Cậu trò hiếu thảo và ngôi nhà nước mắt

Chủ nhật, 26/08/2012, 07:40
Mùa khai trường này, dù đỗ cấp 3 nhưng Dương Công Vinh (15 tuổi, thôn Bảo Luân, xã Vũ Lăng, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn) đành ngậm ngùi nghỉ học. Cái đói, cái nghèo và bệnh tật quẩn quanh ngôi nhà nhỏ nơi thâm sơn cùng cốc khiến cho những thân phận trong gia đình Vinh chỉ biết vẫy vùng trong vô vọng.

Ngôi nhà nước mắt

Nhà của Vinh bốn bề vách nứa nằm cô độc giữa ba quả đồi heo hút. Đồ đạc trong nhà tuềnh toàng, có độc chiếc tủ con con xiêu vẹo và hai chiếc giường ọp ẹp đắp khơi khơi mấy manh quần áo cũ rách.

 
Mẹ Vinh ngồi thất thần ở góc nhà, nghe có tiếng bước chân vẫn ngơ ngác không biết là người quen hay người lạ. Người đàn bà 55 tuổi nhỏ xíu như một đứa trẻ với tay chân co quắp, gương mặt méo xệch, biến dạng.
 
Bố Vinh cũng luýnh quýnh khi thấy người vào, lơ ngơ chạy đi chạy lại 4 góc nhà, chẳng biết làm gì.
 
Vinh vừa đi chăn bò về, người lấm lem bùn đất. Gương mặt em đen sạm, còn mái tóc cháy nắng vàng hoe…
 
Mới 15 tuổi nhưng nhiều năm nay, chính Vinh là “trụ cột” trong nhà vì người bố không được bình thường, mẹ bị bại liệt, đau ốm quanh năm.
 
Vinh còn một người anh anh trai hơn mình 2 tuổi, đã nghỉ học sớm, quanh năm lay lắt đi làm thuê, làm mướn.
 
Dương Công Vinh trong ngôi nhà nghèo xơ xác
 
“13 năm, bố tôi mất. Tôi như phát điên lên, thế là liệt” – cô Nguyễn Thị So – 55 tuổi, mẹ ruột của Vinh run run kể. Đôi mắt vô hồn của cô bỗng long lên sòng sọc, hai bàn tay run rẩy gắng gượng đưa lên đỡ lấy mặt. 
 
Cô không đủ sức thể diễn tả chi tiết hơn về bệnh tật của mình. 13 năm trước, bố cô đột ngột qua đời. Vì quá đau xót, cô vật vã đến mức lên cơn co giật rồi ngất đi. Người nhà đưa cô ra trạm xá, cho uống thuốc “thần kinh” để hạ cơn rồi lại đưa về. Vì không có tiền chạy chữa, không có tiền thuốc thang…
 
Cô đã khóc cạn nước mắt vì những cơn điên khiến cơ thể co rút, mắt, mũi, miệng méo mó dần. Đến nay, tình trạng ấy đã không thể cứu vãn được nữa.
 
Người đàn bà với khuôn mặt biến dạng, liệt nửa người chỉ còn biết lê lết vòng quanh nhà, hầu hết mọi sinh hoạt cá nhân phụ thuộc cả vào chồng con.
 
Từ khi mẹ gặp nạn, gia đình Vinh thêm túng quẫn. Ngôi nhà lại biệt lập giữa rừng, nên điều kiện kinh tế đã khó lại càng “khốn”. 
 
Chị Dương Thị Băng, thím ruột Vinh cho biết, quanh năm gia đình em phải “chạy ăn”, bữa rau, bữa cháo. Có khi triền miên chỉ ăn cơm độn ngô. Họ hàng thương, giúp nhưng cũng không ăn thua vì nhà nào cũng khó khăn cả Vinh cũng thú nhận, em phải thường xuyên ăn cháo cầm hơi, ôm bụng đói đi học, đi làm…
 
Hỏi, ăn uống đã thế, còn chuyện mặc thế nào, Vinh rưng rưng trả lời: “Mùa hè em có một bộ quần áo mặc đi học, mùa đông thì có 1 cái áo len”…
 
Bàn tay em vân vê vạt áo đã tướp chỉ, cố giấu nỗi đi ngại ngùng của tuổi mới lớn.
 
Thầy cô tha thiết, học trò bất lực
 
Vẻ ngại ngùng, bẽn lẽn của Vinh lúc chuyện trò hoàn toàn biến mất khi em đi xách nước, xay ngô, khi em chăm sóc, nâng đỡ mẹ, cho bà uống nước, xoa bóp tay chân cho bà lúc bà kêu đau. Thương mẹ, thương bố, thương anh nên Vinh không nề hà việc gì. 
 
Mẹ của Vinh tuy đau yếu, nhưng tâm trí vẫn còn minh mẫn, luôn động viên cho Vinh được học hành. Có lẽ với bà, Vinh là niềm tự hào, cũng là niềm hi vọng lớn nhất.
 
“Nó là đứa biết nghĩ, hiếu thảo và ngoan ngoãn. Bố mẹ nó không biết chữ nên nghèo quanh quẩn nghèo. Thằng anh cũng bỏ học sớm, nhà còn mình nó đi học, nên chịu khó lắm. Cứ đi học về là lại lao đi làm. Học hành thì chịu khó lắm, tối nào cũng học đến khuya. Nhiều hôm đi lấy củi cũng mang sách theo học” - thím ruột của Vinh kể lại.
 
Một góc nhà rách nát của em Dương Công Vinh
 
Nhận xét về Vinh, cô giáo chủ nhiệm lớp 9C – trường THCS Vũ Lăng, cô Dương Thị Mai xúc động nói: “Hoàn cảnh gia đình em Vinh thực sự quá khó khăn: Mẹ thì ốm đau, bố không được bình thường, nhà nghèo, neo đơn nên khi đi học, em hoàn toàn không có khả năng đóng góp bất cứ khoản tiền nào dù là nhỏ nhất.

Bù lại, em rất chăm học, ngoan ngoãn và đặc biệt có năng khiếu môn Tiếng Anh. Suốt 4 năm cấp 2, dù nhà xa, toàn phải cuốc bộ đến trường nhưng mưa nắng, chưa bao giờ em nghỉ một buổi học”.

 
Kỳ thi vào cấp 3 vừa rồi, Vinh thi đỗ vào trường THPT Bắc Sơn. Thầy Dương Công Thọ, hiệu phó nhà trường cho biết, em được xếp vào lớp 10D7, song không thấy em đi học.
 
“Chúng tôi chưa rõ hoàn cảnh của em Dương Công Vinh, nhưng chiếu theo danh sách nhà trường thì Vinh đã thi đỗ vào lớp 10 và đã được xếp lớp. Nếu gia đình em khó khăn, nhà trường sẵn sàng tạo mọi điều kiện hỗ trợ cho em đi học” - thầy Thọ khẳng định.
 
Thầy cô tha thiết là vậy, nhưng Vinh đành bất lực ở nhà. Trường quá xa, em không thể để mẹ già đau yếu ở nhà một mình được. Hơn nữa, dù có được miễn giảm học phí, thì từ nay đến hết cấp 3, còn chi phí trọ học, ăn ở xa nhà, gia đình em cũng khó lòng kham được…


Theo Vietnamnet

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích