Vì tương lai đất nước, vì con em chúng ta, tôi không những đồng tình với nhiều địa phương từ chối hệ tại chức, từ chối “làm quan” trước học sau, mà còn mong muốn Bộ GDĐT nên bỏ đại học tại chức mà tập trung vào sự nghiệp giáo dục lâu dài, có đủ kiến thức để xây dựng đất nước.
Từ xưa, hiền tài là nguyên khí của quốc gia, là tương lai của dân tộc, nên việc chọn người ra giúp nước là vấn đề hệ trọng. Lịch sử nước ta kể từ khoa thi đầu tiên năm Ất Mão (1075) đến khoa thi cuối cùng vào năm Kỷ Mùi (1919) trải qua 844 năm với 185 khoa thi, trên bảng vàng đề danh, bia đá khắc tên 2.898 vị đỗ đại khoa nhưng trong số đó chỉ có 46 người giành được học vị Trạng nguyên cao quý.
Như vậy, rõ ràng là ngày trước ông cha ta đã sử dụng nhân tài hết sức nghiêm túc. Người ra giúp nước nhất định phải đủ tài đủ đức.
Nếu chưa đỗ đạt phải tiếp tục đèn sách. Cái giá của sự nghiệp làm quan phải trả rất đắt bằng sự miệt mài đèn sách chứ không chỉ chiếu lệ dăm ba chữ rồi chễm chệ ngồi trên ngôi cao chức trọng.
Như vậy, lịch sử thi cử các triều đại kén chọn nhân tài chẳng những đem lại lợi ích về kiến thức mà còn tiết kiệm được thời gian và vật chất hao tốn của cá nhân và xã hội. Học trước làm quan sau tránh được chủ quan ỷ lại, tránh được những sai sót, vấp váp trong thi hành công vụ.
Một lớp đại học tại chức ngành công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên
(ĐHQG TP.HCM).
Sau ngày hòa bình thống nhất, để có đủ cán bộ đảm trách công việc, Bộ Giáo dục mới tạo ra cơ hội gọi là hệ đào tạo tại chức, bổ túc, liên thông… Thế nhưng, sự học đó kéo dài đến hôm nay xem ra đã lỗi thời, lãng phí, tụt hậu, tốn kém nhiều thời gian, tiền bạc của sinh viên, phụ huynh lẫn Nhà nước mà kém hiệu quả.
Gần đây nhiều ngành giáo dục địa phương đã chính thức từ chối tuyển những sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức, nói không với đại học liên thông… Đó là một cú sốc mạnh cho sinh viên, phụ huynh. Điều này cũng có nghĩa là công sức bỏ ra bao năm của các bậc phụ huynh với hy vọng con mình sau này có công ăn việc làm ổn định đã đổ xuống sông, xuống biển.
Đối với phụ huynh, học sinh, sinh viên đây là bài học quá đau lòng, mất cả chì lẫn chài. Bao năm đèn sách giờ không được xã hội trọng dụng. Bao năm cha mẹ bán ruộng, bán vườn mục đích để đổi lấy cái chữ mong con đổi đời, kết quả cùng đường cụt lối, tương lai bế tắc. Buồn thay! Gần nửa thế kỷ đào tạo hệ tại chức, biết bao công sức, tiền của, giờ xã hội "từ chối".
Nếu nói hệ tại chức không đủ tiêu chuẩn chất lượng thì nhiều năm qua chúng ta đã sống chung với khá nhiều cán bộ công chức có bằng cấp đại học tại chức không đủ chất lượng mất rồi! Bây giờ nhận ra thì đã muộn, nhưng dẫu muộn còn hơn…
Nhưng nếu quy chụp tất cả các cán bộ học hệ tại chức vào nhóm những người kém cỏi thì hoàn toàn sai lầm, bởi trong quá khứ khi mà điều kiện nước ta còn nhiều khó khăn, đa số cán bộ đều phải vừa làm, vừa học, vậy mà họ vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ, thậm chí đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng đất nước.
Tuy vậy, yêu cầu đặt ra với đất nước hiện nay đã có nhiều thay đổi, cần được nâng lên một tầm cao mới, và chúng ta có điều kiện để thực hiện được điều ấy, tức là phải học tập thật tốt trước khi làm việc.
Có một lý do khác không thể không nhắc tới, đó là lâu nay, ở hệ tại chức tồn tại quá nhiều tiêu cực: học giả thi thật, không học cũng được cấp bằng, cấp bằng tràn lan... nhiều người còn bảo, học tại chức là... "học tiền". Ai cũng biết rõ điều ấy, nhất là những người trong cuộc, nhưng họ không dám thừa nhận mà thôi.
Chung cuộc phần thiệt thòi thuộc về ai? Nếu không phải phụ huynh, học sinh, sinh viên, Nhà nước, thì một điều chắc chắn phần thiệt thòi thuộc về cả dân tộc, cả một thế hệ, mà thiệt thòi nhiều nhất là quần chúng nhân dân lao động, những người đã tạo ra của cải vật chất để đóng góp xây dựng đất nước, trong đó có xây dựng sự nghiệp giáo dục.
Đây là bài học quá cay đắng, và để lại nỗi buồn lầm lẫn nhiều năm sống chung với “thượng tầng kiến trúc” kém chất lượng giáo dục, cũng chỉ vì bằng đại học tại chức, liên thông.
Vì tương lai đất nước, vì con em chúng ta, tôi không những đồng tình với nhiều địa phương từ chối hệ tại chức, từ chối làm quan trước học sau, mà còn mong muốn Bộ GDĐT nên bỏ đại học tại chức mà tập trung vào sự nghiệp giáo dục lâu dài, có đủ kiến thức để xây dựng đất nước.