Đồng Tháp: “Khát” giữa biển nước

Thứ sáu, 28/09/2012, 13:56
Là tỉnh đầu nguồn có đến trên 400 trạm cấp nước tập trung nhưng nhiều vùng nông thôn ở Đồng Tháp lại “khát” nước quanh năm. Không chỉ bất ổn với nước sinh hoạt, nơi đây còn đối mặt với nguy cơ thiếu nước sạch bởi nạn khai thác nguồn nước ngầm theo kiểu… ăn xổi, ở thì.
 
 
thap.jpg - 78.47 KB
 
Do sợ nước máy, nhiều năm nay gia đình chị Nguyệt chỉ xài nước giếng khoan
 
“Khát” vì sợ… nước máy
 
“Nước máy” là cách người dân gọi nguồn nước được cung cấp bởi các trạm nước tập trung dùng cho mục đích sinh hoạt (công suất dưới 1.000m3/ngày, đêm). Theo nghĩa này, Đồng Tháp có trên 400 trạm “nước máy”, tập trung ở vùng nông thôn, một kỷ lục về số nhà máy nước nông thôn ở ĐBSCL. Thế nhưng, người dân ở đây lại “khát” quanh năm vì sợ “nước máy”.

Đến Tân Hộ Cơ, xã đầu nguồn của huyện Tân Hồng, vừa thấy tôi định mở van nước để tẩy bụi sau chuyến đi, chủ nhà Huỳnh Thị Nguyệt, ấp Gò Bói, đã ngăn lại rồi nhanh tay lấy nước giếng bơm cho tôi sử dụng.

Theo lời chị Nguyệt, mấy tháng trước, thấy nước máy nổi màng, thỉnh thoảng lại có mùi nên gia đình chị đã khóa đồng hồ nước, thuê thợ khoan giếng lấy nước tắm giặt và mua nước tinh khiết để uống. Còn tại xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười, nhiều hộ sợ “nước máy” đến mức phải vay nóng để khoan giếng.

Những hộ không có nước giếng khoan thì chấp nhận đi một đoạn đường khá xa để gánh từng thùng nước từ kênh, mương về sử dụng. Trần Minh Thức, ông chủ của năm trạm cấp nước cho biết, tuyến đường ống kênh 25 thị trấn Mỹ An (Tháp Mười) dài đến 1,2km, nhưng hiện chỉ còn bảy hộ sử dụng rất hạn chế với 1-2m3 nước/hộ/tháng.

 
Quản lý kém
 
Vì sao khách hàng đồng loạt sợ “nước máy”?

BS Dương Ân Hận, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Đồng Tháp cho rằng, cơ bản là do nguồn nước bị “nhiễm”. Kết quả kiểm tra đột xuất chất lượng nước vào cuối năm 2011 tại 295/322 trạm cấp nước tập trung cho thấy, có đến 191 mẫu không đạt các tiêu chuẩn theo quy định, gồm: nhiễm asen (thạch tín) 110 mẫu, vi sinh 39 mẫu, clorua 14 mẫu, sắt 20 mẫu…

Theo nhiều người am tường, cái gốc của vấn đề nằm ở cách quản lý thông tin thiếu đồng bộ. Trước đó, vào năm 2010, trong đợt kiểm tra tại 307/322 trạm nước máy cho thấy mức độ nhiễm của nguồn nước cũng tương tự như trên (176/307 mẫu không đạt, nhưng dư luận không phản ứng quá gay gắt như lần này.

Theo ông Nguyễn Minh Tâm, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Đồng Tháp, mấu chốt là do “trong nhà chưa rõ, ngoài ngõ đã tường”. “Mãi đến khi trong dân rộ lên thông tin nước nhiễm bẩn, tôi mới được các phòng NN-PTNT thông báo kết quả nên rất bị động” - ông Tâm bức xúc.

 
Việc “xì” thông tin lại không kèm theo lời giải thích thỏa đáng nào nên khiến người dân lo lắng quá sự thật, nhà cung cấp thì không có cơ sở để điều chỉnh.

Anh Nguyễn Quốc Thái, xã Đốc Binh Kiều, chủ bốn trạm cấp nước ở Tháp Mười, địa phương có số mẫu nước nhiễm asen nhiều nhất (61 mẫu), cho biết: "Không chỉ biết sự việc muộn mà mãi đến tận bây giờ, tôi cũng không nhận được thông báo chính thức cho biết độ nhiễm asen thế nào có thể ảnh hưởng đến sức khỏe để giải thích với khách hàng”.

 
thap1.jpg - 47.17 KB

Nằm bên dòng sông Tiền quanh năm nước ngọt, nhưng trớ trêu thay Đồng
Tháp lại tập trung khai thác nước ngầm và rước lấy nguy cơ ô nhiễm nguồn nước

 
Sự “dễ dãi” trong công tác quản lý của các ngành chức năng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “bỏ qua” nguồn nước mặt dồi dào để tập trung khai thác nước ngầm. Hiện toàn tỉnh có 368/430 trạm cấp nước sử dụng nước ngầm. Điều này có thể giảm được một phần giá trị đầu tư, nhưng lại trực tiếp châm ngòi cho ô nhiễm “nước máy” và nghiêm trọng hơn, nó đe dọa đến tài nguyên nước ngầm trong tương lai.

Hiện việc nghiên cứu, đánh giá trữ lượng các tầng chứa nước - đặc biệt là các tầng sâu bên dưới, còn rất hạn chế và vẫn chưa xác định được mức an toàn để đảm bảo khai thác không ảnh hưởng nguồn tài nguyên này nên dù khai thác kiểu nào cũng chẳng ai bị phạt.

Trong khi đó trên thực tế, “tại một số nơi, mực nước ngầm đã xuống thấp vài tấc so với 5 năm trước”, ông Tâm lo lắng.

 
Trước mắt, Đồng Tháp đang “chết dở” với bài toán khắc phục nước máy “nhiễm” bẩn, công tác quản lý nhà nước về xử lý vẫn chỉ là con số không, các trạm nước máy “nhiễm” vẫn hoạt động như cũ, bởi chuyện khắc phục gần như là nhiệm vụ bất khả thi đối với chủ trạm cấp nước.

Theo tính toán sơ bộ của Sở Khoa học công nghệ Đồng Tháp, tối thiểu giá của một hệ thống xử lý asen cũng lên đến 250 triệu đồng, nhưng cũng chưa phải là con số cuối cùng.

Do trước đây nhiều trạm cấp nước được xây dựng rất đơn giản chỉ với bể bơm và đài nước, cần phải đầu tư thêm mặt bằng. Điều này gần như vượt khả năng bởi phần lớn các trạm cấp nước có quy mô nhỏ, vốn ít. Thậm chí, trong trường hợp có khả năng, cũng rất cần có hành lang pháp lý hỗ trợ.

 
Sống giữa nguồn nước mặt dồi dào, nhưng nhiều năm qua, Đồng Tháp lại bỏ qua lợi thế này mà tập trung khai thác nước ngầm cung cấp cho sinh hoạt. Cách làm này không chỉ rước lấy nguy cơ mắc bệnh cho người tiêu dùng mà còn gây hiểm họa cho tương lai.
 
Trái với nhận định khá lạc quan của các ngành chuyên môn tỉnh Đồng Tháp khi cho rằng các mẫu nhiễm asen chỉ mới trên ngưỡng cho phép một chút, TS Tô Văn Trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, người từng phối hợp với TS Gorden Stanger, chuyên gia về tài nguyên nước của Úc, đã tiến hành phân tích hàm lượng asen trong nước ngầm ở ĐBSCL, lại cho là rất đáng lo.

Tuy mức nhiễm asen chưa cao nhưng trước làn sóng tăng trưởng nhanh về dân số và các hậu quả của sự xâm nhập mặn từ biển đã dẫn đến việc phụ thuộc vào nguồn nước ngầm từ tầng thứ nhất và tầng thứ hai (QIV và QII-III), điều này có nguy cơ làm tăng cao khả năng lan truyền thạch tín trong nước ngầm ở ĐBSCL.

 
"Thạch tín là tên gọi thông thường dùng chỉ nguyên tố asen (arsenic) nhưng cũng đồng thời dùng chỉ hợp chất ô xít của asen hóa trị III (As2O3). Ô xít này màu trắng, dạng bột, tan được trong nước, độc gấp bốn lần thủy ngân.

Các biểu hiện nhiễm độc lâm sàng của thạch tín là trên da có vết bầm tím, tóc rụng, đau mắt, đau tai dẫn đến biến chứng gan, thận, lách sưng to, giai đoạn cuối là ung thư. Nếu uống phải một lượng thạch tín bằng một nửa hạt ngô có thể gây tử vong tức khắc".

 

TS Tô Văn Trường


Theo Phunu

Các tin cũ hơn