"Ông cảnh sát giao thông" bất đắc dĩ

Thứ tư, 12/09/2012, 17:13
Nhiều năm nay ông "gàn, dở, hâm" vẫn âm thầm làm công việc tự nguyện đứng ra đưa các cháu học sinh qua đường an toàn mà không hề đòi hỏi bất cứ một điều gì. Người làng gọi ông là "ông CSGT đặc biệt".
 
Tự nguyện dẫn học sinh qua đường
 
Trong một lần trên đường qua địa bàn xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, chúng tôi thấy tò mò khi có một người đàn ông đã đứng tuổi, tay cầm dùi cui mặc bộ đồ áo đồng phục đứng trực bên quốc lộ 1A, đang gom các em học sinh lại một chỗ rồi lần lượt dẫn các cháu qua đường.
 
Dừng lại hỏi chuyện, người dân mới cho biết đó là ông Nguyễn Văn Điều, trú ở xóm 6, xã Quỳnh Văn. Bà con nơi đây vẫn thường gọi ông là “vị cảnh sát giao thông bất đắc dĩ”.
 
8 năm qua ông Điều tự nguyện làm cái việc không công là dẫn các cháu học sinh qua đường an toàn

Cơ duyên đưa ông Điều đến với công việc đưa học sinh qua đường cũng thật tình cờ. Hồi đó, ông đang làm bảo vệ cho hợp tác xã Nam Sơn đóng trên địa bàn xã Quỳnh Văn với mức lương được cho là tạm đủ so với vùng thôn quê như ở đây.
 
Năm 2004 ông bỏ cái nghề là cần câu cơm của cả gia đình gắn bó suốt 18 năm qua để đi làm cái nghề không lương khi tự nguyện đưa học sinh qua đường. Ông Điều chia sẻ lý do: “Trước đây nhà tôi có ruộng lúa cạnh cái ngã tư giao nhau giữa quốc lộ 1A với đường liên xã, nơi con đường đi vào trường tiểu học xã Quỳnh Văn B. 

Mỗi ngày ra thăm ruộng tôi lại thấy các cháu học sinh phía bên này quốc lộ băng qua đường giữa dòng xe cộ tấp nập ngược xuôi để đến trường mà thấy ớn lạnh. Cứ lần nào chứng kiến cảnh này, hình ảnh đó lại đập vào mắt làm tôi luôn đau đáu trong lòng. Tôi cũng từng chứng kiến nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm xảy ra trên đoạn đường này mà các cơ quan chức năng chưa có cách khắc phục triệt để.

 
Phải làm một việc gì đó để giúp các cháu sang đường an toàn? Ý nghĩ đó cứ quanh quẩn trong đầu khiến tôi thấy day dứt. Thế là tôi im lặng giấu vợ con, bắt đầu ra ngã tư này đứng chỉ đường cho bọn trẻ đi qua”.
 
Từ hôm đó, vào sáng sớm người ta lại thấy ông Điều một tay cầm cành cây đứng giữa đường vẫy vẫy cho các cháu học sinh băng qua đường một cách an toàn. Khi những ngày đầu thấy ông như thế ai cũng tưởng là ông bị điên, hâm, dở. Rồi việc cũng đến tai vợ con ông, mọi người phản đối kịch liệt.
 
Thậm chí sau đó họ hàng còn họp mặt, khuyên nhủ trăm điều nhưng ông vẫn kiên quyết và sau cùng đành phải chấp nhận im lặng để ông tiếp tục làm việc.

Trong thời gian một năm ròng ông vừa đảm nhiệm làm bảo vệ nơi hợp tác xã, vừa tranh thủ thời gian mỗi ngày để ra đường hướng dẫn cho bọn trẻ và những người già cả qua đường. Sau đó thì ông nghỉ hẳn làm bảo vệ ở hợp tác xã để chuyên tâm cho công việc hiện tại.

 
“Khi vợ biết tôi đi “vác tù và hàng tổng”, bà ấy kiên quyết không cho đi. Nhiều hôm về nhà thấy vợ con không nói gì, bưng bát cơm trên tay mà tôi nuốt không trôi. Nhưng tính tôi nó vậy rồi, đã quyết thì khó thay đổi được, nhất là công việc mà tôi tâm đắc và mong muốn thực hiện bằng được từ bấy lâu nay”, ông Điều nhớ lại.
 
Ông Điều đang gom bọn trẻ để chuẩn bị dẫn các cháu qua đường

Năm 2009, khi biết việc làm ý nghĩa đó, ông Điều được chính quyền xã cấp cho bộ quần, áo đồng phục và dùi cui để thuận tiện cho công việc hằng ngày. Tính từ năm 2004, đã ngót 8 năm trôi qua, hằng ngày ông Điều vẫn cần mẫn với công việc là người dẫn đường cho bọn trẻ.
 
Mỗi ngày 4 buổi không kể trời nắng hay mưa, lạnh hay nóng, cứ sáng sớm ông lại đến trực từ rất sớm chờ từng đoàn học sinh rồi nắm tay, chỉ bảo, nhắc nhở đến khi không có xe thì bắt đầu cho bọn trẻ qua đường, ông chờ đến khi nào hết học sinh thì mới về nhà phụ giúp công việc gia đình. Đến giờ tan trường ông lại có mặt để trực và đến chiều, tối cũng như vậy.
 
“Nhiều hôm thấy còn thiếu cháu nào là tui liền chạy vào trường hỏi thăm thầy cô để xem tình hình, nhiều khi phải về từng gia đình nói chuyện với họ vì họ đã tin tưởng giao con cho mình rồi” ông chia sẻ.
 
Và những trăn trở
 
Ngã tư xóm 6 Quỳnh Văn từng được xem là điểm đen về tai nạn giao thông. Nút giao thông này nơi giao cắt giữa quốc lộ 1A và con đường từ xóm 6 chạy thẳng vào trường Tiểu học Quỳnh Văn B. Cách chỗ này khoảng 100 mét là khu chợ tạm họp bên đường, mới đây lại mọc thêm một cây xăng nên lượng người và phương tiện qua lại rất đông, gây nên lộn xộn và dễ mất an toàn.
 
Thực tế người dân sống xung quanh khu vực này cho biết từng chứng kiến nhiều vụ va quệt, tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra.

Chị Nguyễn Thị Liên, bán hàng tạp hóa cạnh đó cho hay: “Trước đây hầu như ngày nào cũng có tai nạn giao thông xảy ra. Có nhiều cháu học sinh do bất cẩn khi băng qua đường bị tông gãy chân, tay, thậm chí còn có đứa bị tử vong. Thế nhưng từ khi ông Điều đứng ra tự nguyện dẫn đường cho các cháu thì tai nạn giảm hẳn. Đặc biệt là không có học sinh nào bị xe tông cả”.

 
Hằng ngày, ông Điều vẫn cần mẫn đến trước rồi tập hợp bọn trẻ lại một chỗ, sau khi thấy an toàn ông thổi còi ra hiệu lệnh, từng đoàn học sinh nối đuôi nhau theo ông qua đường. Nhiều người lần đầu tiên thấy như vậy thì cũng tò mò đứng lại xem, nhưng khi hiểu ra sự việc thì mỉm cười chấp hành theo lệnh của ông chờ học sinh qua hết rồi mới đi tiếp.
 
Với việc làm của ông mình, ông Điều luôn được các em học sinh trường Tiểu học Quỳnh Văn B yêu quý, kính trọng. Em Hồ thị Lan học sinh lớp 5 của trường chia sẻ: “Chúng cháu hầu hết nhà ở phía bên kia quốc lộ, bố mẹ thì lo đi làm nên mỗi lần đến trường đều phải đi một mình.
 
Cứ khi băng qua đường là rất khó khăn vì xe máy, ô tô đi lại nhiều. Nhưng từ ngày được bác Điều đưa đón chúng cháu đều rất an tâm, tin tưởng và không lo sợ nữa. Lần nào bác ấy ốm là chúng cháu lại thấy nhớ và kéo nhau đến thăm, cả trường ai cũng yêu quý bác ấy cả”.
 
Ông Điều đứng cạnh cho các cháu qua đường

Cũng trong năm 2009, khi biết được việc làm đáng khen của ông Điều, chính quyền địa phương ngoài việc cấp quần áo ra còn quyết định hỗ trợ mỗi tháng 500 nghìn để hỗ trợ thêm thu nhập cho gia đình ông.
 
“Trước đây chúng tôi cũng muốn tìm một người làm việc đó nhưng không ai dám đứng ra nhận. Đến lúc bác Điều đứng ra tự nguyện làm thì chúng tôi cảm thấy rất an tâm và hoan nghênh việc làm ý nghĩa đó”, ông Lê Văn Ba, Phó chủ tịch UBND xã Quỳnh Văn cho hay.
 
Với số tiền trợ cấp ít ỏi ông không đủ để nuôi gia đình nhưng ông Điều vẫn hăng say với công việc hằng ngày của mình. “Làm công việc này không phải ai cũng làm được, nó đòi hỏi mình phải có cái tâm và trên hết là lòng yêu trẻ con thì mới gắn bó lâu dài với công việc này được”, ông nói như vậy. Mỗi lúc ông có việc bận hay ốm thì bà Thía, người trước kia kịch liệt phản đối lại tình nguyện ra chốt thay ông.
 
Thầy Nguyễn Đình Dinh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Quỳnh Văn B cho hay: “Việc làm của anh Điều rất được nhiều người khen ngợi. Từ khi anh làm người đưa học sinh trường chúng tôi qua đường, thì không có một vụ tai nạn nào đáng tiếc xẩy ra. Anh xứng đáng là tấm gương cho nhiều người học hỏi và các em học sinh noi theo”.
 
Tâm sự với chúng tôi, điều mà ông Hồ Văn Điều trăn trở là, nếu rồi đây ông già đi, sức khỏe không đảm bảo để đưa bọn trẻ qua đường thì ai sẽ thay ông làm việc đó? Và hơn hết là chính quyền cần quan tâm, đề ra phương án gì trong thời gian tới việc bằng đường đến trường của các cháu không còn là nỗi lo của tất cả phụ huynh có con em học tại đây.
 
Những trăn trở đó của ông khiến chúng tôi càng thêm cảm phục tấm lòng yêu trẻ, thương người mà ông đã, đang dành cho bọn trẻ.

Theo Infonet

Các tin cũ hơn