Bỏ việc 100.000 USD để đi dạy trẻ em chơi!

Thứ sáu, 28/09/2012, 10:25
Đang làm ở The Capital Group, một trong những quỹ đầu tư lớn nhất thế giới với mức lương vào hạng top của Mỹ nhưng Trần Thị Ái Liên đã bỏ việc, xa gia đình để về Việt Nam mở công ty phi lợi nhuận, tạo điều kiện cho trẻ em vui chơi.

>>Bỏ việc, bán hết tài sản lấy tiền… đi du lịch
>>Chuyện chưa kể về ‘đại gia’ bỏ việc đi bán trà đá
>> Thành triệu phú nhờ dám…bỏ việc
>>Đang làm 'sếp bự' ngân hàng, bỏ việc về nhà bán thịt

Bỏ việc để hoạt động vì quyền lợi trẻ em

Sang Mỹ định cư lúc 18 tuổi, Trần Thị Ái Liên làm công nhân lắp ráp linh kiện điện tử ban ngày và học đại học cộng đồng ban đêm. Thời gian đầu ở California, ngày nào cô cũng miệt mài làm việc từ 4h sáng đến 4h chiều, hết giờ làm thì đến trường đại học cộng đồng học đến nửa đêm. Trong suốt hai năm liền, mỗi đêm cô chỉ ngủ khoảng 3 tiếng.
 
ai.jpg - 26.97 KB
Trần Thị Ái Liên

Vượt qua thời kỳ gian khó, Ái Liên lấy hai bằng đại học Quan hệ Quốc tế và Quản trị Kinh doanh từ đại học UC Berkeley. Cô xây dựng cuộc sống ổn định ở Mỹ với công việc "ngon lành" ở những hãng tài chính nổi tiếng nhất nước như Morgan Stanley và The Capital Group, thu nhập lên tới 78.000 USD/năm, nếu vẫn tiếp tục làm đến bây giờ có thể đạt tới hơn 100.000 USD/năm.

Thế nhưng, bất chấp sự ngăn cản của gia đình, bạn bè, Liên từ bỏ cuộc sống Mỹ với mức lương đáng mơ ước để đi học thạc sỹ Chính sách công (Đại học Berkeley), giành học bổng Fulbright của Bộ Ngoại giao Mỹ để về Việt Nam thực hiện ước mơ của mình, đó là “không còn trẻ em bị đánh đòn hay quên lãng bởi người thân”.

6 năm làm cố vấn chính sách cho Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ giúp Ái Liên hiểu hơn về đời sống, nỗi khổ của trẻ em và cha mẹ.  

“Ở Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới, nhiều người còn nghĩ rằng chơi đùa là xa xỉ và ăn, mặc, học hành mới là quan trọng. Nhưng thế giới đã công nhận chơi đùa là nhân quyền căn bản của trẻ em.  Chơi đùa là cách trẻ em học hỏi và khám phá thế giới, là công việc nghiêm túc và quan trọng của trẻ, nhưng ở Việt Nam vẫn còn bị xem nhẹ.
 
Nhiều cha mẹ không hiểu là chơi đùa với con chính là dạy con, không biết cách chơi với con, không nghĩ ra được trò chơi gì với con, và kết quả là cha mẹ thì mệt, con thì chán và việc chơi đùa trở thành gánh nặng trong khi lẽ ra nó phải là niềm vui cho cả gia đình” – Ái Liên chia sẻ.
 
ai1.jpg - 43.56 KB
Chơi đùa là công việc nghiêm túc và quan trọng của trẻ

Công ty phi lợi nhuận "Bạn của bé" do Ái Liên sáng lập hàng tuần đều tổ chức chương trình"Chơi đùa cùng con" miễn phí vào 9h sáng chủ nhật ở Nhà sách Mẹ & Con (46 Lê Lợi, TP Hồ Chí Minh) nhằm giúp cha mẹ có ý tưởng và cơ hội chơi đùa với con, ví dụ như cùng con vẽ một bức tranh, làm một tấm thiệp, …

Theo Ái Liên, không cần tốn nhiều tiền của và công sức, chỉ cần tình thương và sự quan tâm, cha mẹ có thể cho con tận hưởng quyền vui chơi mà các em vốn được hưởng, đồng thời phát triển trí tuệ cảm xúc, và rèn luyện ý chí cho con mình.

Trung thu: Rất rẻ tiền, rất hạnh phúc, luôn tuyệt vời!

Dù đã sống hơn 20 năm ở Mỹ nhưng trong gia đình lớn ba thế hệ của Ái Liên vẫn vẹn nguyên sự gắn kết ấm áp và những giá trị truyền thống Việt. Ở cách nửa vòng trái đất, những ngày Tết Trung Thu, Tết Nguyên Đán, Giỗ tổ Hùng Vương,… đều được gia đình cô tổ chức giản dị mà đầy ý nghĩa. 

Ái Liên chia sẻ: “Một bữa ăn gồm những thức ăn truyền thống không cần sang trọng, không cần nhiều; Cùng nhau trang trí nhà cửa bằng những thứ thủ công rẻ tiền; Trao cho nhau những thông điệp yêu thương qua những tấm thiệp tự làm… Tất cả những điều này sẽ tạo ra mối dây gắn bó giữa ông bà, cha mẹ, anh chị em, dâu rể, con cháu ba thế hệ. Chỉ vậy thôi, rất rẻ tiền, rất hạnh phúc và luôn tuyệt vời!”.

Một điều đặc biệt thường được thực hiện trong những ngày lễ của gia đình Ái Liên ở Mỹ là “kể chuyện ngày xưa” như: ông ngoại đã rộng rãi ra sao, bà ngoại đã đạo đức thế nào, ba đã nỗ lực trong công việc và cuộc sống, mẹ đã khôn ngoan trong hoàn cảnh này hoặc hoàn cảnh khác …

“Không cần phải kế chuyện lịch sử hay danh nhân thế giới, trong gia đình chúng ta cũng đã có hàng khối chuyện hay. Những câu chuyện có thật của những con người thật mà mình biết thì mang đến thông điệp giáo dục nhân cách mạnh mẽ hơn nhiều những tên tuổi trong sách vở xa lạ” – Ái Liên nói.

 
Theo Kienthuc

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích