Nhiều bất cập trong công tác quản lý thời gian qua dẫn đến sai phạm trong công viên Tuổi trẻ Thủ đô (Hà Nội). Chưa đầy 10 năm, đổi chủ quản lý tới 3 lần, diện mạo công viên vẫn chưa hình thành. Điều này càng khiến nhiều người băn khoăn.
Theo UBND thành phố Hà Nội, việc quản lý công viên và hồ trên địa bàn thành phố hiện nay đang tồn tại nhiều khó khăn. Ngân sách thành phố không đủ để đầu tư cho các công viên, còn kêu gọi xã hội hóa đầu tư vào công viên thì chủ đầu tư đặt vấn đề bù đắp chi phí bằng những công trình thương mại nên dễ dẫn đến sai phạm.
Hiện nay, chỉ có 2 công viên thực hiện theo hình thức xã hội hoá thành công là công viên Dịch Vọng và Yên Sở. Trong đó công viên Yên Sở đang trong quá trình hoàn thành. Trước đây, thành phố cũng đã cho Công viên Tuổi trẻ triển khai xã hội hóa với một số hạng mục đầu tư.
Sau mỗi lần sai phạm công viên này lại đổi chủ.
Quá trình xây dựng công viên Tuổi trẻ Thủ đô tồn tại nhiều bất cập dẫn tới hệ lụy là thành phố phải đổi chủ quản lý nhiều lần.
Từ năm 1995, thành phố thành lập Cty Thương mại Đầu tư và phát triển Hà Nội trực thuộc Thành đoàn để quản lý và xây dựng công viên Tuổi trẻ, đáp ứng nhu cầu giải trí, thể dục thể thao, nghỉ ngơi của thanh niên và nhân dân. Tuy nhiên, do hoạt động không hiệu quả nên năm 2003, Cty này được chuyển về Sở Du lịch.
Đến năm 2004 nó lại trực thuộc Tổng Cty du lịch Hà Nội và đổi tên thành Cty Đầu tư và dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội để có thể huy động nguồn lực tài chính. Cùng với việc đổi chủ, công viên này cũng đã hai lần được điều chỉnh quy hoạch, mà gần đây nhất là điều chỉnh quy hoạch 1/500 theo hướng trở thành Trung tâm Thanh thiếu niên Hà Nội. Đến nay, Công viên Tuổi trẻ Thủ đô lại sắp có chủ mới.
Tại cuộc họp với lãnh đạo quận Hai Bà Trưng và lãnh đạo các sở mới đây, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Khôi cho biết, việc chuyển giao Công viên Tuổi trẻ Thủ đô thuộc Công ty TNHH Đầu tư và dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội sang Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh quản lý vận hành theo mô hình hoạt động phục vụ công ích đã được Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo đồng ý về mặt chủ trương.
Dự kiến, việc chuyển giao này sẽ được thực hiện vào đầu tháng 11/2012.
Theo mô hình quản lý Công viên Tuổi trẻ Thủ đô phục vụ công ích do Sở Xây dựng đưa ra, việc quản lý, khai thác công viên hoạt động theo mô hình “công viên mở” phục vụ nhu cầu văn hóa, vui chơi, thể dục thể thao, nghỉ ngơi của nhân dân.
Tuy nhiên, việc thay đổi đơn vị quản lý ở những lần trước đây cũng không tạo diện mạo mới mà làm cho đơn vị rơi vào cảnh làm ăn thua lỗ, sai phạm không được xử lý triệt để. Vào thời điểm năm 2007, đơn vị quản lý đã nợ ngân hàng 50 tỷ đồng và lỗ kinh doanh 30 tỷ đồng, và vẫn để phát sinh nhiều hạng mục xây dựng sai phép.
Nhiều cán bộ, nhân viên của Cty Đầu tư và Dịch vụ Tuổi trẻ vẫn nghi ngại, lần đổi đơn vị quản lý này có làm thay đổi được bộ mặt công viên hay chỉ là hình thức đổi chủ?
“Nếu theo mô hình như thành phố đang có chủ trương thực hiện thì hoạt động công ích và kinh doanh đan xen nhau tại công viên Tuổi Trẻ sẽ rất phức tạp và rất khó quản lý.
Đơn giản, công trình đầu tư theo phương thức xã hội hoá sẽ được giải quyết như thế nào? Đấy chưa kể gần 100 cán bộ công nhân viên sẽ mất việc làm khi giải thể Cty hiện nay để thay vào đó là một đơn vị mới mà cách quản lý có hiệu quả hơn hay lại lãng phí?” - ông Nguyễn Hoài Văn, Giám đốc Cty Đầu tư và Dịch vụ Tuổi trẻ nói.
Theo quy hoạch, công viên Tuổi trẻ Thủ đô có diện tích 26,2ha. Đến trước năm 2006, đã giải phóng mặt ằn được 8ha; diện tích hồ là 10ha, số còn lại là diện tích chưa giải phóng mặt bằng. Hiện trong công viên có 6 khu vực được đầu tư theo phương thức xã hội hóa với số vốn đầu tư lên tới trên 300 tỷ đồng.