Giới trẻ đang "chết mòn" vì "liều thuốc độc" từ tân dược

Thứ bảy, 25/08/2012, 16:29
Sau một thời gian rộ lên thú chơi cocaine, "đá" hoặc những tiền chất ma túy và một số loại thảo dược thuộc họ cần sa, giới trẻ lại quay trở lại "xài" thuốc tân dược có tiền chất gây nghiện... để tiết kiệm chi phí.
"Đủ món"... phê
 
Tình cờ một lần "trà dư tửu hậu" tại phố Nguyên Hồng (Hà Nội), chúng tôi được cận cảnh một nhóm học sinh ngồi "chém gió" và bàn kế hoạch ngày hôm sau về nhà một thành viên trong nhóm "chơi thuốc". Lúc đầu, một cậu tóc đỏ hoe gợi ý: "Mai bà bô tôi đi vắng, hay mua mấy "chấm" (ma túy "đá") về chơi cho xôm?".

Nhưng ý tưởng vừa được đưa ra đã bị các thành viên còn lại gạt đi: "Đắt đỏ lắm, chơi chưa đến "độ" đã hết, thôi tự chế đi". Ngồi nghe lỏm được câu chuyện tôi mới vỡ lẽ đám học trò này rủ nhau mua thuốc tân dược về dùng thay "đá". Tuy nhiên, cách thức dùng như thế nào thì tôi cũng mù tịt và không có cơ hội để kiểm chứng "công nghệ" chế thuốc tân dược thành "đá" như thế nào?

 
thuoc.jpg - 30.08 KB
 
Thuốc Ameflu từng được các đối tượng sử dụng sản xuất ma túy đá.
 
Cuộc trò chuyện của đám học sinh cứ ám ảnh trong đầu, tôi đánh liều tìm đến Linh "tít"- một tay chơi "đá" đã giải nghệ (trước đó PV đã từng có bài viết về nhân vật này) để tìm hiểu thông tin. Rất may, đã từng gặp gỡ, Linh "tít" cũng rất cởi mở. Hắn bảo rằng, chưa bao giờ hắn "xài" thuốc tân dược nhưng cách thức điều chế thì hắn đã từng được đám bạn "phổ cập kiến thức".
 
Theo lời kể của Linh, chỉ những con nghiện đói tiền, không thể kiếm được một vài tép mới tìm đến cách bần cùng bất đắc dĩ là dùng thuốc tân dược thay thế ma túy. Linh "tít" cũng bảo rằng, nhiều đứa trẻ (ám chỉ học sinh phổ thông-PV) còn hít cả các keo dán gỗ, nhựa, kim loại (trong đó chứa methylene chloride, ethyl acetate và toluene- PV) để nguôi ngoai cơn nghiện ma túy.

Có chăng, đứa nào sang hơn một chút thì hút cỏ mà dân chơi thường gọi là "pin", "cỏ Malay" hay "cỏ Ca", thuốc lào Canada, bởi chúng có xuất xứ từ Canada. "Pin" được chế biến dưới dạng sợi thuốc gói trong túi nylon hoặc ép thành bánh để dân chơi xắt ra, bóp vụn rồi quấn vào giấy để hút và thường ngụy trang "pin" như điếu thuốc lá bình thường và có thể sạc pin (hút, sử dụng) ở bất cứ đâu.

 
Như chạm vào mạch cảm xúc, Linh "tít" liệt kê "đủ món" mà giới trẻ đang chuộng hiện nay. Linh bảo, hút Shisha- một kiểu hút thuốc qua ống nước, phổ biến ở các quốc gia Ảrập, trong đó những loại thảo mộc tạo mùi thơm được đốt cách nhiệt bằng than, qua một ống nước và người dùng hít khí vào bằng ống- như một thú tiêu khiển, mua vui.

Thậm chí, để làm mới trào lưu, nhiều nơi còn kinh doanh kiểu biến tướng shisha như pha thêm rượu mạnh thay nước đun để tăng độ phê. Thậm chí một số thanh, thiếu niên đang sáng tạo ra những cách hút shisha đầy mạo hiểm bằng việc kết hợp với cần sa.    
          
Linh phân trần: "Nhiều người vẫn quan niệm hút Shisha không hại và không gây nghiện như heroin, thuốc phiện, thuốc lắc vì hút shisha có điểm đặc biệt hơn vì Shisha có thành phần là thảo dược, mật ong... Nhưng thực chất, Shisha cũng có thể gây nghiện vì lượng nicotin nhiều hơn so với thuốc lá. Bởi thế, hậu quả mà những hút phải lụy đến các chất gây nghiện khác như thuốc lắc và ma tuý thật sự".
 
Nói đến đây, Linh bỗng trùng giọng lại, vẻ mặt trầm tư. Linh bảo với tôi rằng: "Đã nghiện rồi thì chẳng khác gì rơi vào "cửa tử". Nếu ai may mắn cai được thì coi như cuộc sống được tái sinh". Nghe Linh "tít" nói vậy, tôi hỏi: "Thế anh đã được... tái sinh?". Câu hỏi của tôi không có câu trả lời bởi Linh lảng tránh. Dường như Linh muốn quên đi quãng thời gian mà khó khăn lắm Linh mới thoát ra được.
 
thuoc1.jpg - 24.32 KB

Một số loại thuốc tân dược được dùng thay thế ma túy.
 
Thuốc tân dược cũng trở thành... ma túy
 
Trong cuộc trò chuyện, Linh bật mí: "Thuốc cảm cúm được con nghiện dùng nhiều nhất, nó có chứa tiền chất gây nghiện pseudoephedrine (PSE). Thuốc Denausal - có chỉ định điều trị viêm mũi dị ứng và cảm cúm thông thường nhưng lại là món mà dân nghiện "khoái" nhất đấy!". Tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, Linh cười: "Nhà báo gì mà chẳng cập nhật thông tin gì cả. Lực lượng công an ở nhiều tỉnh thành đã triệt phá nhiều xưởng sản xuất Methamphetamine (ma túy "đá") mà  "nguyên liệu" chính để sản xuất ma túy "đá" lại là các thuốc trị viêm mũi dị ứng, cảm cúm thông thường".
 
Linh cũng cho biết, có lần đến nhà đứa bạn chơi, hắn thấy nhiều vỏ thuốc cảm cúm Glotifed (có tiền chất PSE), Ameflu, thuốc Tiffy... dưới nền nhà, hỏi ra mới biết cậu bạn "xài" thay ma túy vì... kẹt tiền mua thuốc. "Dân nghiện thường có công thức để chiết xuất tân dược thành ma túy chung. Quá trình điều chế, con nghiện dùng các hóa chất như cồn, thuốc tẩy móng tay, phosphoric kết hợp với thuốc tân dược có tiền chất gây nghiện trộn lại với nhau thành một hợp chất", Linh nói.
 
Để kiểm chứng lời Linh, chúng tôi đã liên hệ với BS. Nguyễn Ngọc Quang - giám đốc Trung tâm Giám định Pháp y tâm thần TP.HCM tìm hiểu về môi nguy hại của thuốc tân dược có tiền chất gây nghiện. BS. Quang cho biết: "Rất nhiều loại thuốc chữa bệnh thông thường đã bị sử dụng để thay cho ma túy, điển hình, thuốc Recotus có chứa Dextromethorphan HBr 30 mg- dẫn xuất của morphin được sử dụng phổ biến.

Ngoài ra, còn một số thuốc rất dễ gây nghiện vì có chứa các chất gây nghiện như thuốc kích thích có lượng cocaine, thường được dùng như một yếu tố kích thích thực thể và tâm lý, làm dễ chịu, khoái cảm. Một số thuốc có chất benzodiazepin (gồm valium, seduxen, diazefa, diazepan...) với liều cao sẽ gây nghiện, suy giảm hô hấp, dẫn đến chết người.

 
Theo dược sĩ Phạm Khánh Phong Lan, khi lạm dụng thuốc có tiền chất gây nghiện, người bệnh cảm thấy cần phải tiếp tục sử dụng loại thuốc này vì nếu ngưng dùng, họ sẽ thấy khó chịu, thiếu hụt hoặc cảm thấy bệnh có thể đột biến trở lại.

Chẳng hạn, người nghiện thuốc nhuận tràng nếu cắt thuốc sẽ bị táo bón nặng hơn; việc cắt thuốc co mạch chữa viêm mũi có thể khiến bệnh tái phát nặng hơn, người nghiện thuốc ngủ nếu không dùng nữa sẽ không tài nào nhắm mắt được.

Cũng theo dược sĩ Phong Lan, "nhiều loại thuốc cảm cúm có chứa PSE là thuốc mua không cần đơn nên có thể bị sử dụng để tổng hợp thành Methamphetamin thay thế các loại thuốc phiện, cần sa, heroin... Bởi thế, ngày càng nhiều các vụ sản xuất ma túy "đá" từ thuốc tân dược được phát hiện, triệt phá".

 
Chúng tôi đã liên hệ với  một trinh sát của Phòng CSĐTTP về ma túy CATP. Hà Nội để tìm hiểu về những "xưởng sản xuất ma túy" từ thuốc tân dược. Theo trinh sát này, những vụ án gần đây cho thấy bắt đầu manh nha tính chất chuyên nghiệp của loại tội phạm.

Điển hình, công thức điều chế ma túy đá mà đối tượng Phan Văn Chung cùng đồng bọn đã thực hiện tại một xưởng sản xuất ở quận Hoàng Mai cách đây không lâu cho thấy mức độ nguy hại của các loại tiền chất có trong tân dược.

Theo lời khai của Chung, tháng 3/2010, mẻ ma túy đầu tiên đã được xuất xưởng. Nguyên liệu dùng để sản xuất loại ma túy này gồm tân dược partamol, xăng thơm, cồn, xút, axit, axeton, photpho đỏ hoặc cồn i-ốt... Mỗi lần Chung dùng 4.000 viên thuốc partamol ngâm trong 2 lít nước lã với thời gian 24 tiếng. Khi thuốc tan, nhà sản xuất này cho 5 lít xăng thơm khuấy đều và cho 300-400 gram xút, xóc đều khoảng 10 phút rồi để cặn lắng xuống.

Tiếp đó, Chung gạn lấy phần dung dịch, lọc 2-3 lần qua lớp gạc bông rồi tiếp tục đổ thêm 10 lít nước lã, 10 cc axit clohydric và xóc đều... Khi được hỗn hợp sền sệt, Chung cho tiếp dung dịch axetol. Từ khoảng 28.000 viên partamol, Chung thu được 200 gram "đá"...

 
Có thể nói từ việc con nghiện sử dụng tân dược có tiền chất ma túy đến hoạt động của các "xưởng" ma túy gốc tân dược là một chu trình khép kín và mức độ nguy hại thì khôn lường. Theo đánh giá của BS. Nguyễn Văn Dũng (Bệnh viện Tâm thần quốc gia), việc sử dụng ma túy tổng hợp từ thuốc tân dược rất nguy hại cho người dùng.

Ma túy đá tự sản xuất trong điều kiện thô sơ, không khử hết độc tố của các loại tân dược. Vì vậy nếu ma túy đá độc 1 thì ma túy đá được sản xuất kiểu thủ công như thế này sẽ độc 10. Các con nghiện sử dụng loại ma túy này mà không hề hay biết rằng sẽ dẫn đến cái chết nhanh hơn.     

 
Theo các chuyên gia, những người lạm dụng thuốc có tiền chất gây nghiện sẽ có một khoái cảm nhẹ nhàng yên bình hoặc có cảm giác bạo lực. Khi bị cắt thuốc, bệnh nhân thấy bồi hồi, bứt rứt mất ngủ, lo âu, hoảng sợ, suy nhược, đôi khi bị ảo giác, rối loạn trong cách cư xử với người khác, rối loạn tiêu hoá (như tăng tiết nước bọt, đi lỏng, nôn, đau bụng), đau đầu, đau cơ, chuột rút, rối loạn vận mạch (mặt khi đỏ khi xanh tái), huyết áp không ổn định, tim đập nhanh, chảy nước mắt, rối loạn nổi da gà.

Theo Nguoiduatin

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn