Thêm một bãi đỗ xe "tai tiếng" giữa Thủ đô

Thứ năm, 06/09/2012, 07:47
Trước khi Hà Nội định làm bãi đỗ xe tại công viên Thống Nhất, Dự án bãi đỗ xe tại Đầm Trấu (phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng đang gây nhiều tranh cãi đối với các hộ dân trên địa bàn. 

>>Giá giữ xe tăng tưng bừng
>>Sẽ có hướng dẫn cụ thể về phí giữ xe
>>Bát nháo phí giữ xe - Kỳ 1: Mỗi nơi mỗi giá
>>Lấp rạch làm… bãi giữ xe


Theo họ, dự án này nằm trong hành lang an toàn bảo vệ đê, hành lang an toàn điện lưới Quốc gia, ảnh hưởng đến chỉ giới thoát lũ, xén vườn hoa, công viên cây xanh, và trên hết, nó nằm vào đất dự án đã được người dân góp vốn phát triển quỹ đất ở hơn hai chục năm trước! 

Bãi đỗ xe “tai tiếng”?!

Dự án xây dựng bãi đỗ xe tĩnh tại KĐT Đầm Trấu (phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng) được UBND TP Hà Nội phê duyệt cho Cty TNHH Xây dựng và Thương mại Thành Long (trụ sở tại phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai) từ năm 2009.
 
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn chưa được triển khai thực hiện.
 
Dải cây xanh do người dân góp tiền làm đã được trưng dụng làm các điểm đỗ xe tự phát. Theo phản ánh, phí đỗ xe là 1 triệu đồng/xe/tháng.

Theo sơ đồ quy hoạch dự án được niêm yết công khai ngay trên phố Nguyễn Khoái và hồ sơ thiết kế dự án, bãi đỗ xe Đầm Trấu được chủ đầu tư xây dựng trên ô đất B6 có tổng diện tích hơn 4.581m2 thuộc sáu thửa đất; diện tích xây dựng bãi đỗ xe là 2.144m2, chiếm 54% quỹ đất. Còn lại là mặt bằng xây dựng vườn hoa và hạ tầng giao thông (cấp 3).

Tổng đầu tư dự án là hơn 4,36 tỷ đồng, 100% vốn tự có. Dự án hoàn thành trong thời hạn 120 ngày, chủ dự án sẽ tự khai thác, quản lý. Đây là một trong những dự án được Hà Nội chủ trương kêu gọi xã hội hóa.

Sau khi dự án được phê duyệt, đã có nhiều ý kiến phản đối từ phía người dân. Theo họ, dự án này đã xâm phạm đến không gian chung của cộng đồng, nằm trong hành lang an toàn đê, hành lang an toàn lưới điện, xén đất công viên, cây xanh, ảnh hưởng đến chỉ giới thoát lũ, và trên hết, xâm phạm đến quyền lợi chung của hàng trăm hộ dân đã góp vốn từ nhiều năm trước để cải tạo mặt bằng cách đây gần hai chục năm.

Hàng trăm hộ dân sinh sống tại KĐT Đầm Trấu đã có đơn kiến nghị tập thể lên UBND phường về việc yêu cầu chính quyền sở tại tổ chức buổi đối thoại với người dân để giải thích những điều chưa minh bạch.

Cụ thể, ngày 22/8/2012, UBND phường Bạch Đằng có 2 thông báo số 55 – 56 về việc niêm yết công khai quyết định thu hồi đất làm dự án bãi đỗ xe tĩnh Đầm Trấu và thông báo về việc người dân kê khai tài sản, công trình ngầm, cây cối hoa màu nằm trong phạm vi thu hồi để thực hiện việc GPMB đền bù…
 

Bản quy hoạch dự án bãi đỗ xe tĩnh Đầm Trấu “treo” từ tháng 2/2012 đến nay.

Tuy nhiên, theo người dân, việc kê khai tài sản nói trên là việc không thể. Lý do: vị trí khu đất thu hồi trước đó là công viên Đầm Trấu được người dân chung tay xây dựng.
Mỗi hộ dân đã tự đóng góp tiền để cải tạo mặt bằng, di chuyển rác thải, chất thải xây dựng… sau đó cải tạo thành công viên. Không chỉ có khu vực đất được thu hồi để phục vụ dự án, dải cây xanh nằm song song với đường đê Nguyễn Khoái dài hàng trăm mét cũng là do công sức người dân chung tay đóng góp mà có.

“Không dễ dàng gì để có được mặt công viên, cây xanh đẹp đẽ như hiện tại. Trước đấy, nó là bãi rác thải, đất lưu không rất mất vệ sinh. Người dân kiến nghị với đơn vị chủ quản (Cty Đầu tư Phát triển nhà Hà Nội), tự đóng tiền để cải tạo, chỉnh trang để tạo không gian xanh cho cộng đồng.

Nó là tài sản của công sức tập thể nên không người dân nào lại có mong muốn nhận tiền đền bù một vài cái cây… để lấy tiền đền bù cả”
– ông Lê Hữu Phương (số nhà 7-A11 KĐT Đầm Trấu) bức xúc.

“Khu đất vàng” nhiều tranh cãi

Theo lịch sử, toàn bộ KĐT Đầm Trấu trước đó nguyên là hồ Đầm Trấu rộng mênh mông và là khu vực ngoài đê (đê Nguyễn Khoái, phường Bạch Đằng ngày nay).

 
Cái tên “Đầm Trấu” được hình thành từ việc, trước đó, phía bên kia đê có nhà máy xay xát, người ta xây dựng một đường ống chạy thông qua đường để tuồn trấu sang bên mép hồ. Từ đây, trấu được chất lên các thuyền chở đi khu vực khác. Đầm Trấu từ đó được hình thành.

Năm 1998, Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn ký QĐ số 442/QĐ-TTg về việc giao đất cho Cty Đầu tư phát triển Nhà Hà Nội được đầu tư xây dựng Khu nhà ở Đầm Trấu.

 
Theo đó, 59.697m2 đất thuộc phường Bạch Đằng được thu hồi, giao cho Cty Đầu tư phát triển Nhà Hà Nội 49.202m2 để thực hiện dự án. Hơn 10.495m2 đất còn lại giao UBND TP Hà Nội quản lý làm hành lang bảo vệ đê và điện cao thế theo quy hoạch của Thành phố.
 

“Khu đất vàng” sẽ được chủ dự án xây dựng bãi đỗ xe Đầm Trấu.

Để có được mặt bằng này, chủ đầu tư (Cty Phát triển nhà Hà Nội) đã huy động 446 hộ dân góp vốn (mỗi hộ dân đóng góp 25 triệu đồng, có phiếu thu) để tôn tạo đáy hồ, bờ sông tạo nên hạ tầng cơ sở của dự án. Đây được coi là dự án “xã hội hóa” đầu tiên được kêu gọi triển khai của Hà Nội về xây dựng đô thị.

“Chính quyền và các ban ngành đang hiểu và quan niệm đất này thuộc UBND phường Bạch Đằng quản lý, nhưng nguồn gốc và giá trị tài sản của nó, tài sản trên đất… là do người dân đóng góp tiền bạc, công sức để có được. Không thể bỗng dưng có “đất sạch” để giao cho chủ dự án. Điều đó là không rõ ràng và minh bạch” – ông Đoàn Trọng Lý, đại diện các hộ dân, cho biết.

 
Liên tục gia hạn thực hiện dự án

Tại văn bản số 10920/UBND-KH&ĐT về việc chấp thuận cho Cty TNHH Xây dựng và Thương mại Thành Long nghiên cứu đầu tư dự án bãi đỗ xe tĩnh tại khu vực Đầm Trấu ngày 12/11/2009, UBND TP Hà Nội cho ý kiến: chấp thuận cho chủ dự án xây dựng bãi đỗ xe phải đảm bảo quy mô, vườn hoa, không xây dựng công trình nằm trong hành lang đường dây điện trên không…

Nếu hết quý II/2010, Công ty chưa khởi công công trình, UBND TP Hà Nội sẽ thu hồi dự án giao cho đơn vị khác đầu tư.

Ngày 22/7/2011, UBND TP Hà Nội lại tiếp tục ban hành văn bản số 6097/UBND-KH&ĐT về việc gia hạn hoàn thành chuẩn bị đầu tư dự án bãi đỗ xe tĩnh Đầm Trấu.

 
Theo đó, Hà Nội chấp thuận gia hạn thời gian hoàn thành bãi đỗ xe tĩnh tại khu vực Đầm Trấu cho Cty TNHH Xây dựng và Thương mại Thành Long.
 
Nếu hết quý I/2012, chủ dự án không khởi công, UBND TP Hà Nội sẽ thu hồi bàn giao dự án cho đơn vị khác đầu tư.

Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, khi phóng viên có mặt tại hiện trường vào ngày 4/9/2012, khu đất triển khai dự án vẫn được quây kín bằng hàng rào tôn.

 
Người dân cho biết, hiện trạng này được giữ từ tháng 2/2012 đến nay, và đã sắp sửa hết quý III/2012.
 

Theo Vietnamnet

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn