Chồng thiểu năng nuôi vợ tâm thần cùng anh trai mù lòa

Thứ năm, 06/09/2012, 09:23
Căn nhà tranh vách nứa, mái nhà lợp bằng cành cọ là nơi cư trú của 3 số phận không may mắn. Người mắc bệnh tâm thần, người thì bị mù lòa, người còn lại thì mắc chứng thiểu năng, bệnh tật như gieo rắc khắp ngôi nhà nhỏ tăm tối này.
Cảnh đời cơ cực
 
Từ đầu làng thuộc khu 6, xã Hương Lung (Cẩm Khê- Phú Thọ) hỏi thăm nhà anh Trung có vợ tâm thần và anh trai mù lòa thì ai cũng biết. Sau một hồi hỏi đường, chúng tôi được một người phụ nữ chỉ vào một ngôi nhà nền đất mái lá. Ngôi nhà dường như bị lọt thỏm trong một không gian được bao phủ bốn bề xung quanh là cây cối um tùm.
 
Từ cổng đi vào, chúng tôi được anh Nguyễn Gia Luật (sinh năm 1958) bước từng bước khó khăn từ trong nhà ra đón. Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi bước vào là hình ảnh của một ngôi nhà tối tăm, ọp ẹp, cũ kỹ mà tưởng chừng chỉ xuất hiện vào những năm đất nước còn bao cấp.
 
Ngôi nhà tranh mái nứa ọp ẹp với bốn bề là cây cối um tùm

Mời chúng tôi vào nhà ngồi, anh qua nhà hàng xóm gọi em trai mình là anh Nguyễn Gia Trung (sinh năm 1968) về tiếp khách. Quanh khắp ngôi nhà cũng không thấy có thứ gì đáng giá. Có lẽ những đồ vật còn chút giá trị trong ngôi nhà chỉ là chiếc hòm làm bàn thờ, một bộ bàn ghế đã cũ mà gia đình mua được từ chục năm trước nhờ vào vài đồng tiền trợ cấp.

Ở phía cuối gian nhà, nơi đặt chiếc giường ngủ ọp ẹp là nơi đặt chiếc đài cassette từ thời xưa còn giữ lại mà anh mượn được từ một người hàng xóm để thi thoảng bật nghe cho đỡ buồn. Ngôi nhà trông thật đơn sơ và tiều tụy như chính ba con người đang sinh sống trong đó.

 
Ngoài những vật dụng không mấy giá trị trong nhà, anh chị còn nuôi được 3 con chó cùng vài con gà con, anh Luật kể: “Gà, chó là mua của hàng xóm, người ta biết nhà mình không có tiền nên vừa bán vừa cho. Nhiều hôm thiếu gạo nấu cơm thì chó, gà cũng chẳng có gì ăn”. Bữa ăn cho người nhiều khi còn lo chưa xong nên những con chó, con gà trong vườn nhà cũng gầy nhom và luôn trong tình trạng đói ăn.
 
Năm 1945, bố mẹ anh Luật chuyển từ Thái Bình lên Phú Thọ lập nghiệp. Ngôi nhà tranh mái lá cũng từ thời các cụ để lại. Cứ sau mỗi trận mưa, bão là người làng lại phải góp sức, góp của để trụ lại chỗ ăn, chỗ ngủ cho ba con người khốn khổ.
 
Nhà chỉ cấy có 6 thước ruộng, diện tích lúa cấy không đủ cho 3 người ăn lại còn chưa kể tới những năm mưa bão, sâu bọ gây mất mùa. Nhiều khi cả nhà vẫn phải ăn độn cơm với sắn. Có lẽ người ta chỉ có thể nghĩ tới cuộc sống này vào nhiều năm về trước khi đất nước còn nhiều khó khăn, điều kiện kinh tế còn nghèo nàn.

Bữa ăn của gia đình anh chị vô cùng đơn giản, đó chỉ là cơm trắng với muối canh và nước mắm, vậy là xong một bữa cơm. Nhiều khi nhà hết gạo không có gì ăn, người làng thương tâm lại cho bò gạo, cái bánh ăn tạm qua ngày. Anh Trung chia sẻ: “Nhà có ít ruộng thì một mình tôi làm, vợ và anh trai bệnh tật gần như không làm gì được, trong làng có ai thuê làm cái gì thì làm cái đó để kiếm thêm ít tiền lo bữa ăn”.

 
Chiếc giường cũ đã mục nát giờ chỉ được tận dụng để đặt đồ

Chiếc giường ngủ của anh chị cũng là do hàng xóm cho. Gần như những thứ đồ lặt vặt trong nhà đều là đi xin về hoặc được những người hàng xóm tốt bụng giúp đỡ.
 
Nỗi đau mang tên bệnh tật
 
Chúng tôi vừa ngồi trò chyện được một lúc thì chị Lư - vợ anh Trung, từ ngoài đi vào với dáng vẻ thẫn thờ, không nói không rằng, chị từ từ tiến về ngồi sát mép giường mà đôi mắt cứ nhìn vô định. Từ khi chị bước vào nhà cho tới khi chúng tôi xin phép ra về, chị không hề nói một lời, đôi tay thi thoảng lại vân vê tà áo đã bạc màu.
 
Đối với một người bình thường thì việc phải chăm sóc một người bệnh đã là khó khăn, với một người tâm trí không mấy ổn định như anh Trung thì nó còn khó khăn hơn gấp nhiều lần, khi tự chăm cho mình còn chưa xong còn phải lo cho hai người bệnh thân thiết nhất.
 
 
 3 con người với 3 số phận hẩm hiu (từ trái sang: anh Luật, chị Lư, anh Trung)

Trong một gia đình với cả 3 người đều bất bình thường thì có lẽ trường hợp của anh Luật là thương tâm nhất. Khi vừa chào đời, anh đã mắc phải căn bênh thủy đậu, gia đình không có tiền thuốc thang cứu chữa kịp thời khiến bệnh tình ngày càng nặng, khuôn mặt anh bắt đầu biến dạng, miệng thì méo xệch, mắt cũng mờ dần và một thời gian sau đó thì mù hẳn.

Hoàn cảnh khó khăn nên cũng không có điều kiện tới bệnh viện khám chữa, cho tới 6 năm trước, khi nhà nước có chính sách hỗ trợ, anh mới có cơ hội đi chữa mắt, vậy là anh được thực hiện phẫu thuật thay con mắt bên phải.

 
Mặc dù một mắt đã được chữa trị nhưng hiện tại anh cũng chỉ có thể nhìn mọi vật lờ mờ. Bác sĩ trị bệnh cho anh cho biết nếu như làm phẫu thuật mắt còn lại thì sẽ bị hỏng cả hai mắt. Vì vậy mà quãng đời còn lại của anh sẽ phải sống trong cảnh mù lòa chỉ với một mắt nhìn mờ mờ. Những khi trái gió trở trời, căn bệnh lại tái phát kèm theo các cơn co giật khiến cơ thể vô cùng đau nhức, khó chịu..
 
Đang ngồi trò chuyện, anh Luật xắn ống tay áo lên cho chúng tôi thấy những vết sẹo dài trên cánh tay và phía sau lưng mình. Đó là hậu quả mà căn bệnh quái ác mang lại cho anh. Được biết trước đây anh cũng từng lấy vợ, nhưng chỉ được một thời gian, người phụ nữ này không thể chịu được cảnh khổ đã bỏ anh ra đi.
 
Anh Trung là người may mắn hơn cả, tuy rằng nhiều khi tâm trí cũng không bình thường. Khi còn thanh niên anh Trung có thời gian đi làm gạch dưới Hà Tây. Tại đây, anh quen với chị Lư và 2 người tiến tới hôn nhân. Lấy nhau năm 1994, chưa kịp sinh con cái thì năm sau chị Lư bỗng phát bệnh thần kinh. Vậy là cũng chẳng ai nghĩ tới chuyện sinh con đẻ cái nữa.
 
Chị Lư từ khi phát bệnh tới nay gần như ngày nào cũng đi lang thang trong xóm, cứ sáng đi, tối lại về nhà. Có hôm đi liền mấy ngày, chị lang thang sang tận xã bên rồi bị tai nạn, may mà được một y tá trong xóm giúp đỡ mới thoát khỏi nguy hiểm.
 
Chúng tôi đến thăm anh, chị vào một buổi cuối chiều, có lẽ lúc đó là lúc cả anh Luật và chị Lư tương đối tỉnh táo. Theo lời anh Trung cho biết những lúc phát bệnh họ thường hay nói nhảm, có khi còn kêu, khóc thét lên.
 
Cuộc sống tuy cơ cực, lại bệnh tật gieo rắc nhưng cả gia đình 3 người lại chung sống rất hòa thuận. Anh Bắc - hàng xóm, cho hay: “Ở đây gia đình bác Trung là khổ nhất nhưng lại sống rất yên ấm, không bao giờ thấy cãi cọ nhau, cũng không gây chuyện bên ngoài. Tuy bệnh tật nhưng họ hiền lành, thật thà nên người trong làng ai cũng quý”.
 
Chị Trần Thị Ích - phó chủ tịch hội phụ nữ xã Hương Lung, cho hay: “Gia đình nhà chú Trung đúng là quá khổ, cả 3 đều bệnh tật. Vào những ngày lễ, tết hội phụ nữ rồi hội chữ thập đỏ vẫn tới hỏi thăm, động viên và cho ít gạo, tiền mang tính chất lá lành đùm lá rách, thể hiện tinh thần tương thân tương ái”.
 
Rời ngôi nhà mái lá tiều tụy, chúng tôi không khỏi tiếc thương cho số phận của 3 con người mang 3 số phận hẩm hiu này. Mùa đông sắp tới, các cơn mưa, bão lớn không ngừng kéo đến, rồi họ sẽ phải sống ra sao khi mà sức khỏe thì yếu mà cơ sở vật chất của gia đình lại chẳng có gì đáng giá. Tuổi cũng đã cao, sức khỏe ngày càng yếu không biết rằng rồi mai này họ sẽ phải nương tựa vào đâu để tiếp tục cuộc sống này!
 
Mọi sự giúp đỡ của độc giả xin gửi về địa chỉ: anh Nguyễn Gia Trung, khu 6- xã Hương Lung- Cẩm Khê- Phú Thọ. 
Hữu Quỳnh- Thanh Giang
 
Theo Infonet

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn