Cô gái xương thủy tinh gieo niềm tin cho người khuyết tật

Thứ tư, 12/09/2012, 15:58
Nằm khuất sâu trong con ngõ 11, phố Lương Định Của, phường Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội, từ lâu ngôi nhà nhỏ số 13 của cô gái mắc bệnh xương thủy tinh Nguyễn Thị Thu Thương đã trở thành điểm đến của đông đảo người khuyết tật.
Mọi người tìm đến Thu Thương không chỉ vì khâm phục nghị lực "thép" vượt lên căn bệnh quái ác của cô mà còn tìm được ở đây điểm tựa niềm tin vào cuộc sống.

Là con thứ hai trong gia đình có 4 người con ở xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên (Hà Nội), từ khi mới lọt lòng Thu Thương đã mắc căn bệnh xương giòn dễ gẫy. Em chỉ nằm và vận động bằng cách lăn.

Năm 11 tuổi, Thương cùng gia đình rời quê lên Hà Nội. Năm 2003-2004, Thương tham gia lớp học nghề thủ công làm đèn kết từ những chiếc khuy áo, em đã tự kiếm được tiền từ đôi tay nhỏ bé của mình, giúp đỡ một phần kinh tế cho bố mẹ.

Sau nhiều năm mày mò luyện cho thạo đôi tay để làm ra những sản phẩm tinh xảo, Thương đã bày bán sản phẩm trong chiếc tủ nhỏ tại nhà, qua bạn bè, sản phẩm của em ngày càng thu hút được sự chú ý của nhiều người.

Tháng 4 năm nay, Thương cùng các bạn vận động gây quỹ Thương Thương và mở lớp dạy nghề miễn phí cho 5 bạn cùng cảnh ngộ. Thu Thương cho rằng: "Nếu cho con cá, người ta sẽ ăn hết, còn cho cần câu thì sẽ nuôi sống họ suốt đời. Em muốn giúp các bạn có nghề để các bạn tự tin hơn trong cuộc sống".
 
Nguyễn Thị ThuThương làm một sản phẩm thủ công từ cúc áo. (Ảnh: Báo Người Lao Động)

Nguyễn Thị Thu Thương làm một sản phẩm thủ công từ cúc áo. 
 
Gọi là lớp học nhưng đó chỉ là căn phòng rộng chưa đầy 10m2. Đây cũng là nơi Thu Thương trưng bày các sản phẩm của người khuyết tật, cũng là nơi sinh hoạt của các thành viên trong lớp.

Tất cả học trò của Thương đều là người khuyết tật đến từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Họ đều khao khát có một nghề để có thể nuôi sống bản thân nhưng đa phần lại không có điều kiện để đi học. Hiểu thấu tâm tư ấy, quỹ Thương Thương không chỉ dạy nghề miễn phí mà lo kinh phí ăn ở, sinh hoạt và đi lại cho học viên.

Dù nằm một chỗ nhưng Thu Thương vẫn tiêu thụ được sản phẩm qua nhiều kênh khác nhau, trong đó có trang web thuongthuong.net.

Số tiền thu được từ bán sản phẩm được trích vào quỹ để tiếp tục duy trì lớp học. Ít ai biết được, để có một lớp dạy nghề cho 5 thành viên trong hai tháng, ngoài nguồn kinh phí trích từ quỹ Thương Thương, cô gái nhỏ này đã phải nỗ lực rất nhiều trong việc kêu gọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm.

Từ những thành công ban đầu, Thu Thương rất trăn trở làm sao có được nguồn kinh phí lớn hơn để xây dựng một xưởng thủ công quy mô hơn, giúp được nhiều bạn khuyết tật học nghề và có thêm thu nhập.

Ghi nhận những nỗ lực vượt lên bệnh tật, có nhiều đóng góp hữu ích của Thu Thương, nhiều bằng khen, giấy khen của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi Hà Nội… đã được trao tặng cho cô như một lời tri ân giàu ý nghĩa.
 
Theo Hà Nội mới

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn