‘Không xác định được chất độc trong rau quả Trung Quốc’
Thứ sáu, 28/09/2012, 15:11
Việc lấy mẫu thực phẩm Trung Quốc chỉ có thể cho biết dư lượng thuốc có trong ngưỡng cho phép hay không, còn phát hiện chính xác là loại chất độc gì, gây hại ra sao thì không thể.
Đại diện chợ đầu mối Bình Điền cho biết, trung bình tổng lượng hàng rau củ, trái cây về chợ khoảng 950 tấn/đêm, trong đó hàng Trung Quốc chiếm từ 10 - 15% (khoảng 95 - 150 tấn).
Tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, trong 1.450 tấn rau củ thì hàng Trung Quốc chiếm khoảng 280 tấn...
Như vậy, ước tính lượng rau củ, trái cây Trung Quốc về hai chợ đầu mối này lên đến từ 475 - 525 tấn/đêm (chưa kể lượng trái cây, rau củ Trung Quốc nhập lậu đưa về Tp. HCM). Số lượng lớn vậy nhưng khâu kiểm tra giám sát chất lượng mặt hàng này hầu như chỉ làm qua loa chiếu lệ.
Ông Ngô Tiến Dũng - Phó phòng Quản lý chất lượng chợ đầu mối Bình Điền - cho biết: “Thông thường mỗi đêm cơ quan chức năng lấy từ 10 - 35 mẫu, trong đó có 7 - 8 mẫu rau củ, trái cây ngoại nhập để kiểm nghiệm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu. Đây là hoạt động kiểm tra dư lượng nhanh ban đầu.
Số lượng hoa quả tiêu thụ quá lớn khiến khâu kiểm tra giám sát chất lượng mặt hàng này hầu như chỉ làm qua loa chiếu lệ.
Chợ chỉ là đơn vị phối hợp, Chi cục bảo vệ thực vật thành phố chịu trách nhiệm chính. Bình quân có khoảng 1% trên tổng số 30 mẫu bị phát hiện dư lượng thuố cvượt mức cho phép. Một số thương nhân kinh doanh hàng rau củ quả có mẫu bị phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật bị nhắc nhở, xử phạt cảnh cáo, trường hợp vi phạm nặng thì tịch thu lô hàng có vấn đề”.
Bà Nguyễn Thanh Hà - Phó giám đốc kinh doanh chợ đầu mối nông sản Thủ Đức - nhận xét: “Hiện nay, Ban Quản lý chợ cũng chỉ lấy mẫu kiểm định dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật trên hàng nội, còn hàng Trung Quốc chưa thực hiện lấy mẫu kiểm định, chỉ kiểm tra về mặt giấy tờ, hóa đơn chứng từ.
Việc Chi cục bảo vệ thực vật Tp. HCM có xuống chợ lấy mẫu kiểm định hay không thì tôi không thấy. Mỗi đêm chúng tôi phối hợp với cơ quan An toàn vệ sinh thực phẩm kiểm tra vài chục mẫu rau củ, trái cây nhưng kiểm hàng Việt còn chưa hết, lấy đâu ra thuốc để kiểm hàng nhập, trong khi hàng nhập khẩu đã được hải quan cửa khẩu cho qua”.
Không phát hiện được vì thiếu phương tiện
Nói về công tác kiểm nghiệm dư lượng độc hại, một cán bộ Cục bảo vệ thực vật nhìn nhận: “Hiện chỉ có thể kiểm tra dư lượng hóa chất trên rau quả có vượt ngưỡng cho phép hay không và việc kiểm tra này cũng đòi hỏi nhiều thời gian.Còn biết chính xác đó là chất gì, độc hại đến mức nào thì gần như không thể vì không có thông tin về nguồn gốc của loại thuốc mà nông dân Trung Quốc sử dụng.
Cơ quan y tế đã nhiều lần lấy mẫu để kiểm tra nhưng hầu như không phát hiện được gì vì không đủ phương tiện để truy tìm tận gốc những loại hóa chất đó”.
Ông Nguyễn Văn Đức Tiến - Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ thực vật Tp.HCM - cho biết: “Mỗi tháng, các tổ kiểm tra thường xuyên tiến hành lấy 150-200 mẫu để phân tích nhanh (có kết quả sau 2 giờ). Nếu phát hiện có lân hữu cơ và carbonat, chúng tôi sẽ tiến hành phân tích kỹ hơn tại phòng thí nghiệm xem mức độ dư lượng có vượt mức giới hạn cho phép hay không.
Thời gian gần đây, kết quả kiểm nghiệm lấy mẫu rau, củ, quả tại chợ đầu mối cho thấy hơn 90% số mẫu kiểm tra có chỉ số thuốc trừ sâu dưới ngưỡng quy định nên người tiêu dùng có thể tạm yên tâm.
Trong số các mẫu kiểm tra lấy tại chợ hằng tháng, tỷ lệ mẫu kiểm tra hàng nông sản Trung Quốc chiếm khoảng 20%.
Tuy nhiên, một thực tế hiện nay là nhân lực bố trí làm công việc này còn quá mỏng, chi phí xét nghiệm cao, nhất là để có kết quả xét nghiệm chính xác các mẫu thực phẩm phải mất từ 10-15 ngày. Trong thời gian này thì lô hàng nhập khẩu đã được tiêu thụ đến tận nơi nào rồi”.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam - kiến nghị: “Mặt hàng rau củ, trái cây Trung Quốc trên thị trường Việt Nam khá phổ biến, cơ quan chức năng gần đây cũng đã phát hiện một số mẫu có lượng tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật vượt mức cho phép nhiều lần, đây là vấn đề lớn.
Tuy nhiên cơ quan chức năng thường tổ chức kiểm tra theo phản ảnh của dư luận chứ chưa chủ động giám sát chất lượng đến nơi đến chốn.
Ví dụ như khi báo chí lên tiếng về chất lượng giá đỗ hay táo đỏ Trung Quốc thì cơ quan chức năng mới tiến hành kiểm tra. Vấn đề là cơ quan quản lý nhà nước nên có biện pháp siết chặt hàng ngoại nhập, riêng hàng Trung Quốc có nguy cơ nhiễm độc cao như táo, lựu, lê... có thể kiểm tra lên đến 50%, thậm chí 100% ngay tại gốc”.