Phải trực chờ từ 4 giờ sáng trước cửa nhà bà lang đề chờ khám. Ủ dột và mệt mỏi, nhưng hy vọng “gặp thầy, gặp thuốc” vẫn toát ra trong ánh mắt, trong từng lời nói của những người phụ nữ hiếm muộn này.
Chuyện 3 - 4 giờ sáng tới xếp hàng bên ngoài cổng nhà một bà lang ở Mỹ Đình (Hà Nội) để chữa hiếm muộn có lẽ nghe lạ tai với nhiều người. Nhưng nếu đặt vào hoàn cảnh những cặp vợ chồng bao năm qua đã phải kiên trì gồng mình “đi tìm con” thì việc nửa đêm gà gáy tới đây khám sẽ chẳng có gì quản ngại. Bởi dường như nó đang đem tới cho họ rất nhiều hy vọng!
Vào vai một phụ nữ đã lấy chồng 3 năm mà chưa thấy “động tĩnh” gì, nay được người quen giới thiệu đến địa chỉ này, tôi bắt đầu hỏi chuyện và nhanh chóng nhận được sự đồng cảm của nhiều chị em ngồi kế bên, cũng đang chờ trời sáng để được vào khám.
4h15 sáng, nhiều người đã trực chờ trước cổng nhà bà lang chữa hiếm muộn
Theo họ thì, mỗi ngày bà lang chỉ khám cho 40 bệnh nhân, từ 7h30 – 11h sáng các ngày trong tuần và nghỉ Chủ Nhật. Mọi người sẽ ký lấy số, lần lượt vào khám theo số thứ tự của mình. Tôi đến vào lúc 4h15 sáng nhưng đã ký tới số thứ 21.
Theo lời chị em truyền tai nhau, bà lang nổi tiếng “cao tay” chữa chứng tắc vòi trứng và sinh lý yếu ở phụ nữ. Đa phần các chị em đến chữa trị đều được bà dựa theo kết quả khám Tây y của họ trước đó để bắt mạch rồi bốc thuốc.
Chị Hoàng Thị Thanh (sinh năm 85, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội) thủ thỉ với tôi: “Nhiều người trong Nam, ngoài Bắc, ở tận nước ngoài cũng tới nhà bà chữa hiếm muộn đấy. Bạn tới đây khám lần đầu à? May mà bạn biết tới xếp hàng sớm chứ có người ở xa, tới muộn không còn số là phải quay về chờ tới hôm sau”.
Nụ cười đôi khi xuất hiện trên khuôn mặt chị Thanh trong lúc trò chuyện không át được nét vẻ mệt mỏi bởi phải thức dậy từ 3 giờ sáng, tới đây ngồi vật vạ trên xe máy, bên vỉa hè. Nhưng sự hy vọng “gặp thầy, gặp thuốc” chắc chắn sẽ có một mụn con vẫn toát ra trong ánh mắt, trong từng lời chị nói.
Chị em dùng đèn pin để soi vào bảng Ghi số khám bệnh
Đưa đẩy câu chuyện cho trời mau sáng, chị Thanh kể cho tôi nghe hành trình tìm kiếm 1 mụn con suốt 4 năm nay từ khi chị phát hiện bị lạc nội mạc tử cung - một căn bệnh gây hiếm muộn. Sau những chuỗi ngày mổ nội soi, siêu âm canh ngày rụng trứng, làm IUI (kỹ thuật bơm tinh trùng vào buồng tử cung) 3 lần mà không được, cuối cùng, chị làm IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) cũng chẳng thành công.
Tây y không ổn vợ chồng chị chuyển qua chữa Đông y, thậm chí đi xem bói canh ngày “con về”. Gần đây, thấy người bạn cùng cơ quan cũng hiếm muộn, tới chữa bà lang này rồi có con, chị cũng nuôi hy vọng.
“Không thể kể hết nỗi thất vọng mỗi lần theo thầy này, thầy kia mà chẳng có kết quả. Thôi tiền thì chẳng kể đến, nhưng mệt mỏi, chán nản. Chồng vẫn động viên nhưng nhiều khi nghe tiếng thở dài của mẹ chồng mà vừa hờn, vừa tủi. Bảo với chồng là 2 năm nữa mà em vẫn chưa có con thì anh lấy vợ khác đi!’, chị Thanh cười.
Chị Thanh hỏi tôi tại sao đi một mình mà chồng không đưa đi. Thấy tôi chỉ cười chị thở dài: "Hồi đầu mình cũng đi cùng anh xã, nhưng giờ quen rồi nên chủ động tự đi. Lần đầu tiên ngồi đi một mình đến đây ngồi tủi thân lắm. Nghĩ sao cái phận mình khổ sở. Nhưng mà cũng có nhiều chị đi một mình phần vì chồng không có nhà, chồng trực đêm, thậm chí cũng có anh chồng chữa trị lâu quá đâm ra oải".
Quả thực, nỗi lòng của những người phụ nữ đang khát khao làm mẹ như chị Thanh dẫu không dùng nhiều lời giãi bày thì người ta cũng dễ dàng nhìn thấu. Mỗi người, mỗi cảnh nhưng có thể tìm thấy nhiều điểm chung ở những người phụ nữ này. Đó là những hành trình ngược xuôi không biết bao nhiêu bệnh viện, gõ cửa không biết bao nhiêu nhà thầy lang, rồi Đông – Tây y kết hợp cúng bái để sinh được một đứa con.
Đó cũng là cảm giác khó chịu, tủi thân mỗi lần nghe mẹ chồng, người thân… xì xào chuyện “tịt” rồi chăng?! Là những đêm nằm ôm chồng mà ứa nước mắt. Thương chồng, muốn sinh con cho chồng nhưng vô vọng. Rồi ai may mắn được chồng chia sẻ, còn ai bất hạnh bị chính chồng mình dằn vặt. Nhưng đa phần họ luôn bị ám ảnh bởi cảm giác hạnh phúc gia đình mong manh khi không có một đứa con.
Một cặp vợ chồng trẻ tỏ ra bồn chồn vì nghĩ họ đã đến muộn
6h20 sáng, người nhà của bà lang ra đọc tên, sắp lại số thứ tự, còn hơn 1 giờ nữa bà lang mới bắt đầu khám bệnh. Một người đàn ông ngồi kế bên tôi và chị Thanh, có lẽ vì chăm chú lắng nghe và bị cuốn vào câu chuyện của hai chị em mà bỗng nhiên bắt lời. Yêu thương và sẻ chia của anh dành cho vợ quả thực khiến người ta cảm phục!
Theo lời anh kể, vợ chồng anh cưới nhau từ đầu năm 2007, tới nay vẫn mỏi mòn chờ tin vui. Cũng giống như chị Thanh, hai vợ chồng anh đôn đáo “vái tứ phương” chữa trị hiếm muộn. Anh chị tới chữa tại nhà bà lang này từ tháng 7.2011, khoảng 3 tuần lại tới khám một lần.
“Vợ dao động nhiều. Cô ấy nản chí. Đặc biệt tôi lại là con cả. Thằng em trai cưới sau tôi 2 năm giờ cũng đã có con rồi. Tôi biết áp lực đặt lên vợ rất khủng khiếp. Đôi khi vì nghĩ cho vợ mà thấy mình bất hiếu.
Tôi cố gắng tránh những dịp cỗ bàn, tết nhất để vợ không phải tiếp xúc với họ hàng bên nhà tôi. Tết năm ngoái được nghỉ 6 ngày, hai vợ chồng đi du lịch Sài Gòn 4 ngày cho nhanh hết Tết”.
6h20 sáng, trời đã sáng rõ. Uể oải ngồi chờ vì hơn 1 giờ đồng hồ
nữa bà lang mới khám bệnh
Anh lại kể: “Cô ấy là người có tinh thần không mấy lạc quan, tôi phải liên tục "lên dây cót" cho cô ấy. Chúng tôi đã kiên trì uống thuốc ròng rã hơn một năm trời. Có những thời điểm cô ấy phải đi công tác xa nhưng tôi đã sắc thuốc sẵn để vợ mang đi.
Ba tháng trở lại đây, vợ có vẻ mệt mỏi. Vợ muốn xin con nuôi nhưng tôi không muốn. Tôi không để cho cô ấy đi xếp hàng đêm nữa. Cứ tới lịch khám, tôi tới đây xếp hàng lấy số trước. Bao giờ sắp tới lượt khám, sẽ gọi vợ tới sau. Tôi chỉ muốn cô ấy vững tin, đừng bao giờ bỏ cuộc”.
Có lẽ không khó bắt gặp những câu chuyện của chị Thanh, của người đàn ông yêu vợ nói trên trong xã hội ngày nay. Bởi có không ít cặp vợ chồng son vẫn đang gồng mình bước từng bước trên hành trình sinh được một mụn con.
Miên man suy ngẫm về chuyện hiếm muộn, tôi bất chợt nghe thấy ai đó đang nói rằng: "Ông trời quả thực chẳng chiều lòng người, ai “khó” thì nhọc công đi tìm, người “dễ” thì lại đang tâm vứt bỏ".