng họ bị lợi dụng rất nhiều mà không nhận được tình yêu thực do hình thức không bình thường.
Hoang mang
Theo TS Phương, nếu chỉ nhìn bề ngoài không thể biết được thực sự là người chuyển giới hay chỉ là những người cá tính thích ăn mặc theo kiểu nam tính, hoặc nam nhưng có phong cách hơi yếu đuối, nữ tính. Những người chuyển giới chỉ nhận ra giới tính thực và xu hướng tình dục của mình ở tuổi trưởng thành.
Các biểu hiện rung động đầu đời của họ được thể hiện với người cùng giới tính bởi khi đó dù họ là nữ những họ vẫn nghĩ mình là nam, hoặc ngược lại. “Đây là giai đoạn họ cảm thấy hoang mang, không biết mình là ai. Có nhiều bạn đã phải bỏ học vì nhận phải sự kỳ thị của bạn bè ở trường học”, bà Phương cho biết.
Đối với những người có điều kiện họ đã sang nước ngoài phẫu thuật. Tuy nhiên với chi phí một ca phẫu thuật 200 triệu đồng, không phải người nào cũng có thể thực hiện. Theo TS Phương, “Phẫu thuật có thể sẽ bị chết sớm 10-20 năm, sau đó sẽ phải sử dụng hooc-môn khiến người rất yếu và mệt mỏi. Các quan hệ tình dục, tìm việc làm cũng không cải thiện hơn nên những người chuyển giới thực sự cảm thấy không có tương lai”.
Trong khi đó, tại Việt Nam hiện chưa có cơ sở pháp lý nào cho quyền của người chuyển giới. Theo ISEE, hiện nhu cầu đổi tên của người chuyển giới rất lớn, tuy nhiên đến nay họ đều phải dùng nicname. Có nhiều người vì nhìn hình thức khác so với giấy tờ đã không thể đi được máy bay và khi vi phạm giao thông cũng khó giải thích với công an. “Họ muốn có cơ sở hành lang pháp lý để thuận lợi hơn cho cuộc sống, tránh tiêu cực cho xã hội:, TS Phương nói.
Ông Lê Quang Bình, Viện trưởng ISEE cho biết, viện này đã đưa ra 6 kiến nghị với các cơ quan chức năng cũng như cộng đồng xã hội. Trước hết cần phải hỗ trợ thông tin và xây dựng cộng đồng cho người chuyển giới. Thông qua đó tuyên truyền cho họ về việc sử dụng hooc – môn, quá trình chuyển đổi, an toàn sức khỏe...
Đồng thời phải tăng cường truyền thông, nâng cao kiến thức của xã hội qua kênh báo chí, giáo dục, đoàn thể và chuyển giới, các vấn đề họ gặp phải để xóa định kiến và kỳ thị. Ngoài ra, các hỗ trợ về y tế, tạo cơ hội việc làm, hỗ trợ pháp lý, đảm bảo quyền kết hôn cũng là những nhu cầu thiết yếu mà cộng đồng người chuyển giới đang cần được quan tâm hơn.